Mới đây, UBND TP.HCM đã có báo cáo mới nhất về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn TP kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành (năm 2017). Liên quan đến công tác quy hoạch ngầm, UBND TP cho biết hiện nay công tác này có nhiều khó khăn, vướng mắc.
Bốn thiếu sót trong công tác quy hoạch ngầm
Cụ thể, theo UBND TP, nội dung quy hoạch không gian ngầm hiện nay chỉ ở mức sơ bộ, có bốn thiếu sót.
Thứ nhất, thiếu sót về công tác dự báo nhu cầu phát triển và sử dụng không gian ngầm đô thị. Thứ hai, quy định phân vùng chức năng sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm, các chức năng sử dụng không gian để xây dựng các công trình ngầm.
Thứ ba, việc xác định các khu vực hạn chế, khu vực cấm xây dựng công trình ngầm. Thứ tư, không có quy định về kết nối không gian ngầm với không gian trên cao, trên mặt đất. Theo Thông tư 12/2016 của Bộ Xây dựng, chỉ cần thể hiện sơ bộ ranh công trình ngầm ở bản đồ “xác định các khu vực xây dựng công trình ngầm” đồ án quy hoạch kiến trúc.
TP.HCM đang chuẩn bị làm quy hoạch ngầm khu trung tâm. Trong ảnh:
Nhà ga ngầm Nhà hát TP của tuyến metro 1. Ảnh: ĐÀO TRANG
Ngoài ra, việc xây dựng dữ liệu công trình ngầm của TP cũng gặp nhiều khó khăn do dữ liệu được nhiều ngành quản lý, hiện trạng hạ tầng ngầm được xây dựng qua nhiều thời kỳ, thiếu tài liệu lưu trữ, việc khảo sát, điều tra hiện trạng mạng lưới công trình ngầm trên địa bàn TP cần chi phí lớn.
UBND TP cũng cho rằng việc lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm là lĩnh vực mới đối với Việt Nam, chưa có hướng dẫn chi tiết về nội dung thực hiện, cũng như thiếu hướng dẫn về phương pháp lập quy hoạch, nội dung quy hoạch không gian ngầm còn chung chung. TP cũng chưa lập được bản đồ hiện trạng xây dựng công trình ngầm đô thị; thiếu các số liệu điều tra tổng thể về địa hình, điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn của đô thị; thiếu các quy định về quản lý sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm.
Mặt khác, TP chưa có cơ quan đầu mối quản lý không gian ngầm, các tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn quy hoạch còn thiếu; nguồn lực cho việc điều tra, khảo sát, lập bản đồ hiện trạng xây dựng công trình ngầm và lập quy hoạch... còn nhiều hạn chế.
Chuẩn bị nghiên cứu
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Sở QH-KT TP.HCM cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm cho khu trung tâm mới theo quy chế quản lý kiến trúc mới bao gồm khu trung tâm (930 ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm”. Theo đại diện Sở QH-KT TP, quy hoạch không gian ngầm đang chuẩn bị nghiên cứu sẽ là “lớp” quy hoạch tương đối độc lập trong tổng thể việc điều chỉnh quy hoạch TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (TP cũng đang lập).
Theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, công tác quy hoạch không gian ngầm hiện nay ở TP.HCM đang được Sở QH-KT chuẩn bị công tác làm nghiên cứu. Điều này là hợp lý khi TP.HCM thời gian tới cũng hình thành nhiều không gian ngầm như đường Tôn Đức Thắng, đường Nguyễn Huệ, Công viên 23-9… Công tác quy hoạch không gian ngầm sẽ đặt trong tổng thể điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM mà TP cũng đang làm. Cũng cần lưu ý là mỗi không gian ngầm riêng lẻ TP cũng có chuẩn bị và có nơi có thi thiết kế như khu Công viên 23-9…
Còn theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, TP cũng đã có một số bàn luận lâu nay về quy hoạch không gian ngầm, tất nhiên có những nguyên lý giống nhau khi quy hoạch không gian ngầm ở TP.HCM và Hà Nội nhưng mỗi địa phương sẽ có một cái khác nhất định dựa theo thực trạng quy hoạch - xây dựng.
“Thật ra về không gian ngầm, chưa hoàn thiện quy hoạch thì không gian ngầm vẫn còn đó. Không như không gian trên mặt đất như hệ thống tàu điện ngầm metro làm đến đâu thì không gian ngầm xuất hiện đến đấy. Tất nhiên mình chủ động trước, có quy hoạch thì sẽ có lợi cho kết nối sau này”’ - TS Cương nói.•
Về công tác quy hoạch không gian ngầm, UBND TP cho biết đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 (được Thủ tướng phê duyệt ngày 6-1-2010) trước khi Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định 39/2010 (quản lý không gian ngầm đô thị) có hiệu lực, do đó chưa nghiên cứu nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm cho toàn TP.HCM. Vì vậy, hiện TP mới chuẩn bị nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm cho hai đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 là khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930 ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm thể hiện ở nội dung thuyết minh và bản đồ “xác định các khu vực xây dựng công trình ngầm”, xác định sơ bộ vị trí, phạm vi và điểm kết nối ngầm. |