Theo quy định, xe khách được cấp phù hiệu xe hợp đồng phải đáp ứng nhiều tiêu chí, đặc biệt hình thức hoạt động như đón trả khách đúng nơi quy định, có danh sách hành khách, không bán vé thu tiền… Thế nhưng thực tế nhiều xe khách gắn phù hiệu xe hợp đồng chạy tuyến các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Bến Tre… đi TP.HCM và ngược lại hoạt động bát nháo tại trung tâm TP.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các nhà xe núp bóng xe hợp đồng hoạt động không khác xe "dù", đón trả khách trên đường ngay trung tâm TP.HCM, thuê mặt bằng trên các tuyến đường lớn để đặt văn phòng dùng làm nơi đón, trả khách và giao nhận hàng hóa. Tình trạng bát nháo này gây mất trật tự an toàn giao thông, tồn tại rất nhiều năm nay tại TP.HCM, thế nhưng các nhà xe này vẫn ngang nhiên hoạt động thách thức pháp luật.
Xe trá hình vẫn "đại náo"
Ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh) là cửa ngõ huyết mạch để ra vào trung tâm TP.HCM từ hướng phía đông. Tình trạng giao thông tại khu vực này phức tạp nhiều năm qua, càng phức tạp hơn khi mỗi ngày có hàng trăm lượt xe khách gắn phù hiệu xe hợp đồng dừng đón trả khách cả 2 hướng ra vào trung tâm TP.
Đường Nguyễn Duy Dương (Q.5) là tuyến đường có nhiều nhà xe thuê mặt bằng làm văn phòng, giao nhận hàng hóa, đón trả khách như tuyến cố định. Điều đáng nói, các xe khách hoạt động tại khu vực đường Nguyễn Duy Dương đều gắn phù hiệu xe hợp đồng, nhưng hoạt động không khác gì xe "dù".
Để đối phó cơ quan chức năng, các nhà xe khách núp bóng xe hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch đều có những chiêu thức qua mặt cơ quan chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. PV Thanh Niên đã nhiều lần liên hệ qua số điện thoại của các nhà xe hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch để đặt vé đi từ TP.HCM về Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… và ngược lại để làm rõ các chiêu trò này.
"Đưa tiền trực tiếp cho tài xế"
Ngày 11.1, PV Thanh Niên gọi điện đặt xe khách K.M.H đi từ TP.HCM về TP.Long Khánh (Đồng Nai) và được hướng dẫn đến số 34C Nguyễn Duy Dương (P.8, Q.5) để lên xe. Sau 10 phút chờ, xe khách loại 25 chỗ ngồi, biển số (BS) 51B-258.xx, có gắn phù hiệu xe hợp đồng dừng trước văn phòng nhà xe này đón chúng tôi cùng 3 hành khách khác.
Trên đường đi, xe dừng đón 1 hành khách tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Phùng Khắc Khoan (Q.1); tiếp tục dừng tại chi nhánh văn phòng (đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh) đón 10 hành khách nữa rồi di chuyển về Đồng Nai.
Khi đến Trạm dừng chân trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tài xế dừng xe và yêu cầu mỗi hành khách đóng từ 110.000 - 120.000 đồng (tùy quãng đường đi). Sau đó, xe hợp đồng này dừng trước Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh để tất cả hành khách xuống xe. Đáng nói, trong quá trình đi xe, chúng tôi không hề được hỏi tên để đưa vào danh sách hành khách…
Ngày 22.1, thông qua số điện thoại tổng đài nhà xe P.B.P, PV Thanh Niên liên hệ đặt vé từ TP.HCM đi Phước Long (Bình Phước). Nữ nhân viên cho biết xe xuất phát từ đường An Dương Vương (Q.5) và tài xế đón ở văn phòng tại địa chỉ 167 QL13 (Q.Bình Thạnh), giá vé 280.000 đồng.
Chiều cùng ngày, chúng tôi đến văn phòng 167 QL13, nữ nhân viên tại đây cho hay đi xe không cần vé, chỉ đưa tiền trực tiếp cho tài xế. 16 giờ cùng ngày, xe Limousine BS 29H-904.xx của nhà xe P.B.P gắn phù hiệu xe hợp đồng chạy đến địa điểm nói trên, đón chúng tôi cùng 4 người khác.
Xe này tiếp tục chạy đến văn phòng số 96 Kha Vạn Cân đón thêm 2 hành khách; qua giao lộ QL13 - Hiệp Bình (P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức) thì dừng khoảng 5 phút, chờ đón thêm 2 hành khách rồi rời đi.
Khi xe hợp đồng này vừa đến ngã tư Bình Phước (giao lộ QL13 - QL1) thì bị Đội CSGT Bình Triệu (thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM) dừng xe kiểm tra. Tài xế N.B.Đ trình bày với CSGT là xe hợp đồng đang chạy từ TP.HCM về Bình Phước. Khi CSGT yêu cầu xuất trình giấy tờ xe, hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách thì tài xế ngập ngừng.
Sau đó, CSGT yêu cầu tài xế mở cửa xe để kiểm tra số lượng hành khách. CSGT đã hỏi 9 hành khách trên xe và được họ khẳng định "không quen biết nhau". Tài xế Đ. chỉ cung cấp cho CSGT hợp đồng dịch vụ thuê xe và không cung cấp được danh sách hành khách đi xe hợp đồng. Ngay hợp đồng dịch vụ thuê xe mà tài xế Đ. cung cấp thể hiện bên A (bên cho thuê) là Công ty CP xăng dầu P.B.P do bà T.T.T.T làm đại diện, ký tên, đóng dấu sẵn, phần thông tin bên thuê để trống (chưa xác định được), ngày ký hợp đồng cũng bỏ trống.
CSGT đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với tài xế Đ. về hành vi điều khiển xe hợp đồng mà không có danh sách hành khách (như quy định), nhận đặt vé qua tổng đài và thu tiền. Bên cạnh đó, CSGT cho biết sẽ lập biên bản xử phạt Công ty CP xăng dầu P.B.P. (chủ xe) với hành vi tương tự, đồng thời tước phù hiệu xe hợp đồng đối với xe Limousine BS 29H-904.xx và giấy phép lái xe của tài xế N.B.Đ.
Ngày 23.1, PV Thanh Niên gọi điện đặt vé xe của nhà xe K.M.H để về TP.Long Khánh (Đồng Nai). Tại văn phòng nhà xe này ở số 34C Nguyễn Duy Dương (Q.5), chúng tôi và 7 hành khách được yêu cầu lên xe BS 51B-289.xx để di chuyển.
Trên đường đi, xe khách này dừng đón khách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1). Khi xe di chuyển đến giao lộ Mai Chí Thọ - Nguyễn Thị Định (đường dẫn lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) thì bị tổ tuần tra CSGT (Phòng CSGT Công an TP.HCM) dừng kiểm tra.
Lúc này, tài xế B.X.N lấy giấy, bút rồi yêu cầu 15 hành khách trên xe điền tên vào. Khi hành khách thứ 4 đang điền tên thì CSGT lên xe, yêu cầu tài xế cầm danh sách hành khách xuống làm việc. CSGT đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với tài xế N. về lỗi không cung cấp được danh sách hành khách đi xe hợp đồng…
Hợp đồng chở 3 người, thực tế đến 43
Trong một lần theo chân CSGT TP.HCM xử lý xe khách vi phạm luật giao thông trên địa bàn, PV Thanh Niên ghi nhận chiêu trò lách luật của các xe khách hợp đồng.
Cụ thể, cuối năm 2023, Đội CSGT An Lạc lập chốt tại giao lộ Võ Trần Chí - Trần Văn Giàu (P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân) thực hiện kiểm tra, xử lý xe khách vi phạm. Khoảng 22 giờ, tài xế D.A.L (quê Bến Tre) điều khiển xe khách BS 51B1-176.xx (là xe khách kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng) chạy tuyến Hà Tiên (Kiên Giang) đi Nha Trang (Khánh Hòa) và ngược lại. Khi thấy lực lượng chức năng, tài xế D.A.L không mở cửa ngay để CSGT kiểm tra mà cố nán lại, viết thêm nội dung vào danh sách vận tải hành khách.
Qua kiểm tra danh sách vận tải hành khách, CSGT ghi nhận có 3 người; lên xe kiểm tra thực tế thì có đến 43 người (bao gồm tài xế và phụ xe).
Với lỗi vi phạm trên, CSGT phạt tài xế 1,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng; phạt chủ xe 11 triệu đồng, tước phù hiệu xe hợp đồng 2 tháng về lỗi kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chở người không có tên trong danh sách hành khách.
Mỗi ngày các xe khách núp bóng xe hợp đồng chở hàng ngàn lượt khách từ TP.HCM đến các tỉnh và ngược lại. Thế nhưng, hầu hết các xe này đều không bán vé, xuất vé cho hành khách theo quy định mà tài xế thu tiền mặt hoặc yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.
Nhiều người đặt nghi vấn, liệu các nhà xe hợp đồng trá hình có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế hay không? Cơ quan nhà nước quản lý, thu thuế đối với các công ty có xe khách núp bóng xe hợp đồng như thế nào? (còn tiếp)