Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có bố là công chức, mẹ là giáo viên, chị Dương Nguyễn Hồng Nhung (SN 1990, Vũng Tàu) luôn đạt được thành tích cao trong suốt quá trình học tập. Những năm tháng ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, mục đích mà chị luôn hướng đến đó là làm thế nào để học thật giỏi, đạt điểm thật cao.
Theo như chị Nhung nhận định, ở thời của chị, lứa học sinh nào cũng có cùng một mục tiêu như vậy, thường không thể xác định được đích đến tương lai của bản thân, gần như mông lung, mơ hồ trong vô vàn định hướng, không biết phải lựa chọn cái nào.
Chính bản thân chị Nhung cũng từng dự định theo học chuyên ngành Kinh tế đối ngoại tại trường Đại học Ngoại Thương vì một lý do rất ngây ngô. Chị nói: "Khi ấy mình định học ngành đó là vì cái tên khá ngầu". Chị Nhung cũng không ngại thừa nhận, bản thân từng khá hoang mang khi suy nghĩ về tương lai và không biết được công việc yêu thích của mình là gì.
Nhưng sự lựa chọn nữ Tiến sĩ 9X đã thay đổi khi chị nhận được học bổng toàn phần từ trường Đại học Oklahoma (Mỹ) cho ngành Kỹ sư hóa học. Vì chưa xác định được rõ ngành nghề bản thân thực sự yêu thích là gì nên chị Hồng Nhung đã quyết định thử sức mình và bắt đầu hành trình chinh phục kiến thức tại xứ sở cờ hoa.
Càng học càng yêu thích việc nghiên cứu
Ngày bước chân đến đất Mỹ, cô gái 18 tuổi khi ấy đã gặp không ít khó khăn vì sự khác biệt văn hóa, lẫn cản trở ngôn ngữ. Khi dần thích ứng được những điều đó thì những áp lực khác lại dồn tới, chị Nhung phải đối mặt với sức nặng từ bài vở và việc nghiên cứu khoa học.
"Đặt chân đến một đất nước không thể tránh khỏi những khó khăn, nhiều khi mình cũng mệt mỏi và cảm thấy áp lực lắm nhưng dường như từ sâu trong tâm khảm mình biết được, đây là con đường mình phải đi, đây là việc mình phải làm.
Từ đó mà mình tự tìm ra những giải pháp để giải tỏa áp lực cho chính bản thân mình, ví dụ như mình học về thiền, tập thể dục hoặc đơn giản chỉ là tâm sự với bạn bè, người thân", chị Nhung chia sẻ giải pháp để vượt qua những áp lực trong thời gian du học ở Mỹ.
Bước qua giai đoạn "ăn chưa no, lo chưa tới", chị Nhung nảy sinh những băn khoăn về sự nghiệp của chính mình. Bởi chương trình học lên Tiến sĩ sẽ rất dài, trong khoảng thời gian chị Nhung đang học đại học thì bạn bè đồng trang lứa đã bắt đầu đi làm và có được mức thu nhập ổn định.
Nhìn lại bản thân mình, chị Nhung vẫn mải mê chạy theo những con số và những phản ứng trong phòng thí nghiệm. Dù xác định được điều bản thân cần làm nhưng chị Nhung vẫn khó tránh được sự dao động nhất thời.
Tiến sĩ Dương Nguyễn Hồng Nhung xinh đẹp, dịu dàng trong tà áo dài trắng.
"Ban đầu mình không hề nghĩ bản thân mình sẽ theo học ngành kỹ thuật hóa học, nghề nghiệp mơ ước của mình thay đổi tùy thuộc vào một bộ phim hay một quyển sách mà mình vừa đọc vừa xem xong. Đương nhiên, mình cũng không hề có suy nghĩ mình sẽ học lên đến Tiến sĩ nhưng càng học, càng nghiên cứu mình lại càng cảm thấy yêu thích những gì mình đang làm", Tiến sĩ Dương Nguyễn Hồng Nhung bộc bạch khi được hỏi về lý do tại sao lại quyết định dành 10 năm tuổi trẻ trên đất Mỹ để học lên đến bậc Tiến sĩ.
“Chúng ta đi đường vòng vì mãi chưa tìm được chính mình”
Theo nữ Tiến sĩ người Việt, dường như những quyết định được đưa ra vào thời điểm quan trọng đều trái ngược hoàn toàn so với những gì chị đã lên kế hoạch. Ban đầu, ý định của chị Nhung chỉ là qua Mỹ học đại học rồi sau đó về nước vì quá nhớ nhà và nhớ bố mẹ.
Nhưng cuối cùng chị lại ở lại nước bạn tận 10 năm để theo đuổi tấm bằng Tiến sĩ, đây là một sự kiện mà cả chị và gia đình đều không thể lường trước. Thậm chí, khi nhận được thông tin con gái mình sẽ học lên Tiến sĩ, bố mẹ chị Nhung đã ngay lập tức phản đối.
Chị Nhung đã mất một khoảng thời gian dài để thuyết phục thì gia đình mới chấp thuận cho quyết định học caocủa con gái.
Bẵng đi gần 10 năm học tập ở nước bạn, chị Nhung dường như quên mất dự định ban đầu của bản thân và chuyện quay về Việt Nam cũng không còn trong tư tưởng của chị nữa.
Sau khi tốt nghiệp, chị đã vẽ ra trong đầu một bức tranh cụ thể. Chị Nhung cho biết dự định sẽ về Việt Nam một thời gian ngắn rồi sau đó sẽ trở về Mỹ lại để làm việc và sinh sống.
Tiến sĩ Dương Nguyễn Hồng Nhung chụp ảnh cùng các sinh viên.
Nhưng rồi quyết định này lại được thay đổi một lần nữa, trong một lần về lại quê hương và gặp được những cộng sự có cùng chí hướng, chị nhìn thấy những cơ hội nghề nghiệp, nghiên cứu phù hợp với định hướng cá nhân.
Không đắn đo suy nghĩ, chị Nhung đã hạ quyết tâm trở về Việt Nam để phát triển sự nghiệp, mang những kiến thức mình đã học được ở nước ngoài để áp dụng vào nghiên cứu giúp đỡ cho người Việt, cụ thể hơn là ngành nông nghiệp Việt Nam.
Hiện tại với nguồn nguyên liệu tự nhiên dồi dào ở quê hương, nữ Tiến sĩ Dương Nguyễn Hồng Nhung cùng các cộng sự của mình đã tạo ra rất nhiều sản phẩm tự nhiên bảo vệ sức khỏe người Việt như thuốc xịt khuẩn nano thảo mộc, tinh dầu tràm trị cảm, khẩu trang y tế kháng khuẩn và nổi bật nhất là thuốc trừ sâu sinh học chiết xuất từ tinh dầu hạt Neem.
Chị Nhung cùng những học trò của mình chinh phục giải nhất các cuộc thi nghiên cứu khoa học.
Chị Nhung nhận định: “Quyết định cuối cùng mình đưa ra có sự trái ngược với những kế hoạch ban đầu là hệ quả của việc mình không hiểu rõ được bản thân của mình, mình nghĩ mình thích cái này nhưng thật ra lại không phải. Đặc biệt khi ở một độ tuổi quá trẻ, mình hay nhìn mọi thứ rất phù phiếm nên mình đã vô tình bỏ quên mất cái thực tế của sự việc, mình không xác định được công việc này là phải làm gì, sẽ giúp ích được cho ai. Điều đó dẫn đến việc thay vì mình đi một đường thẳng là đến đích thì bây giờ mình phải đi đường vòng. Nhưng đi đường vòng cũng được, chẳng sao cả, miễn là cuối cùng mình tìm ra được chính mình và mình được làm điều bản thân thích là được”.
Cuối cùng, khi được nhận được câu hỏi “Nên hay không nên đánh giá một du học sinh quyết định ở lại nước ngoài sinh sống và làm việc sau khi hoàn thành chương trình học?”, chị Nhung thẳng thắn chia sẻ: “Việc du học sinh sau khi hoàn thành chương trình học rồi ở lại nước ngoài không phải là một điều xấu. Họ có thể làm bất cứ điều gì họ thích miễn là họ cảm thấy vui và thoải mái với điều đó”.
Nữ Tiến sĩ cho hay dù ở bất kỳ đâu thì người Việt vẫn có thể cống hiến sức mình cho đất Việt, ví dụ khi ở nước ngoài, các du học sinh làm việc hết mình, tạo nên những giá trị tốt đẹp thì đã góp phần tạo nên cái nhìn thiện cảm cho người nước ngoài về cộng đồng người Việt, còn nếu họ về nước làm việc thì lại là một hình thức cống hiến khác.
Vì vậy, chị Nhung kết luận, sau khi hoàn thành việc học ở nước ngoài, du học sinh có thể tự do lựa chọn nơi ở cho bản thân mình miễn sao là bạn cảm thấy hạnh phúc và bạn tạo ra được những giá trị tốt đẹp cho bạn và những người xung quanh bạn.
https://soha.vn/nu-tien-si-nguoi-viet-roi-my-sau-10-nam-gan-bo-quyet-tam-ve-nuoc-phat-trien-nong-nghiep-20220324082809216.htmTheo Diệu Linh
Doanh nghiệp và Tiếp thị