Sau tuần giảm điểm trước đó, thị trường giao dịch với biên độ hẹp trong tuần qua và quay trở lại trên vùng 1.100 điểm. Do mức độ tăng điểm các phiên là khá thấp nên kết thúc tuần VN-Index chỉ tăng 0,76 điểm (0,07%) so với tuần trước, dừng ở mức 1.103,06 điểm, HNX-Index có diễn biến tích cực hơn khi kết tuần tại 228,27 điểm, tương ứng mức tăng 1,25 điểm (0,55%). UPCoM-Index tăng 1,09 điểm (1,28%) lên 86,14 điểm.
Giao dịch trên thị trường diễn ra thận trọng khiến thanh khoản sụt giảm. Tổng giá trị giao dịch bình quân ở mức 14.727 tỷ đồng/phiên, giảm 15,9%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 23,3% xuống chỉ còn 11.683 tỷ đồng/phiên. Áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài sau tuần tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF vẫn chưa ngừng khi khối này tiếp tục bán ròng 2.674 tỷ đồng trên 2 sàn niêm yết và kéo dài chuỗi bán ròng lên tuần thứ 7 liên tiếp
Trong tuần thị trường đón nhận một số thông tin như: Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa 15 dự kiến khai mạc vào 15/1/2024 và sẽ thảo luận về dự án luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, thông qua các Luật trên tại kỳ họp giữa năm 2024; Ngân hàng Nhà nước cho biết tính đến ngày 13/12/2023, tín dụng tăng 9,87%, như vậy chỉ trong 13 ngày tín dụng đã tăng thêm 85.800 tỷ đồng…
Nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch có sự phân hóa mạnh trong tuần giao dịch từ 18 – 22/12. Thống kê 124 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trong tuần vừa qua có 59 mã tăng và 42 mã giảm giá.
Đa số các mã biến động mạnh nhất nhóm bất động sản đều có thanh khoản thấp. V11 của CTCP Xây dựng số 11 tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản với 14,5%. Tiếp sau đó, FDC của CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư và VCR của CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex tăng lần lượt 13,2% và 11%. Cả ba cổ phiếu nói trên đều có thanh khoản rất khiêm tốn.
Trong danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản, TCH của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy gây chú ý với mức tăng gần 5%. CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV, một thành viên của TCH vừa trúng đấu giá dự án Khu đô thị mới dọc đường Đỗ Mười kéo dài với số tiền trúng đấu giá hơn 4.828 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới dọc đường Đỗ Mười kéo dài và vùng phụ cận các xã Tân Dương, Dương Quan (huyện Thủy Nguyên) có diện tích thực hiện dự án hơn 49,3ha thuộc khu vực quy hoạch Khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Trong số này có hơn 12,6ha quy hoạch đất ở liền kề, đất ở liền kề có sân vườn (biệt thự) và đất nhà ở chung cư kết hợp thương mại dịch vụ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tính thu tiền sử dụng đất và hơn 2,6ha đất công cộng (đất công cộng đơn vị ở và đất giáo dục) thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trả tiền thuê đất hàng năm.
HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô cũng tăng 4,5%. Trong báo cáo phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt, đơn vị này ước tính lợi nhuận HDG sẽ tăng trưởng âm trong năm 2023 và dự kiến tăng trưởng dương trở lại trong năm 2024.
Ở chiều ngược lại, cả ba vị trí dẫn đều về mức giảm giá ở nhóm bất động sản đều có thanh khoản rất thấp. VHD của CTCP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex giảm 23,7%, TBR của CTCP Địa ốc Tân Bình giảm 10,3%, CTCP BV Land giảm 9,8%.
Trong khi đó, khá nhiều các cổ phiếu có tính đầu cơ cao giảm tương đối mạnh như ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo có biến động không mấy tích cực khi giảm gần 9,1%. TIG của CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long giảm 7,8%. HQC của CTCP Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân cũng giảm gần 7%. Mới đây, HQC thông báo đã nhận được công văn của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về việc nhận hồ sơ đăng ký chào bán riêng lẻ cổ phiếu. Theo phương án công bố trước đó, HQC dự kiến chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.000 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm và ủy quyền cho HĐQT lựa chọn thời điểm thích hợp để chào bán cổ phiếu tăng vốn.
Tại nhóm bất động sản vốn hóa lớn, biến động của các cổ phiếu là khá hẹp với mức độ tăng, giảm chỉ dưới 2%.
Thị trường chứng khoán khó bứt phá mạnh
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, CTCP Chứng khoán VNDirect, tuần tới, trong bối cảnh nhiều thị trường phát triển sẽ đóng cửa một vài phiên để nghỉ lễ, áp lực bán của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hạ nhiệt. Tuy nhiên, xu hướng này có thể chỉ là tạm thời dẫn tới tâm lý dè dặt, thận trọng của nhà đầu tư nội chưa thể giải tỏa hoàn toàn.
Trong bối cảnh đó, các chỉ số chứng khoán khó có thể kỳ vọng bứt phá mạnh trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023. Theo đó, ông cho rằng VN-Index có thể phục hồi nhẹ hướng tới vùng 1.120-1.130 điểm trong tuần tới.
CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng khả năng về nhịp tăng trở lại của VN-Index trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023 để hướng tới vùng cản gần nhất quanh 1.130 điểm vẫn có thể xảy ra, tuy nhiên cũng không loại trừ kịch bản chỉ số tiếp tục diễn biến xoay quanh vùng 1.100 điểm với thanh khoản thấp.
Trong trung - dài hạn, SHS duy trì dự báo khả năng cao Vn-Index sẽ tích lũy trong khu vực 1.100 điểm - 1.150 điểm. Trong trường hợp tích cực hơn thì vùng tích lũy trung hạn sẽ là 1.150 điểm - 1.250 điểm.
Xem thêm: lmth.52742000042210202-21-22-81-naut-gnort-hnam-aoh-nahp-sdb-ueihp-oc/nv.semitaer