Cho đến nay, các nhà chức trách Trung Quốc vẫn từ chối lên án hành động tấn công Ukraine của Nga, nhưng lại ủng hộ những phàn nàn của Moscow về sự mở rộng của liên minh quân sự NATO.
Giới chức Mỹ cho biết Nga đã thông báo về kế hoạch động binh với Trung Quốc từ trước. Sau này, Nga còn yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ quân sự và kinh tế, song Điện Kremlin và Bắc Kinh hiện đều phủ nhận.
Khi tập trung về thủ đô Brussels (Bỉ) để bàn về các biện pháp trừng phạt mới dành cho Nga, các nhà lãnh đạo của EU đã nhắn nhủ một số thông điệp tới chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chia sẻ với CNBC, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho hay: "Trung Quốc là quốc gia quan trọng nhất trong cuộc chiến. Họ có thể đóng vai trò then chốt trong tiến trình hòa bình, họ có rất nhiều đòn bẩy và lợi thế. Tất cả chúng tôi đang chờ đợi Bắc Kinh sẽ làm gì".
Thủ tướng Latvia Arturs Karins cũng bày tỏ: "Trung Quốc có quyền lực chọn: dang tay với Nga tức là ủng hộ chiến tranh chống lại Ukraine, ném bom phụ nữ, trẻ em và bệnh viện - hoặc tìm cách hợp tác với châu Âu, với Mỹ và các nền dân chủ phương Tây".
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cũng gọi Trung Quốc là một "tay chơi quan trọng" và cho biết EU phải đảm bảo "Bắc Kinh chọn đúng hướng đi của lịch sử trong cuộc chiến tại Ukraine".
Bà Marin nhấn mạnh: "Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình giúp đỡ Nga, các lệnh trừng phạt sẽ không thể phát huy tác dụng như cách chúng tôi muốn".
EU, cùng với Mỹ, Anh, Canada và các nước khác đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt khác nhau đối với Moscow sau khi ông Putin ra lệnh thực hiện "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại nước láng giềng Ukraine.
Theo Viện Tài chính Quốc tế, các cấm vận của phương Tây có thể khiến nền kinh tế Nga sụt giảm 15% trong năm nay, mất thêm 3% trong năm tới. Điều này đồng nghĩa rằng tăng trưởng kinh tế 15 năm của Moscow sẽ bị xóa sạch.
Tuy nhiên, nỗi đau kinh tế mà Nga phải gánh có thể vẫn chưa dừng lại. Đầu ngày 24/3, chính phủ Mỹ đã thông báo kế hoạch trừng phạt khoảng 400 cá nhân Nga. Đồng thời, 27 nước thành viên EU cũng đang thảo luận về khả năng giáng thêm trừng phạt tại cuộc họp kéo dài hai ngày ở Brussels.
Trao đổi với CNBC, ông Josep Borrell - Trưởng Bộ phận Đối ngoại của EU, cho biết ông đang chờ đợi hướng dẫn mới từ các nguyên thủ quốc gia về "cách tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế, trừng phạt cá nhân và trừng phạt theo ngành".
Song, giới lãnh đạo châu Âu nhiều khả năng không thể mạnh tay đến mức áp lệnh cấm vận hoàn toàn đối với sản phẩm dầu mỏ và khí đốt của Nga, khi mà lục địa già phụ thuộc nặng nề vào hàng hóa năng lượng của ông Putin.
Mặc dù một số thành viên EU, đặc biệt là Ba Lan và các nước Baltic, ủng hộ lệnh cấm ngay lập tức; các quốc gia khác lại hoài nghi về biện pháp này vì lo ngại hậu quả kinh tế nghiêm trọng.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas nói quan điểm của các nước thay đổi tùy theo mức độ lệ thuộc vào năng lượng của Nga và ảnh hưởng của một lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ có thể gây ra cho các công dân châu Âu.
"Chúng ta phải hiểu là mọi quốc gia và chính phủ đều cần cân nhắc dư luận và rất tiếc là người dân châu Âu không thực sự kiên nhẫn nếu mất đi những tiện ích đang có. Người dân phải ủng hộ thì chúng ta mới có thể hành động. Rõ ràng, tương lai phía trước tồn tại rất nhiều khó khăn", vị thủ tướng bày tỏ.