Sáng 26-3-2022, tại Hội trường UBND Quận Bình Tân (TP.HCM), Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp cùng Công ty TNHH Kao Việt Nam tổ chức chuyên đề Bạo lực gia đình: Đừng im lặng!
Nạn nhân, thủ phạm là người một nhà
Theo thống kê, chỉ hai tháng trước và sau tết 2022, cả nước ghi nhận hàng chục vụ cố ý gây thương tích, gây tử vong mà nạn nhân và thủ phạm là thành viên trong một gia đình.
Những câu chuyện không mới, cách thức bạo lực không mới như ngang nhiên thách thức pháp luật, dù Luật Phòng chống bạo lực gia đình ra đời đã 14 năm.
Đông đảo nữ công nhân, nữ lao động trên địa bàn quận Bình Tân đã đến tham dự buổi chuyên đề. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Buổi chuyên đề Bạo lực gia đình: Đừng im lặng! nhằm lên tiếng mạnh mẽ để chung tay ngăn chặn vấn nạn bạo lực gia đình, đồng thời nhấn mạnh vai trò các cơ quan chức năng, đoàn thể trong việc ngăn ngừa và xử lý bạo lực gia đình.
Đặc biệt, chương trình giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng về sức khỏe - tình yêu - hôn nhân và gia đình trong nữ công nhân, lao động nhập cư trên địa bàn TP.HCM.
Buổi chuyên đề Bạo lực gia đình: Đừng im lặng! nhằm lên tiếng mạnh mẽ chung tay ngăn chặn vấn nạn bạo lực gia đình. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Lên tiếng ngay từ khi nhen nhóm
Tại chương trình, ThS Lê Thị Thanh Nhã - nguyên Phó Phòng Gia đình - Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đã chia sẻ về vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực giới. Theo đó, trong mọi hình thức bạo lực giới, phần lớn nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái nhưng họ lại ít được tiếp cận và nhận được dịch vụ hỗ trợ pháp lý.
Bạo lực giới có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào, trong gia đình, nơi làm việc, trường học, nơi công cộng... Bao gồm cả bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần, trong đó bạo lực tinh thần là vô cùng nghiêm trọng bởi vì dù nó có gây ra những hậu quả đau đớn nhưng cơ quan chức năng và những người có thẩm quyền khó can thiệp.
Thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhã khuyên rằng nếu trong gia đình có xảy ra mâu thuẫn, hãy giải quyết bằng cách nói chuyện với nhau. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
ThS Lê Thị Thanh Nhã khuyên rằng nếu trong gia đình có xảy ra mâu thuẫn, hãy giải quyết bằng cách nói chuyện với nhau. Trường hợp không biết nói gì, nên học cách chia sẻ hoặc hỏi ý kiến chuyên gia, tìm cách tham vấn những người đủ chuyên môn. Nếu bạo lực xảy ra trong gia đình và quá mức thì phải gặp cơ quan chức năng để giải quyết bằng pháp luật.
“Những người gặp hoặc chứng kiến bạo lực xảy ra trong xã hội, xung quanh địa bàn nơi ta đang sinh sống làm ơn đừng im lặng. Hãy báo chính quyền địa phương, gần nhất là khu phố, cảnh sát khu vực, họ sẽ có quy trình giải quyết. Một khi bạo lực bắt đầu nhen nhóm, nhất quyết đừng im lặng mà phải lên tiếng tìm cách giải quyết. Im lặng chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn, im lặng là gián tiếp giúp bạo lực ngày càng phát tán” - bà Thanh Nhã kêu gọi.
Tại buổi chuyên đề còn có phần tư vấn pháp lý miễn phí do các chuyên gia, luật sư đảm nhận. Họ sẽ giúp người có nhu cầu giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc, bức xúc cá nhân liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
Nhiều phụ nữ mong muốn được tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Luật sư Nguyễn Sơn Lâm - Chi hội Phó Chi hội luật sư Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết: “Hầu hết các trường hợp đến đây nhờ tôi tư vấn đều chứng kiến hoặc bản thân gặp phải vấn đề về gia đình liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là vấn nạn bạo lực gia đình. Họ muốn biết hành vi bạo lực của chồng có vi phạm pháp luật không và giải pháp nào giúp chấm dứt để bảo vệ quyền lợi cho họ”.
Theo luật sư Lâm, bạo lực gia đình không chỉ là hành vi đánh đập gây thương tích nặng mà còn là hành vi gây ảnh hưởng về tinh thần, sức khỏe, tình dục. Tất cả hành vi này đều bị pháp luật nghiêm cấm, nên nếu vi phạm sẽ bị pháp luật xử lý. Để chấm dứt việc này, hơn ai hết bản thân người bị bạo hành phải lên tiếng. Nếu im lặng có nghĩa là chấp nhận chịu đựng bạo lực. Nạn nhân nên nhờ cơ quan ban ngành hay Hội Phụ nữ tại địa phương đưa ra các biện pháp giúp bảo vệ mình và đồng thời xử lý người vi phạm.
Chị Lê Thị Ngữ nhờ luật sư Nguyễn Sơn Lâm tư vấn về trường hợp của người dân trong khu phố. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Chị Lê Thị Ngữ - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ KP3, phường Tân Tạo (quận Bình Tân) nhờ luật sư tư vấn về trường hợp của người dân trong khu phố. Chị kể ở khu phố có người vợ bị chồng bạo lực trong thời gian dài dẫn đến muốn ly hôn nhưng chồng không đồng ý. Cứ mỗi lần chồng nhậu say về là ghen tuông và đánh đập vợ. Người vợ nhiều lần gọi đến Hội Phụ nữ phường nhờ can thiệp nhưng sau đó mọi việc vẫn tiếp tục.
“Vì không chịu nổi nữa cô ấy đã bỏ nhà đi khoảng 1 tháng. Sau khi quay về thì người chồng không cho vào nhà, muốn đuổi cô ấy đi luôn nhưng lại không đồng ý ly hôn vì nhiều lý do. Hội chúng tôi muốn giúp cô ấy nên tôi đã đến đây nghe các chuyên gia diễn giải. Tôi muốn được luật sư tư vấn để biết thêm kiến thức và giải thích lại cho các chị em trong khu phố gặp phải vấn nạn bạo lực gia đình dẫn đến ly hôn” - chị Ngữ bày tỏ.