vĐồng tin tức tài chính 365

Nước cờ khôn ngoan của ông Putin đằng sau yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble

2022-03-25 16:31

Hôm 23/3, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ yêu cầu 48 quốc gia "không thân thiện" thanh toán hợp đồng khí đốt của Nga bằng đồng ruble. Mỹ, Anh và toàn bộ thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cùng nằm trong danh sách.

Theo bản ghi trên website của Điện Kremlin, ông Putin khẳng định: "Tôi muốn nhấn mạng rằng Nga chắc chắn sẽ cung ứng khí đốt tự nhiên theo khối lượng, giá cả và cơ chế định chế được quy định trong các hợp đồng hiện có".

Moscow công bố quyết định nêu trên trong bối cảnh Washington và các đồng minh phương Tây đã giáng liên tiếp nhiều đòn trừng phạt vào Nga, nhằm ngăn quân đội của ông Putin tiếp tục tấn công Ukraine.

Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol gọi động thái mới của Nga là một "mối đe dọa an ninh", làm gia tăng sự lo lắng trên thị trường khí đốt. Đồng thời, nó còn đặt ra câu hỏi rằng liệu Nga có phải một nhà cung ứng đáng tin cậy, ngay cả trong thời kỳ bất ổn định chính trị hay không.

EU kịch liệt phản đối

EU là khu vực chịu rủi ro lớn nhất, khi nguồn cung khí đốt của lục địa già có thể bị đứt gãy và giá năng lượng leo thang chóng mặt. Sau khi tăng gấp 4 lần trong 12 tháng qua, giá khí đốt của Đức đã nhích thêm 8% kể từ phát biểu của ông Putin.

Các khách hàng châu Âu đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: từ chối thanh toán bằng đồng ruble và có nguy cơ mất nguồn khí đốt, hoặc tuân thủ yêu cầu của Nga và có rủi ro mua hàng với giá cao hơn nếu Nga đòi thương lượng lại hợp đồng.

Chia sẻ với Reuters, các nhà phân tích tại Commerzbank nhận định: "Nga vẫn chưa khóa dòng chảy khí đốt sang châu Âu. Song, các tập đoàn của Nga có thể tăng đáng kể giá bán với chúng ta".

Nước cờ khôn ngoan của ông Putin đằng sau yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble - Ảnh 1.

Đức, nước mua khí đốt lớn nhất của Nga, phản bác rằng việc ông Putin yêu cầu thanh toán hợp đồng bằng đồng ruble là vi phạm hợp đồng. Berlin sẽ thảo luận cùng các đối tác châu Âu khác để bàn cách đáp trả, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck thông tin.

Tại Ba Lan, ông Pawel Majewski - CEO của công ty năng lượng PGNiG, cho biết họ đang có một hợp đồng với tập đoàn quốc doanh Gazprom của Nga đến cuối năm nay. Tuy nhiên, PGNiG không thể chuyển sang thanh toán bằng đồng ruble.

"Đối tác hợp đồng của chúng tôi không thể tự do thay đổi phương thức thanh toán vốn đã được quy định trong hợp đồng được", ông Majewski chỉ trích quyết định của chính phủ Nga.

Gã khổng lồ ngành năng lượng Đan Mạch Orsted cũng có hợp đồng mua khí đốt với Gazprom. Theo lời tập đoàn này, tác động tiềm tàng từ động thái của Moscow là chưa rõ ràng.

Ở chia sẻ khác với Reuters, một cố vấn kinh tế hàng đầu của Italy đã lên tiếng chất vấn hành động của Nga và khẳng định quốc gia này sẽ tiếp tục thanh toán bằng đồng euro như trước giờ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tin rằng Nga đang cố tìm cách lách các lệnh trừng phạt của EU. Bà nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ không cho phép ông Putin hoàn thành mục đích. Thời kỳ mà Nga có thể dùng năng lượng để 'tống tiền' chúng tôi đã qua".

Nước cờ khôn ngoan của ông Putin đằng sau yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Reuters).

Đòn hiểm của ông Putin

Bằng yêu cầu thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng nội tệ, Tổng thống Vladimir Putin đã giáng một đòn bất ngờ vào các nước phương Tây vẫn đang tiêu thụ khối lượng lớn hàng hóa của Nga.

Trao đổi với DW, ông Jens Südekum - giáo sư tại Viện Kinh tế Cạnh tranh (Đại học Dusseldorf, Đức), cho rằng động thái của ông Putin có thể là một "câu trả lời gián tiếp" cho nhận xét gần đây của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

"Ông Scholz đã loại trừ khả năng cấm vận các hợp đồng khí đốt của Nga vì Đức sẽ phải trả giá đắt nếu làm vậy", vị giáo sư nhận định. '"Do đó, ông chủ Điện Kremlin đã đáp lại rằng 'Ông muốn khí đốt của tôi? Thế thì phải chơi theo luật của tôi'".

Giáo sư Südekum kêu gọi chính phủ các nước châu Âu nên "nói không với kế hoạch của ông Putin", nhấn mạnh rằng việc phương Tây nhượng bộ sẽ là một "lời hồi đáp yếu ớt" tới Moscow.

Kinh tế trưởng Carsten Brzeski của ngân hàng ING cho biết: "Tổng thống Putin cần đồng ruble để tài trợ cho cuộc chiến. Vì lẽ đó, yêu cầu các khách hàng mua khí đốt bằng đồng ruble là một nước đi khôn ngoan".

Mặc dù chi tiết của thỏa thuận mới vẫn chưa rõ ràng, đòi hỏi của Điện Kremlin về cơ bản buộc các công ty châu Âu phải trực tiếp hỗ trợ cho đồng nội tệ của Nga, sau khi đồng tiền này cắm đầu bởi các lệnh trừng phạt. Đầu tháng 3, ngân hàng trung ương Nga đã buộc phải tăng lãi suất lên 20% để ngăn chặn đà mất giá của đồng ruble.

Ngoài ra, yêu cầu của Moscow còn có một ý nghĩa khác. Ngân hàng trung ương nước này hiện đã bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu. Bằng việc buộc các nước phải trả tiền bằng đồng ruble, ngân hàng trung ương Nga sẽ có thể trở lại cuộc chơi.

Ông Südekum giải thích: "Tổng thống Putin sẽ cài cắm ngân hàng trung ương Nga lại hệ thống, giúp cơ quan này trở thành một nhân tố quan trọng trên thị trường vì nó đóng vai trò then chốt trong việc thanh toán các hợp đồng mua khí đốt bằng đồng ruble".

Nói cách khác, các khoản thanh toán cho việc mua khí đốt của Nga thường có quy mô lớn, đến mức thị trường tiền tệ không có đủ lượng ruble cần thiết để thực hiện giao dịch.

Các khách hàng phương Tây có thể sẽ cần phải thông qua ngân hàng trung ương Nga để xúc tiến việc thanh toán. Về cơ bản, điều này giúp làm giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt đối với ngân hàng trung ương Nga.

Xem thêm: mth.37141036152302202-elbur-gnod-gnab-tod-ihk-naot-hnaht-uac-uey-uas-gnad-nitup-gno-auc-naogn-nohk-oc-coun/nv.zibmanteiv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nước cờ khôn ngoan của ông Putin đằng sau yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools