Nhà máy hạt nhân Chernobyl ở Ukraine - Ảnh: DW
Từ những nguy hiểm ở Chernobyl
Nhà máy hạt nhân Chernobyl ở Ukraine không còn sản xuất điện hạt nhân. Tuy nhiên, xung đột Nga - Ukraine đã làm hỏng một đường dây điện cao thế tới nhà máy, làm gián đoạn điện cần thiết để làm mát nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng và vận hành các hệ thống an toàn khác.
Tuần này, hệ thống giám sát phóng xạ khu vực ngoài Chernobyl không hoạt động và ngày 23-3, cháy rừng đã bùng phát xung quanh nhà máy.
Trong một diễn biến khác, các lực lượng Nga trong tháng 3 này đã chiếm giữ nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine. Cuộc tấn công gây ra đám cháy nguy hiểm gần một trong các lò phản ứng của nhà máy hạt nhân lớn này.
Rủi ro cũng hiện hữu đối với 4 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động của Ukraine và 15 lò phản ứng khác của nước này.
Gây nên làn sóng chấn động toàn cầu
Trang tin The Coversation ghi nhận, những sự kiện trên làm các quốc gia không khỏi lo ngại về hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân ở bất kỳ đâu trong các khu vực tiềm ẩn xung đột.
Chính phủ Phần Lan tuyên bố sẽ không cấp giấy phép cho một nhà máy điện hạt nhân đã được lên kế hoạch từ lâu ở quốc gia này. Đây là dự án của một chủ sở hữu người Nga, lò phản ứng hạt nhân của Nga và thiết kế của Tổng công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom.
Khi căng thẳng trở nên tồi tệ giữa phương Tây và cả Trung Quốc và Nga, các quốc gia sẽ muốn tránh các giao dịch rủi ro có thể khiến họ mất quyền kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng quan trọng.
Chính phủ Anh cũng đang tìm cách loại bỏ các công ty năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc khỏi tất cả các dự án điện trong tương lai ở quốc gia này. Tuy nhiên, Anh gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân khác.
Khi vắng bóng Trung Quốc và Nga, các phương án thiết kế cho các nhà máy hạt nhân mới sẽ bị thu hẹp đáng kể.
Những công ty có thể thiết kế nhà máy hạt nhân từ phương Tây gặp phải vấn đề tài chính trong những năm gần đây.
Hy vọng lớn còn lại cho việc xây dựng thiết kế mới nhà máy hạt nhân nằm ở "lò phản ứng mô-đun nhỏ". Đề xuất tiên tiến nhất do Công ty Nuscale có trụ sở tại Mỹ đưa ra.
Các mô-đun được sản xuất trong các nhà máy sau đó vận chuyển đến các địa điểm để lắp đặt khi cần thiết.
Công nghệ này đã được quảng cáo trong nhiều năm tuy nhiên vẫn chưa vượt qua giai đoạn thử nghiệm. Sự xuất hiện của các mô-đun này có thể vẫn mất nhiều năm nữa, nếu nó thành công.
Trì hoãn việc đóng cửa nhà máy hạt nhân
Liên minh châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, nhưng cuộc khủng hoảng với Matxcơva khiến họ có nguy cơ phải tự loại bỏ nguồn năng lượng này.
Mọi nguồn năng lượng khác phải được xem xét. Đã quá muộn để bắt đầu xây dựng các nhà máy hạt nhân mới, tuy nhiên tuổi thọ của các nhà máy hiện tại có thể được kéo dài.
Bỉ đã hoãn kế hoạch đóng cửa nhà máy hạt nhân, có thể đến năm 2035.
Đức đã đóng cửa một nửa số nhà máy hạt nhân vào tháng 1-2022, như một phần của kế hoạch loại bỏ dần điện nguyên tử. Các nhà máy hạt nhân còn lại của Đức sẽ đóng cửa vào cuối năm 2022. Và Đức hiện đang chịu áp lực phải xem xét lại kế hoạch này.
Nhưng việc đó sẽ không dễ dàng. Việc đảo ngược quy trình lúc này sẽ đòi hỏi luật pháp đặc biệt và sự can thiệp khẩn cấp để đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu mới.
Mỹ đã cấm nhập khẩu than và khí đốt của Nga và châu Âu sẽ phải chịu áp lực ngày càng tăng từ quốc tế để thoát khỏi phụ thuộc vào Nga.
TTO - Ngày 22-3, trong cuộc phỏng vấn với Đài CNN (Mỹ), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ xem xét khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân khi thấy có "mối đe dọa sống còn" với nước này.