Tiêm vắc xin Pfizer mũi 3 cho người dân ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo thông tin từ Bộ Y tế, 13,7 triệu liều trong số này do Úc tài trợ. Bộ Y tế đã làm việc với Đại sứ quán Úc từ ngày 22-3 và đã nhận được cam kết.
Đợt vắc xin đầu tiên trong số này khoảng 9,7 triệu liều, gồm 700.000 liều vắc xin do Pfizer sản xuất và 9 triệu liều do Moderna sản xuất, có hạn sử dụng dài nhất đến tháng 7-2022, đang sẵn có tại Úc và có thể vận chuyển về Việt Nam ngay trong tuần này ngay sau khi hoàn thiện các thủ tục.
Đợt 2 có khoảng 4 triệu liều do Pfizer sản xuất, được Chính phủ Úc viện trợ thông qua UNICEF. Bộ Y tế cho hay phía Úc đang hoàn thiện các thủ tục và dự kiến cung cấp trong tháng 4-2022.
Phía Úc sẽ sớm cung cấp các hồ sơ của vắc xin để Bộ Y tế khẩn trương cấp phép sử dụng theo quy định và vận chuyển về Việt Nam khi được phê duyệt.
Y, bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu hậu COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ngoài 13,7 triệu liều này, dự kiến Mỹ sẽ tài trợ cho Việt Nam 10 triệu liều. 2 nguồn tài trợ này đủ sử dụng cho toàn bộ trẻ em trong độ tuổi 5 đến dưới 12.
Trong đó, vắc xin Pfizer dành cho trẻ em chứa 10mcg kháng nguyên, bằng 1/3 so với liều dành cho người lớn, vắc xin Moderna liều dành cho trẻ em chứa lượng kháng nguyên bằng 1/2 so với liều dành cho người lớn.
Theo tính toán, chi phí nếu mua lô vắc xin cho lứa tuổi này khoảng 3.400 tỉ đồng. Việc tiêm chủng sẽ triển khai ngay từ tuần thứ 2 của tháng 4.
Kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi được Thủ tướng đề cập từ cuối tháng 12-2021. Đến cuối tháng 1-2022, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ và được chấp thuận chủ trương mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfizer.
Đầu tháng 3, Bộ Y tế cho biết chuẩn bị ký hợp đồng với Pfizer tuy nhiên đến nay đã có 2 nhà tài trợ cung cấp vắc xin cho trẻ, đây cũng là thành quả từ "ngoại giao vắc xin".
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Ca mắc COVID-19 mới lần đầu giảm dưới 100.000 ca sau gần 1 tháng
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 24 giờ (tính từ 16h ngày 26-3 đến 16h ngày 27-3) cả nước ghi nhận 91.916 ca mới trong nước tại 61 tỉnh, thành. So với ngày trước đó, số mắc mới giảm 11.208 ca. Sau 26 ngày tăng cao luôn trên 100.000 - 180.000 ca mới/ngày, ngày 27-3 là ngày đầu tiên cả nước ghi nhận dưới 100.000 ca.
Trong ngày, số ca khỏi bệnh nhiều gấp đôi số mắc với 185.861 ca. Số tử vong giảm mạnh xuống còn 48 ca, hiện tỉ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm chiếm 0,5%.
Tính đến nay nước ta đã tiếp nhận hơn 227 triệu liều vắc xin và đã tiêm được hơn 205 triệu liều, trong đó hơn 99% người trên 18 tuổi và 94% trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi. Hiện toàn quốc tiếp tục thúc đẩy tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Tình nguyện viên hướng dẫn chị Nhung (quận Đống Đa) sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Chị Nhung có thể gọi số điện thoại bác sĩ hoặc nhắn qua Zalo để được tư vấn hoặc cấp cứu kịp thời - Ảnh: HÀ QUÂN
Dự phòng đột quỵ ở bệnh nhân đã nhiễm COVID-19 ra sao?
Theo PGS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM - những bệnh nhân sau mắc COVID-19 được xem là nhóm nguy cơ cao bị đột quỵ khi đang đồng thời có nhiều yếu tố nguy cơ khác, như: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa lipid, rung nhĩ, hút thuốc, béo phì…
Cho đến nay, việc phòng ngừa đột quỵ tiên phát trên bệnh nhân sau mắc COVID chỉ bao gồm việc kiểm soát chặt các yếu tố nguy cơ. Chưa có bằng chứng cho thấy hiệu quả của thuốc kháng đông, hoặc kháng kết tập tiểu cầu trong phòng ngừa đột quỵ tiên phát.
Với các bệnh nhân đã bị đột quỵ và đồng thời đã mắc COVID, việc sử dụng kháng đông hoặc kháng kết tập tiểu cầu nên được duy trì. Việc lựa chọn sẽ tùy thuộc vào cơ chế đột quỵ trước đó, không nên chuyển sang thuốc kháng đông chỉ vì đã nhiễm COVID-19.
Nếu bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ, không có các yếu tố nguy cơ đột quỵ kèm theo, nguy cơ đột quỵ sẽ rất thấp, do vậy không cần thiết phải tầm soát đột quỵ một cách thường quy.
Nếu bệnh nhân có yếu tố nguy cơ khác kèm theo, việc tầm soát đột quỵ cũng nên tập trung vào mục tiêu cần hướng đến trong việc kiểm soát chặt các yếu tố nguy cơ này. Không nên lạm dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh nếu như bệnh nhân không có triệu chứng đột quỵ.
Bệnh viện điều trị COVID-19 ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 27-3 thông tin ghi nhận thêm 9.600 ca COVID-19, giảm 23 ca so với hôm qua, cũng là ngày có số ca thấp nhất tính từ ngày 25-2 tới nay. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (1.272), Hoàng Mai (701), Long Biên (557), Thanh Trì (533), Ba Vì (425)... Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 1.260.790 ca.
Tính tới hết ngày 26-3, Hà Nội còn gần 245.000 ca đang điều trị, theo dõi, giảm 7.700 ca so với hôm 25-3; hơn 1.717 ca COVID-19 điều trị tại các bệnh viện; 192 ca tại cơ sở thu dung của quận/huyện/thị xã. Ngày 26-3, Hà Nội chỉ ghi nhận 1 ca COVID-19 tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 là 1.319 người.
- Từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nam ghi nhận gần 70.000 ca COVID-19, trong đó người cao tuổi chiếm 15%. 63 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong đều thuộc nhóm người cao tuổi, có nhiều bệnh nền và đa số chưa được tiêm vắc xin COVID-19 do sức khỏe không bảo đảm.
Bệnh viện dã chiến số 1 Hà Nam hiện nay đang điều trị cho rất đông bệnh nhân là người cao tuổi, có bệnh nền, thể trạng yếu. Diễn biến bệnh của các trường hợp này rất phức tạp, nhiều người phải thở oxy, điều trị tích cực… Hơn 70 cán bộ, nhân viên y tế tại đây hiện đang tập trung chăm sóc và điều trị cho trên dưới 100 bệnh nhân.
TTO - Chỉ số dịch COVID-19 ngày 26-3 cho thấy số ca mới, tử vong đều giảm nhanh, Hà Nội lần đầu tiên trong tháng giảm xuống dưới 10.000 ca. TP.HCM tuy số ca mắc mới không cao nhưng số ca nặng cao nhất, với 590 F0 chuyển nặng đang điều trị.