vĐồng tin tức tài chính 365

Vụ tham nhũng tai tiếng khiến Malaysia lần đầu phạt tù thủ tướng

2022-03-25 16:45

Ngày 22/6/2015, Xavier Justo, 48 tuổi, đang sải bước trước khách sạn của mình trên đảo Koh Samui, Thái Lan - nơi đã dành 3 năm để xây dựng khu villa gỗ và đá trắng nhìn ra biển, đợi ngày khai trương.

Chiều hôm đó, ông đang đoàn khảo sát của Sở Du lịch. Nhưng cảnh sát tới còng tay ông dẫn đi, tịch thu mọi tài liệu, hồ sơ và máy tính trong văn phòng.

Hai ngày sau, Justo được dẫn giải đến Bangkok khi vẫn đi dép tông và mặc quần đùi. Ông bị buộc tội tống tiền chủ cũ của mình, công ty dầu khí PetroSaudi tại London, Anh. Hai năm trước, Justo đã giao 90 GB tài liệu mật của công ty này cho một nhà báo, với ý định tố cáo một vụ gian lận tài chính toàn cầu.

Vụ bắt giữ Justo gây chú ý tới các cơ quan tư pháp của 10 cường quốc, và họ quyết định điều tra thực hư "vụ bê bối toàn cầu" này. Những chi tiết động trời về các nhân vật tai to mặt lớn trong giới chính trị, tài chính và giải trí toàn cầu dần được vén màn. Vụ việc sau đó được Loretta Lynch, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, mô tả là "vụ án gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ".

Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) cáo buộc PetroSaudi bắt tay với các lãnh đạo cấp cao của Malaysia để biển thủ ít nhất 3,5 tỷ USD từ 1Malaysia Development Berhad (1MDB), quỹ phát triển kinh tế được thủ tướng Malaysia, Najib Razak thành lập năm 2009.

Số tiền tham nhũng bị cho là đã chi tiêu xa xỉ khắp thế giới, để mua biệt thự hạng sang, mua tranh của Monet, máy bay phản lực, chuyên cơ và thậm chí tài trợ cho một bộ phim lớn của Hollywood: The Wolf of Wall Street - Sói già phố Wall.

Câu chuyện có thể bắt đầu từ một thương nhân Malaysia, Jho Low. Anh ta nổi tiếng với các buổi tiệc tùng với các ngôi sao Hollywood và hình ảnh quàng vài bá cổ thân mật với các chủ tịch ngân hàng lớn toàn cầu.

Tài tử Leonardo DiCaprio thậm chí còn nhắc tên anh ta trong bài phát biểu nhận giải Quả cầu vàng cho bộ phim giúp mình đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong tác phẩm Sói già phố Wall.

Jho Low nổi tiếng là bạn thân của nhiều siêu sao, trong đó có tài tử Leonardo DiCaprio, siêu mẫu Miranda Kerr, Paris Hilton. Ảnh: NYPost

Jho Low (phải) nổi tiếng là bạn thân của nhiều siêu sao, trong đó có tài tử Leonardo DiCaprio (trái), siêu mẫu Miranda Kerr, Paris Hilton... Ảnh: NYPost

Low chính là Mạnh Thường Quân đã tài trợ 100 triệu USD cho bộ phim, cũng là bạn thân của nhà sản xuất nó, ông Riza Aziz, con riêng của Thủ tướng Malaysia khi đó, Najib Razak.

Low không giữ chức vụ chính thức nào trong chính phủ, nhưng là thân tín số một của Thủ tướng.

Tháng 8/2009, qua sự sắp xếp của Jho Low, Thủ tướng Najib có một cuộc hội ngộ kín trên một siêu du thuyền dài 92 mét ngoài khơi bờ biển Monaco. Người họ gặp là doanh nhân Tarek Obaid và Hoàng tử Saudi Arabia, Turki bin Abdullah - hai CEO đồng sáng lập PetroSaudi, tập đoàn dầu khí có doanh thu mỗi năm hàng tỷ USD.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh chính quyền Malaysia vừa mở quỹ 1MDB nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, ban đầu có hơn một tỷ USD. Thủ tướng Najib có toàn quyền phê duyệt các khoản đầu tư cũng như sa thải bất cứ thành viên hội đồng quản trị nào tuỳ ý muốn.

Không ai biết những người trên du thuyền đã nói chuyện gì nhưng một tuần sau, một thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD giữa PetroSaudi và 1MDB được ký. Theo đó, đôi bên sẽ thành lập một liên doanh, mục đích là hợp tác phát triển tiềm năng dầu mỏ của Malaysia. PetroSaudi sẽ đóng góp bằng số dầu khí trị giá 1,5 tỷ USD, còn 1MDB sẽ bơm một tỷ USD tiền mặt.

Song hồ sơ của tòa án Tối cao Mỹ sau này xác định, 1MDB chỉ chuyển 300 triệu USD vào tài khoản thuộc liên doanh, còn 700 triệu USD còn lại được gửi đến một tài khoản cá nhân tại Thụy Sĩ.

Mỹ cáo buộc, tài khoản này được Jho Low lập ra để hưởng riêng và chia chác cho các quan chức. Vài ngày sau, theo tài liệu điều tra, tài khoản của CEO PetroSaudi, Tarek Obaid, cũng nhận thêm 85 triệu USD. Tóm lại, thương vụ có đầy đủ dấu hiệu của một vụ tham nhũng, rửa tiền.

Phi vụ lớn dần khiến Tarek Obaid cần kiếm một giám đốc có năng lực thực sự để lo chuyện kinh doanh, để mình rảnh tay lo việc phi pháp. Ông ta nhớ đến người bạn chí cốt, Xavier Justo, người vừa từ chức Giám đốc một ngân hàng Thuỵ Sĩ, lui về kinh doanh khách sạn tại Thái Lan.

Obaid đề nghị Justo về làm giám đốc PetroSaudi tại chi nhánh London. "Công ty đã phất lên chỉ sau một đêm, nhưng nó cần một người thuyền trưởng vững vàng", Obaid nói với bạn.

Justo nhanh chóng đồng ý, bị hấp dẫn với hứa hẹn mức lương tháng 400.000 bảng Anh, "hàng triệu USD tiền thưởng" cùng căn hộ siêu sang giá thuê 10.000 bảng một tuần ở Mayfair, trung tâm London.

Xavier Justo, tại Malaysia vào tháng 5/2018. Ảnh: AP

Xavier Justo, tại Malaysia vào tháng 5/2018. Ảnh: AP

Justo đến London vào mùa xuân năm 2010 nhưng đã bị loại khỏi phi vụ béo bở ở Malaysia. Thay vào đó, Justo được điều đi khởi nghiệp ở Venezuela, liên tục bay qua lại giữa hai thủ đô.

Ông ngày càng không hài lòng với điều kiện làm việc tại PetroSaudi. Lương của ông chỉ bằng một nửa so với hứa hẹn và hoàn toàn không có những khoản thưởng triệu đô. Thậm chí, Justo còn bị trả lương muộn hoặc bùng lương liền vài tháng. Giọt nước tràn li là vợ chồng ông đã phải tự chi trả tiền thuê căn hộ tại Mayfair.

Trong khi đó, tiền từ 1MDB vẫn đều đều được bơm vào tài khoản riêng của những thành viên thuộc liên doanh PetroSaudi-1MDB.

Justo ban đầu cho rằng công ty đang sa sút, nhưng sau đó dần nhận ra, mình là kẻ nghèo khó duy nhất trong dàn lãnh đạo PetroSaudi, không những vậy còn thường xuyên bị Obaid kiếm cớ gây sự.

Cuối cùng, năm 2010, tình bạn lâu dài của hai người tan vỡ sau chưa đầy 12 tháng Justo về PetroSaudi. Đáp lại đơn xin nghỉ việc của bạn, Obaid gửi hàng chục email giận dữ, chửi rủa.

Theo thoả thuận trước đó, PetroSaudi sẽ phải trả Justo số lương và phần trăm lợi nhuận khoảng 5 triệu bảng Anh. Nhưng cuối cùng, theo chỉ đạo của Obaid, Justo đã ra đi với vỏn vẹn 3 triệu bảng.

Sự bội bạc của bạn thân khiến Justo, người đang ở "dưới đáy cảm xúc", rơi nước mắt và lập tức đáp máy bay về lại Thái Lan.

Tháng 9/2013, hơn hai năm sau khi rời PetroSaudi, Justo đã gửi một email định mệnh cho ban lãnh đạo công ty cũ. "Các ông nên trả nốt số tiền còn thiếu cho tôi. Tôi có toàn bộ bằng chứng đủ để huỷ diệt tất cả liên doanh ác quỷ của các ông".

CEO của PetroSaudi, Tarek Obaid. Ảnh: Malaysia Kini

CEO của PetroSaudi, Tarek Obaid. Ảnh: Malaysia Kini

Khi email này bị phớt lờ, Justo quyết định trao nó cho Rewcastle Brown, nữ nhà báo 54 tuổi, người Anh, nổi tiếng với những phóng sự điều tra phơi bày nạn tham nhũng trong ngành công nghiệp gỗ và dầu mỏ.

"Những người mà chúng ta sẽ đối phó rất tàn nhẫn, cực kỳ giàu có và rất rất quyền lực Họ có thể xử chúng ta bất cứ khi nào, cô biết không?", Justo run run nói với nữ nhà báo. "Nếu sợ, tôi đã không gặp anh", bà đáp lời khi họ gặp nhau tại khách sạn của Justo ở Thái Lan.

Tình hình ở Malyasia khi này bắt đầu bất lợi cho Thủ tướng Najib. Tháng 8/2014, ông Mahathir Mohamad, Thủ tướng giai đoạn 1981-2003, cũng là người "đỡ đầu" của Thủ tướng Najib, tuyên bố không còn ủng hộ.

Trong những tuần sau đó, ông Mahathir đã lên tiếng chỉ trích tính hiệu quả của quỹ 1MDB và cảnh báo công khai rằng 1MDB đang làm tăng thêm mức nợ xấu của Malaysia. Tháng 11/2014, 1MDB đã nợ 11 tỷ USD.

Trong khi đó, Justo đã có những thành công đầu tiên trong cuộc vạch trần bê bối tài chính này. Tháng 1/2015, qua sự giới thiệu của nhà báo Rewcastle Brown, hơn 90 GB dữ liệu tố cáo PetroSaudi và quan chức Malyasia được Justo bán lại cho ông trùm truyền thông Malaysia, Tong Kooi Ong, với giá 2 triệu bảng Anh. "Bằng đúng số tiền tôi đã bị PetroSaudi ăn quỵt", Justo nói.

Ngày 28/2/2015, Rewcastle Brown, đã đăng phóng sự đầu tiên của mình với những bằng chứng Justo cung cấp, với tiêu đề in hoa: HEIST OF CENTURY- Vụ trộm cắp thế kỷ, trên The Edge, tạp chí tài chính hàng đầu Malaysia, thuộc sở hữu Tong Kooi Ong.

Phóng sự gây hiệu ứng toàn cầu, và giới điều tra tài chính cấp cao của một loạt cường quốc tiến hành "sờ gáy" những kẻ tai to mặt lớn liên quan.

Ở Malaysia, một ngày sau phóng sự chấn động, ngày 1/3/2015, lãnh đạo của 1MDB khẳng định đã "nói lời tạm biệt" PetroSaudi từ năm 2012. Họ phủ nhận mọi cáo buộc. Nhưng Ngân hàng Trung ương và Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) bắt đầu xem xét 1MDB và điều tra Thủ tướng.

Thủ tướng Najib ra lệnh đình bản The Edge. Rewcastle Brown buộc phải tìm đến Wall Street Journal để tiếp trục xuất bản những phóng sự của mình.

Tháng 7/2016, Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) khởi động một vụ kiện dân sự để thu giữ hơn một tỷ USD của những người Mỹ "ăn bẩn" từ quỹ 1MDB.

Khi bê bối dần vỡ lở, giới nghệ sĩ Hollywood thân với Jho Low lần lượt bị truyền thông đào bới. Kết quả, tháng 3/2018, tại tòa án California, các nhà sản xuất phim Sói già Phố Wall đã trả lại 60 triệu USD được Jho Low và 1MDB tài trợ trước đó. Siêu mẫu Miranda Kerr và tài tử Leonardo DiCaprio cũng bị cơ quan điều tra chất vấn, do nhận hàng chục triệu quà, nữ trang do Jho Low tặng.

Cùng thời điểm, MACC phát hiện 681 triệu USD từ 1MDB đã được gửi vào tài khoản cá nhân của Thủ tướng Najib vào năm 2013. Vài ngày sau, các nhà điều tra đột kích vào các văn phòng của 1MDB.

Najib Razak bắt tay một người ủng hộ khi rời tòa án cấp cao ở Kuala Lumpur, tháng 4/2019. Ảnh: The Guardian

Ông Najib Razak bắt tay một người ủng hộ khi rời tòa án cấp cao ở Kuala Lumpur, tháng 4/2019. Ảnh: The Guardian

Ngày 3/7/2018, Thủ tướng Najib bị MACC bắt. Ngay hôm sau, ông bị truy tố tại Tòa án Tối cao ở Kuala Lumpur với 3 tội danh Vi phạm tín nhiệm và một tội Lạm dụng quyền lực. Một tháng sau, ông bị truy tố thêm 3 tội danh Rửa tiền. Ông phủ nhận tất cả cáo buộc.

Ba tháng tiếp theo, cựu Thủ tướng liên tục bị cáo buộc thêm gần 30 tội danh, liên tục ra vào trại tạm giam với tổng các khoản bảo lãnh tại ngoại gần một triệu USD. Tổng cộng, ông Najib đối mặt với 42 cáo buộc.

Sau ba năm ngồi tù tại Thái Lan vì tội Tống tiền, Xavier Justo xuất hiện tại Malaysia, phối hợp trong các cuộc điều tra chống lại Thủ tướng Najib.

Ngày 28/7/2020, ông Najib bị Tòa án tối cao tuyên 7 tội danh Lạm dụng quyền lực, Rửa tiền Vi phạm tín nhiệm, trở thành Thủ tướng đầu tiên bị kết tội tham nhũng.

Ông bị tuyên án 12 năm tù cùng 210 triệu RM tiền phạt, tương đương 50 triệu USD và sẽ bị phạt thêm 5 năm tù nếu như không nộp. Tháng 12/2021, ông Najib bị Tòa án phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo.

Tarek Obaid hiện vẫn bị Toà án Mỹ và Malyasia xét xử với nhiều cáo buộc.

Về phần Jho Low, anh ta bỏ trốn khỏi Malaysia, từ chối hợp tác với giới điều tra và phủ nhận cáo buộc biển thủ 4,5 tỷ USD. Năm 2019, tên anh ta một lần nữa được truyền thông thế giới réo gọi khi bị cáo buộc liên quan bê bối môi giới mại dâm của ngôi sao K-pop, ca sĩ Seung Ri.

Hải Thư (Theo The Guardian, Malaysia Now, Reuters)

Xem thêm: lmth.9703444-gnout-uht-ut-tahp-uad-nal-aisyalam-neihk-gneit-iat-gnuhn-maht-uv/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vụ tham nhũng tai tiếng khiến Malaysia lần đầu phạt tù thủ tướng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools