Hàng chục cảnh sát được điều tới trước nhà bà Nguyễn Phương Hằng trong buổi khởi tố, bắt tạm giam bà Hằng chiều tối 24-3 tại TP.HCM - Ảnh: MINH HÒA
Vài năm trở lại đây, mạng xã hội liên tiếp chứng kiến đủ kiểu "thánh chửi" ra đời từ Bắc vô Nam. Chẳng cần biết chửi đúng hay sai, văn hóa hay vô văn hóa, chỉ cần chửi nghe thật mượt, thật đã tai là khả năng cao sẽ "hót hòn họt".
Bên cạnh câu chuyện quanh bà Hằng, mạng xã hội hiện tồn tại không ít nội dung "bẩn", trong đó bao gồm việc phát tán thông tin không kiểm chứng, dùng từ ngữ nhục mạ, xúc phạm người khác.
Câu view bằng cách tạo "phốt" cho người
Trong kỷ nguyên mạng xã hội bùng nổ mạnh mẽ, để có được sự theo dõi của khán giả, không ít người đã nghĩ đến những chiêu trò câu view bằng cách tạo "phốt" cho người khác. Đối tượng được "ưu tiên" hàng đầu dĩ nhiên là người của công chúng.
Mới đây Hứa Vĩ Văn bị một người đàn ông tố mình quỵt tiền công và dùng từ ngữ nặng lời ngay tại mộ phần tổ tiên nam diễn viên. Ngay sau đó một YouTuber đã đăng tải lại câu chuyện mà không có kiểm chứng từ các bên, dẫn đến việc Hứa Vĩ Văn bị chỉ trích thậm tệ trên mạng xã hội. Sau khi nam diễn viên lên tiếng làm rõ đúng sai, người đàn ông ấy mới xin lỗi vì hiểu nhầm và gây phiền phức tới Hứa Vĩ Văn.
Ở góc độ một người sáng tạo nội dung và cũng là người xem, MC Dustin Phúc Nguyễn bày tỏ: "Không thể nói mình không quan tâm đến những con số lượt xem, nhưng mình vẫn có những thước đo khác. Người làm sáng tạo nội dung cần cân bằng những thước đo đó để làm nên những sản phẩm vừa chất lượng vừa phù hợp với đại chúng. Những nội dung độc hại lâu dần sẽ tạo ra sự mất kiểm soát trên không gian mạng, cái tích cực và tiêu cực trộn lẫn vào nhau".
Phúc Nguyễn cho rằng mạng xã hội như một cái "hội chợ content", "chợ mạng". Mỗi người có gu thưởng thức khác nhau nên thật khó để nói có biện pháp nào hạn chế những nội dung độc hại. "Tôi luôn đặt bản thân vào trạng thái hoài nghi khi xem bất kỳ điều gì, không đánh giá vội vàng mà phải đào sâu, tìm kiếm thêm thông tin khác để so sánh, chứng thực. Đó cũng là cách để tôi tự bảo vệ bản thân mình trên không gian mạng", MC Phúc Nguyễn nói.
Từ nhặt rác đến xử phạt
Để hạn chế nội dung "bẩn" trên mạng xã hội, người làm công việc sáng tạo nội dung trên TikTok, YouTube Tô Tiểu Tường nêu quan điểm: "Mình nghĩ từ góc độ người dùng, hành động nhỏ nhất có thể làm là báo cáo với mạng có nội dung không tốt để họ có thể xem xét gỡ bỏ. Người dùng VN ít sử dụng tính năng này lắm, nhiều người báo cáo thì mạng xem xét nội dung đó và chung tay làm sạch môi trường mạng, giống mình nhặt rác ngoài đời vậy. Còn xa hơn nữa cần nghiên cứu sửa đổi luật cho sát với sự phát triển của xã hội để có thể áp dụng xử phạt".
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội, nhiều người coi mạng xã hội là nơi xả stress, để thể hiện cái tôi cá nhân của mình mà không bị chế tài nên không cần quan tâm đến người khác, đến những nguyên tắc đạo đức của xã hội. Chính vì vậy xã hội gần đây phải chứng kiến nhiều hành vi phản cảm, lệch chuẩn diễn ra trong môi trường mạng.
Để làm sạch môi trường mạng thì giải pháp cứng rắn nhất và ít mong đợi nhất là giải pháp về luật pháp. Hiện chúng ta đã có các văn bản quy phạm pháp luật như Luật an ninh mạng, nghị định 72 của Chính phủ về xử lý vi phạm trên môi trường mạng. Tuy nhiên đây chỉ nên xem như giải pháp cuối cùng.
Mới đây Bộ TT-TT ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường mạng có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng mạng xã hội. Từ việc có nhận thức đúng sẽ có hành vi đúng. Ngoài ra, việc xử phạt nghiêm minh những hành vi sai trái trên mạng để nêu gương là rất cần thiết, giúp ích trong việc định hướng nhận thức cho người khác sử dụng mạng xã hội đúng đắn, chuẩn mực.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng giải pháp pháp luật là cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải làm sạch môi trường xã hội thực để củng cố niềm tin của con người vào luật pháp, vào đạo đức… Các cơ quan quản lý xã hội phải nghiêm minh, xã hội phải nền nếp, kỷ cương, giáo dục trong nhà trường phải làm sao dạy được cho các thế hệ có niềm tin, có cảm hứng với cái tốt đẹp để biết tự tu thân, rèn luyện mình.
Liên quan bà Nguyễn Phương Hằng, nhiều người có thể bị truy cứu trách nhiệm
Luật sư Lê Quang Vũ - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng trường hợp cơ quan điều tra xác định những phát ngôn của bà Nguyễn Phương Hằng là vi phạm pháp luật thì những người tham gia đăng tải thông tin sai phạm đó cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm.
Cụ thể, trường hợp chỉ đăng tải lại thông tin của bà Hằng được xác định là sai sự thật thì người chia sẻ, đăng tải thông tin sai sự thật có thể bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo điểm a khoản 1 điều 101 của nghị định 15/2020.
Trường hợp vừa đăng tải thông tin sai sự thật vừa tham gia bình luận thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân với mức độ nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" theo điều 155 BLHS 2015 với mức hình phạt đến 5 năm tù hoặc tội "Vu khống" theo điều 156 BLHS 2015 với mức hình phạt đến 7 năm tù.
Trường hợp đăng tải các thông tin có hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì có thể bị xử lý riêng hoặc đồng phạm với bà Hằng về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 BLHS 2015 với mức hình phạt lên đến 7 năm tù.
TUYẾT MAI ghi
TTO - Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân.
Xem thêm: mth.40461442252302202-man-ov-cab-ut-gnam-ohc-nert-iuhc-hnaht-ueik-ud/nv.ertiout