Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân gây đau thắt ngực
TS BS. Trần Hòa - Phó trưởng khoa Tim mạch Can thiệp, Trưởng Đơn vị Can thiệp nội mạch BV ĐHYD TPHCM cho biết, đau thắt ngực là dấu hiệu điển hình của bệnh lý động mạch vành. Theo nhiều nghiên cứu thống kê, bệnh động mạch vành là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới (khoảng 30%), cao hơn hẳn các bệnh lý khác như nhiễm trùng, bệnh lao, ung thư…
TS BS. Trần Hòa khám cho người bệnh
ThS BS. Nguyễn Công Thành - Khoa Tim mạch can thiệp BV ĐHYD TPHCM cho biết, cơn đau thắt ngực mạn tính (đau thắt ngực ổn định) thường xuất hiện trong thời gian ngắn, tần suất thấp và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, đối với những trường hợp đau thắt ngực cấp tính (đau thắt ngực không ổn định), nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim (do bệnh mạch vành cấp), rối loạn nhịp tim gây ngưng tim hoặc đột tử.
Đau thắt ngực có nhiều nguyên nhân khác nhau, thường gặp nhất là do xơ vữa động mạch vành dẫn đến tình trạng trái tim bị thiếu oxy. Nguyên nhân chính dẫn đến xơ vữa động mạch vành là quá trình lắng đọng và tích tụ cholesterol trong thời gian dài. Vì vậy, đau thắt ngực thường xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người bệnh trẻ tuổi cũng xuất hiện bệnh động mạch vành.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đau thắt ngực cũng như bệnh động mạch vành chia làm hai nhóm: những yếu tố không thay đổi được: lớn tuổi, nam giới, tiền sử gia đình có người bị bệnh tim mạch sớm; những yếu tố có thể thay đổi được: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, hút thuốc lá, béo phì, lối sống ít vận động. Người càng có nhiều yếu tố nguy cơ, nguy cơ bị đau thắt ngực cũng như bệnh mạch vành càng cao.
Điều trị và phòng ngừa đau thắt ngực một cách hiệu quả
Theo ThS BS. Nguyễn Công Thành, điều trị cơn đau thắt ngực do bệnh động mạch vành sẽ cần áp dụng kết hợp các phương pháp điều trị bằng thuốc và điều chỉnh chế độ sinh hoạt. Trong trường hợp người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao, các thủ thuật can thiệp để tái thông động mạch vành sẽ được áp dụng tùy thuộc vào mức độ phát triển của bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện phù hợp.
TS BS. Trần Hòa khuyến cáo, người có triệu chứng đau thắt ngực, đặc biệt là người có nhiều yếu tố nguy cơ cần đến bệnh viện để tầm soát bệnh động mạch vành. Riêng đối với những tình huống đau thắt ngực không ổn định, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức để có thể tăng khả năng sống sót nếu nhồi máu cơ tim xảy ra.
Nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng về các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa các biến chứng tim mạch nguy hiểm xuất phát từ các cơn đau thắt ngực, Trung tâm Truyền thông Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) phối hợp với Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam thực hiện chương trình tư vấn "Hiểu đúng - Sống khỏe" với chủ đề: "Yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và cách phòng ngừa đau thắt ngực", theo dõi tại link: https://bit.ly/nguycovacachphongnguadauthatnguc
Chương trình tư vấn: Yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và cách phòng ngừa đau thắt ngực
Chương trình cung cấp nhiều thông tin y khoa hữu ích với các nội dung chính như các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân, hậu quả và biến chứng có thể xảy ra khi đau thắt ngực, và các biện pháp phòng ngừa đau thắt ngực.