Ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ dường như không vội ra tay giải cứu những người dân đang phải vật lộn với giá năng lượng tăng cao. Giám đốc điều hành của các công ty dầu mỏ cho rằng Phố Wall phải chịu trách nhiệm.
Theo một cuộc khảo sát của Ngân hàng dự trữ liên bang Dallas (Fed Dallas) công bố hôm 23/3, 59% CEO công ty dầu mỏ cho biết áp lực của nhà đầu tư trong việc duy trì kỷ luật vốn là lý do chính mà các nhà sản xuất dầu công khai kìm hãm tăng trưởng.
Trong nhiều năm, ngành công nghiệp dầu mỏ từ bùng nổ đến suy thoái đã vung tiền để tài trợ cho tăng trưởng sản xuất toàn diện. Sản lượng dầu của Mỹ tăng vọt và giữ giá ở mức thấp, song như vậy rất khó để duy trì lợi nhuận. Trong nhiều đợt dầu giảm giá, hàng trăm công ty dầu mỏ đã phá sản, khiến các nhà đầu tư yêu cầu các CEO năng lượng thận trọng hơn.
Ngày nay, các công ty dầu mỏ đang chịu áp lực rất lớn từ Phố Wall trong việc trả tiền mặt cho các cổ đông thông qua cổ tức và mua lại, thay vì đầu tư vào nguồn cung cần thiết.
CEO từ một công ty dịch vụ mỏ dầu nói với Fed Dallas trong cuộc khảo sát: "Kỷ luật tiếp tục thống trị ngành công nghiệp. Các cổ đông và người cho vay tiếp tục yêu cầu thu hồi vốn, và họ sẽ không còn sẵn sàng chi tiêu trừ khi giá duy trì ở mức cao".
Sản lượng của Mỹ giảm ngay cả khi giá tăng vọt
Mặc dù nguồn cung dầu của Mỹ dự kiến sẽ tăng trong những tháng tới, sản lượng này vẫn thấp hơn nhiều so với trước đại dịch. Trong khi đó, giá dầu tăng vọt lên mức cao kỷ lục kể từ năm 2008.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nước này đã sản xuất 11,6 triệu thùng mỗi ngày trong tuần kết thúc vào ngày 18/3. Con số đó giảm 10% so với cuối năm 2019.
Mặt khác, giá dầu đã tăng mạnh. Dầu thô Mỹ chốt phiên ở mức 114,93 USD/thùng hôm 23/3, tăng 88% so với cuối năm 2019.
Giá hiện tại cao hơn nhiều so với mức trung bình 56 USD/thùng để khai thác có lãi mà các công ty dầu mỏ nói với Fed Dallas. Các công ty lớn hơn cho biết họ chỉ cần giá mỗi thùng là 49 USD thì sẽ có lãi.
Tuy nhiên, các nhà điều hành công ty dầu mỏ và các nhà đầu tư không muốn bổ sung quá nhiều nguồn cung đến mức gây ra tình trạng dư thừa khiến dầu giảm giá. Các cổ đông muốn công ty trả lại lợi nhuận dôi ra dưới hình thức cổ tức và mua lại, chứ không phải tái đầu tư vào việc tăng sản lượng.
Một CEO tham gia khảo sát đã chỉ ra những khoản lỗ đáng kinh ngạc mà các cổ đông phải gánh chịu trong những năm gần đây. Năng lượng rõ ràng là lĩnh vực có hoạt động kém nhất trong thập kỷ qua, trong đó có nhiều công ty dầu khí.
Chỉ 6% đổ lỗi cho quy định của chính phủ
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, giá xăng thường của Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục 4,33 USD/gallon.
Mặc dù chi phí năng lượng cao thường bị quy cho các chính sách môi trường, các giám đốc điều hành dầu mỏ dường như không coi đó là nguyên nhân chính.
Chỉ 6% CEO cho rằng các quy định của chính phủ là lý do chính mà các công ty dầu mỏ giao dịch công khai đang kìm hãm tăng trưởng sản xuất.
11% các CEO khác chỉ ra các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Phong trào ESG đã khiến nhiều nhà đầu tư từ chối các công ty nhiên liệu hóa thạch để ủng hộ các công ty năng lượng sạch.
Khoảng 15% CEO cho biết các yếu tố "khác" là nguyên nhân, bao gồm sự thiếu hụt nhân sự và các vấn đề về chuỗi cung ứng.
'Sự ghẻ lạnh' đối với ngành công nghiệp dầu mỏ
Tuy nhiên, nhiều giám đốc điều hành bày tỏ quan ngại lớn về các quy định và quan điểm về ngành công nghiệp dầu mỏ từ chính phủ liên bang cũng như các bang riêng lẻ như Colorado.
Một người tham gia khảo sát cho biết: "Thông điệp từ Nhà Trắng, Quốc hội và Phố Wall là dầu khí là một ngành đang chết dần và cần phải loại bỏ". Vị giám đốc điều hành đó đã chỉ ra "các vấn đề nghiêm trọng về lực lượng lao động" đang được thúc đẩy một phần bởi sự "ghẻ lạnh" với ngành dầu khí.
Đối với những người tiêu dùng lo lắng về giá xăng cao gần chạm mức kỷ lục, tin tốt là nguồn cung sẽ dồi dào hơn.
Chỉ số hoạt động kinh doanh trong cuộc khảo sát của Fed Dallas trong quý đầu tiên đã tăng vọt lên mức cao nhất trong lịch sử 6 năm của tổ chức này. Mức tăng đó được thúc đẩy bởi chỉ số sản xuất dầu tăng mạnh.
Tin xấu là các công ty Big Oil đang báo hiệu nguồn cung chỉ tăng khiêm tốn.
Trong số các công ty dầu mỏ lớn, tốc độ tăng trưởng sản lượng trung bình giữa quý 4 năm 2021 và quý 1 năm 2022 là 6%. Các công ty nhỏ được kỳ vọng tăng trưởng sản xuất nhanh hơn là 15%.
Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng nếu các công ty dầu mỏ của Mỹ và OPEC không tăng sản lượng, giá năng lượng có thể duy trì ở mức cao.
Một CEO công ty dầu mỏ trong cuộc khảo sát của Fed Dallas cho biết Mỹ cần tăng sản lượng khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2023 để cân bằng giữa cung và cầu toàn cầu.
Vị CEO cho biết: "Có vẻ như điều này sẽ không xảy ra. Điều này sẽ dẫn đến giá năng lượng duy trì ở mức cao, cho đến khi người tiêu dùng Mỹ bị đẩy vào tình trạng suy thoái".
Tham khảo CNN
http://tintuc.vdong.vn/03/1287451.htm