Các học viên ở cơ sở cai nghiện Phước Bình, TP.HCM - Ảnh: CHINHPHU.VN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Mai Thoa, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, cho hay, Pháp lệnh về trình tự, thủ tục tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua rất quan trọng và cần thiết để quản lý, giáo dục, chữa bệnh cho trẻ nghiện ma túy khi không thực hiện được việc cai nghiện tự nguyện.
Việc tổ chức dạy và học: không hề đơn giản
Về việc đảm bảo quyền học tập cho các em ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc, bà Thoa nói là một trong những vấn đề được quan tâm đặc biệt và được pháp luật quy định khá cụ thể.
Trong đó, được quy định tại điều 8, điều 33 và điều 35 Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và nghị định số 116 quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống ma túy năm 2021, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Theo đó, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được học văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Việc học văn hóa đối với người chưa phổ cập giáo dục tiểu học là bắt buộc. Đối với các bậc học khác thì tùy thuộc khả năng và điều kiện thực tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc để tổ chức dạy, học theo quy định.
Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa - Ảnh: Q.H
Tuy vậy, theo bà Thoa, do các văn bản mới được ban hành còn thực tế ở một số cơ sở cai nghiện chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực đảm bảo để thực hiện quyền học tập cho trẻ em.
Hơn nữa, số lượng trẻ em được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không nhiều, lại ở các lứa tuổi, trình độ khác nhau, thời gian không dài (từ 6 tháng đến 1 năm), do đó việc tổ chức dạy và học sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Do vậy, bà Thoa nói, trước khi quyết định đưa người vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc nhất định, tòa án cần khảo sát kỹ về khả năng thực tế của cơ sở, nếu đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm quyền học tập của trẻ em theo quy định mới đưa ra quyết định.
Đối với các cơ sở cai nghiện công lập cũng cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm đủ điều kiện, sẵn sàng tiếp nhận trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong đó có việc phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức dạy, học, thi cử.
Đồng quan điểm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cũng nhấn mạnh, việc tổ chức, đảm bảo học tập cho các em ở trong trung tâm cai nghiện bắt buộc sẽ không đơn giản.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan - Ảnh: G.H.
Bà Lan nói, nếu các cơ sở cai nghiện nằm gần những trường học nơi các em đang theo học thì không sao, nhưng thực tế đa phần đều nằm xa trung tâm, nơi hẻo lánh, thậm chí ở trong các vùng núi.
"Việc đi lại vào trường học cũ của các em sẽ rất khó, còn để đưa đi học ở các trường học gần cơ sở cai nghiện cần phải có lực lượng quản lý.
Chưa kể, đưa bác sĩ vào cơ sở cai nghiện đã khó rồi thì việc đưa thầy cô giáo vào chỉ để dạy cho một vài em và trình độ lại không đồng đều, tính cách khác nhau sẽ càng khó khăn hơn", bà Lan nêu. Bà cũng cho rằng Pháp lệnh mới quy định các trình tự, thủ tục việc đưa vào còn đảm bảo cơ sở vật chất, học tập cần phải có phương án cụ thể hơn.
Tính phương án đưa các em đi học ở cơ sở giáo dục bên ngoài
Về góc độ quản lý nhà nước, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Ngọc Túy, cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cũng thừa nhận việc dạy nghề, dạy học cho các em tại cơ sở cai nghiện bắt buộc là vấn đề khó khăn.
Ông nói, theo tính toán, số lượng các em vào mỗi cơ sở cai nghiện sau khi pháp lệnh thông qua chừng dưới đến 10 người. Với số lượng ít thì việc triển khai dạy học ở cơ sở cai nghiện sẽ khó khăn, bởi trong số 10 em không biết có cùng trình độ hay không.
"Do đó, chúng tôi đang tính phương án đưa các em đi ra học ở cơ sở giáo dục bên ngoài, còn tại cơ sở cai nghiện mà thực hiện việc thuê mướn giáo viên sẽ khó.
Tuy nhiên, việc này sẽ cần căn cứ vào tình hình thực tế ở các cơ sở, các địa phương để đưa ra phương án cụ thể", ông Túy nêu.
TTO - Người dưới 18 tuổi thuộc diện đưa đi cai nghiện bắt buộc sẽ được hoãn chấp hành khi đủ điều kiện và đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.