Trong những vụ tai nạn máy bay, người ta thường xuyên nhắc đến thiết bị gọi là hộp đen. Đây là nơi lưu trữ những thông tin có thể giúp hé lộ nguyên nhân máy bay gặp nạn. Thực tế, mặc dù mang tên là hộp đen nhưng thiết bị này lại có màu cam.
Hộp đen máy bay là gì?
Hộp đen máy bay là một thiết bị lưu trữ thông tin của chuyến bay. Nó màu cam và có kích thước khoảng 20x30cm.
Nếu chuyến bay an toàn, dữ liệu trong hộp đen sẽ giúp các phi công rút kinh nghiệm dựa vào hành trình được ghi lại. Thế nhưng, khi máy bay chẳng may có vấn đề, hộp đen sẽ là thứ đầu tiên người ta tìm kiếm.
Hộp đen có thể lưu thông tin về 2 giờ cuối cùng của chuyến bay. Mỗi hộp đen lại được cấu thành từ hai thiết bị: thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay (FDR) và một thiết bị ghi âm thanh buồng lái (CVR). Hai thành phần này đều bắt buộc phải có trên bất kì chuyến bay thương mại nào và thường được đặt ở vị trí đuôi máy bay, nơi có tỷ lệ "sống sót" cao nhất trong trường hợp có tai nạn xảy đến.
FDR được dùng để ghi lại các thông tin như tốc độ gió, độ cao hay dòng chảy nhiên liệu. Các phiên bản ban đầu của FDR sử dụng dây điện để mã hoá dữ liệu, trong khi đó phiên bản về sau này lại sử dụng bảng mạch nhớ thể rắn.
Điểm đặc biệt của hộp đen máy bay là có thể chịu được nhiệt độ cao tới 1.100 độ C trong 30 phút liên tục và ngâm 30 ngày dưới nước ở độ sâu lên tới 6.100m. Trong khoảng thời gian đó, thiết bị sẽ phát ra các sóng siêu âm mỗi giây một lần và liên tục cho tới khi nguồn điện cạn kiệt. Khi máy bay rơi xuống biển, người ta sẽ sử dụng hệ thống định vị thủy âm được lắp trên các tàu ngầm, tàu cứu hộ,... để dò tìm, phát hiện ra hộp đen trước khi nó mất hoàn toàn tín hiệu.
Tên là Hộp Đen nhưng lại có màu cam
Hộp đen là tên do người dùng đặt ra nhưng đến này vẫn chưa ai biết được nguồn gốc của cái tên này. Theo một số người, cái tên "hộp đen" có thể xuất phát từ những dữ liệu quan trọng mà nó thu thập được và lưu bên trong.
Còn theo trang ABC News, màu cam là một trong 3 màu được sử dụng nhiều trong lĩnh vực hàng không. Hộp đen được thiết kế có màu cam để đội tìm kiếm dễ dàng phát hiện ra thiết bị giữa môi trường xung quanh, khi máy bay không may gặp nạn.
Thông thường khi tìm thấy hộp đen, cơ quan điều tra sẽ ngay lập tức phân tích các bản ghi âm và dữ liệu bên trong để tìm ra nguyên nhân phía sau sự cố. Quá trình này mất khoảng 2 đến 3 ngày. Tuy nhiên, chỉ một vài quốc gia có công nghệ đủ để làm điều này, trong đó có Mỹ, Canada, Australia, Anh và Pháp.
Rất hiếm khi hộp đen của máy bay bị phá hủy hoặc không được tìm thấy. Hiện mới chỉ ghi nhận 2 trường hợp chưa thể tìm thấy hộp đen là vụ mất tích MH370 năm 2014 và vụ 2 máy bay khủng bố lao vào Trung tâm thương mại Thế giới ở New York năm 2001.
http://tintuc.vdong.vn/03/1285925.htmNhật Anh (tổng hợp)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.73123946142302202-mac-uam-oc-ial-am-ned-uam-gnohk-yab-yam-auc-ned-poh-oas-iat/nv.zibefac