Latasha Lyle, một bà mẹ đơn thân đang sống tại thành phố Cleveland, tiểu bang Ohio, Mỹ chia sẻ với tờ NBC News rằng cô đang tập cho các con ăn chế độ thuần chay dinh dưỡng. Người phụ nữ 34 tuổi ban đầu cười rằng trải nghiệm mới mẻ này sẽ giúp 6 đứa con của chị có một “chuyến phiêu lưu ẩm thực thú vị”, song thực chất, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ đà tăng chóng mặt của giá lương, thực phẩm - thứ khiến thịt trở thành món ăn xa xỉ hơn bao giờ hết đối với gia đình người phụ nữ này.
“Thật không may, tôi chỉ là bà mẹ đơn thân. Một gói cánh gà giờ có giá 21 USD nhưng chỉ có 12 miếng thôi, quá ít để các con tôi ăn đủ no. Ngay cả khi đã nhận trợ cấp, tôi vẫn phải tìm đến sự giúp đỡ từ các ngân hàng lương thực. Nhà tôi hiện giờ chẳng còn gì để ăn”.
Người dân chỉ dám mua mì ống và bánh mì rẻ tiền
Lyle cho biết chị không có ô tô, lại sống ở vùng ngoại ô, nên việc tự đến siêu thị mua thực phẩm là cả một vấn đề lớn. Hơn nữa, chị cũng không thể tự mình chi trả cho những hóa đơn đang ngày một đắt đỏ.
“Giá cả tăng cao khiến người dân chỉ dám mua những loại thực phẩm giá rẻ như mì ống, bánh mì hoặc bánh quy giòn”, bà Henchy, Giám đốc điều hành Hunger Solutions Minnesota cho biết.
Theo số liệu mới nhất được Mỹ công bố, lạm phát tính đến tháng 1 năm nay đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong vòng 4 thập kỷ qua. Khủng hoảng lạm phát kéo dài khiến nhiều chuyên gia dự báo giá thực phẩm tại Mỹ sẽ khó lòng hạ nhiệt trong thời gian tới.
Điều này buộc nhiều người Mỹ, trong đó có chị Lyle, cầu cứu các ngân hàng thực phẩm. Những chiếc xe tải phân phối thức ăn di động theo đó trở thành nguồn cứu đói chính trong cuộc sống hàng ngày của những lao động thu nhập thấp hoặc trung bình - nhóm người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động kép của đại dịch và vòng tròn lạm phát.
“Tôi thường mua thực phẩm theo gói lớn, khoảng 2,3kg. Trước đây chúng chỉ có giá khoảng 11, 12 USD, nhưng giờ thì tăng tới 15, 16 USD rồi. Các ngân hàng thực phẩm giúp chúng tôi rất nhiều. Quả là may mắn vì nếu không có họ thì gia đình tôi không biết ăn bằng gì”, chị Carrie Daughterty, người dân đang sống tại thành phố Denver, Mỹ chia sẻ.
Dẫu vậy, do giá cả không ngừng leo thang, áp lực cũng đang bắt đầu đè nặng lên vai các tổ chức hỗ trợ lương thực. Họ cho biết các loại thực phẩm đóng hộp, vốn được cho là vô cùng rẻ và tiện lợi thì nay đã tăng vọt 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù thực phẩm và tiền đóng góp tự nguyện từ những người dân địa phương vẫn được duy trì, song phía các ngân hàng thực phẩm vẫn cảm thấy khó khăn vì đại dịch vô hình chung làm giảm số lượng người quyên góp.
Người Mỹ đau đầu vì giá tăng.
Tờ Reuters trích lời một số ngân hàng thực phẩm cho biết họ chỉ có thể cầm cự thêm 6 tháng, với điều kiện là giá cả các loại mặt hàng không giảm. Nhiều hộ gia đình bắt đầu phải ăn uống kham khổ hơn và họ cũng chỉ biết trao tặng thêm thực phẩm rẻ như mì ống hoặc khoai tây để những đứa trẻ được no bụng.
Cuộc sống đảo lộn vì xăng tăng giá
Không chỉ đau đầu với giá lương thực thực phẩm, người Mỹ còn phải cố gắng thích nghi với thực cảnh xăng tăng giá. Câu chuyện về bà Connie Waters được tờ CNN trích dẫn là một ví dụ điển hình.
Bà Waters có 2 cô cháu gái – Layla (3 tuổi) và Harlow (1 tuổi). Sau khi về hưu, bà nhận trông các cháu 3 ngày/tuần để đỡ đần con gái và quan trọng nhất, là dành thời gian bên các thiên thần nhỏ của mình.
Tuy nhiên, nhà con gái bà lại cách xa tới 45 phút lái xe. Xăng tăng quá nhanh khiến bà Waters, người hiện đang sống chủ yếu nhờ lương hưu buộc phải cân nhắc tần suất gặp các cháu.
"Tôi và chúng rất thân thiết. Tôi buồn khi nghĩ đến việc phải hạn chế thăm các cháu mình. Tôi không đến thì các con tôi sẽ xoay sở ra sao cơ chứ?. Giờ đổ đầy bình phải mất 60 USD, trong khi cách đây một tháng chỉ là 38 USD thôi”, bà chia sẻ.
Bà Connie Waters
Giá xăng tăng cũng khiến thu nhập từ việc giao pizza của cậu sinh viên Chris Rivelli giảm đi đáng kể. Cậu cho biết, hiện tại, đổ đầy xăng chiếc Ford Fusion 2016 tiêu tốn tới 70 USD, trong khi cuối năm ngoái chỉ chưa đầy 50 USD.
Hôm nhiều đơn, Chris có thể đi hết nửa bình xăng chỉ sau một ca làm. Điều này khiến cậu vô cùng lo lắng và đang cân nhắc tìm kiếm công việc mới.
“Tiền khách tip vẫn giữ nguyên mà giá xăng lại tăng. Tôi kiếm được ít hơn khi giao hàng. Buồn lắm”, cậu nói.
Còn với Nicole Humphrey, giá xăng tăng khiến cô gái này buộc phải nghỉ học để tiết kiệm chi phí đi lại. Việc gặp bạn bè cũng hạn chế nhiều vì họ đa phần đều sống ở những thành phố khác. Nicole chuyển sang học qua Zoom, song trải nghiệm dĩ nhiên không thể giống như trước.
“Tôi như bị cô lập ấy. Ở khu tôi sống, dân cư ít và thưa thớt. Chi phí tăng thực sự đang khiến mọi người chịu ảnh hưởng rất nhiều”, cô chia sẻ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 1/2022 tăng gần 8%, mức tăng cao nhất trong vòng 4 thập kỷ qua.
Hiện tại, Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, tỷ lệ người dân đối mặt với căng thẳng liên quan đến vấn đề tài chính đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2015. 65% cho rằng vấn đề tài chính chính là nguyên nhân khiến họ luôn cảm thấy lo âu, trong đó xu hướng tăng giá của các mặt hàng thiết yếu do lạm phát là vấn đề khiến người Mỹ cảm thấy áp lực hơn cả.
"Chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Lạm phát vẫn đang tăng nhanh, chạm mức cao nhất trong vòng 40 năm. Giá tiêu dùng cũng tăng gần 8%, nhưng đây chỉ là số liệu trong tháng 1. Vì vậy, sự tăng giá mới đây ở một loạt hàng hóa, đặc biệt là dầu, vẫn chưa được phản ánh đầy đủ. Lạm phát tại Mỹ sẽ còn tăng hơn trong vài tháng tới", ông Greg Mcbride, Giám đốc phân tích tài chính tại Bankrate.com cho biết.
Theo: NBC News, CNN, Reuters
http://tintuc.vdong.vn/03/1285697.htm
Vũ Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị