Bà Nguyễn Phương Hằng đã bị bắt nhưng những hệ lụy từ “drama” này mang lại chưa hẳn đã triệt tiêu hoàn toàn. Đó là việc suốt một thời gian dài không ít người lầm tưởng những gì bà nói là đúng (nên mới không bị xử lý), là sự hoài nghi của một bộ phận giới trẻ về hệ giá trị, về chuẩn mực đạo đức xã hội hiện hành.
Bỏ qua chuyện bà tố cáo ông Võ Hoàng Yên (vì nó mang tính tranh chấp cá nhân giữa hai người), công bằng mà nói, những phản ánh ban đầu của bà về việc làm từ thiện - nhất là việc chậm trao tiền quyên góp cho đối tượng thụ hưởng - là những góp ý đúng.
Nhưng rồi sau đó, bằng những thông tin tự thu nhặt được, bà Hằng đã sử dụng nó như một nguồn tin cậy để bôi nhọ, thóa mạ nhiều người. Thậm chí, khi cơ quan chức năng có kết luận những người làm từ thiện không tư túi, tư lợi (theo tố giác bằng văn bản của bà), bà vẫn tiếp tục đưa ra cái gọi là chứng cứ để công kích, bôi nhọ họ bằng những lời lẽ miệt thị, tục tằn.
Một thời gian dài, bà Nguyễn Phương Hằng liên tục tổ chức những buổi livestream chửi bới, nhục mạ nhiều cá nhân, tổ chức mà vẫn không bị xử lý. Người ta trở nên hoài nghi và hỏi nhau: “Có phải bà Hằng đúng không? Nếu sai sao không thấy cơ quan nào xử lý? Có phải pháp luật thả ngỏ cho ai muốn chửi ai thì chửi, muốn lên mạng nói xấu ai thì nói hay sao?”.
Khi việc công kích, bôi nhọ này lặp đi lặp lại, kéo dài cả năm trời mà không (thật ra là chưa) bị cơ quan pháp luật mạnh tay xử lý, không ít người bắt đầu đặt dấu hỏi. Một mặt, họ nửa tin nửa ngờ về kết luận của cơ quan chức năng; mặt khác, họ nghĩ bà Hằng đúng nên mới không bị cơ quan nhà nước “tuýt còi”. Đó chính là tiền đề khiến nhiều người ủng hộ bà Hằng, những “fan cứng” chuyên hóng hớt những buổi livestream đình đám của gia đình bà càng ngày càng tôn vinh bà, xem bà như một người “thế thiên hành đạo”.
Và khi có ai đó lên tiếng, công khai chỉ trích những hành vi của bà, không chỉ cá nhân bà Hằng quay sang thóa mạ, chửi bới người đó thậm tệ mà những người ủng hộ bà - gồm cả các YouTuber - đã tấn công những người này theo nhiều nghĩa. Họ đã moi móc những thông tin đời tư của các cá nhân này ra để xỉ vả trên mạng xã hội, thậm chí họ còn kéo cả băng bọn đến tận nơi ở của những cá nhân này để “tác nghiệp” nhằm thị uy vì “cái tội dám xúc phạm đến chị Hằng”.
"Khi những hành vi lệch lạc đến mức vi phạm pháp luật ấy không bị ngăn chặn, xử lý kịp thời thì sự chậm trễ xử lý đó có thể sẽ trở thành “dung môi” để hành vi lệch lạc xã hội loang ra, tấn công vào sự đúng đắn của chuẩn mực xã hội hiện hành" |
Đã có nhiều cá nhân, tổ chức bị bà Hằng và những người ủng hộ bà công khai bôi nhọ và đe dọa bằng nhiều lời lẽ và chiêu trò hạ đẳng. Đã có nhiều người tặc lưỡi làm ngơ mà không dám lên tiếng trước hành vi sai trái của bà Hằng.
Bà Hằng trong thời gian dài như một thế lực không ai dám công khai nhắc đến! Đó là cao trào khiến cho “fan cứng” và những người ủng hộ bà Hằng tỏ ra đắc thắng.
Những người này thắng thì ai thua?
Một đất nước có hàng loạt thiết chế để bảo đảm điều chỉnh khuôn mẫu hành vi bên cạnh những chuẩn mực đạo đức xã hội hiện hành. Một hệ thống pháp luật đủ đầy cùng các chế tài từ hành chính đến hình sự đủ để răn đe, trấn áp bất kỳ cá nhân - công dân và tổ chức nào vi phạm. Vậy mà có một cá nhân suốt cả năm trời muốn chửi ai thì chửi, muốn bôi nhọ, xúc phạm ai thì làm, từ nghệ sĩ, luật sư đến nhà báo và cả đại biểu Quốc hội đều trở thành nạn nhân.
Nhiều người trông chờ vào thái độ quyết liệt của các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhưng rồi bà Hằng vẫn tác oai tác quái, vẫn làm chủ trận tuyến thông tin trên mạng xã hội.
Trẻ con bu nhau xem những buổi livestream của bà Hằng rồi quay sang hỏi người lớn “có phải bà Hằng đúng không, nếu sai sao không thấy cơ quan nào xử lý?”. Người lớn quay sang hỏi người trẻ “bộ pháp luật thả ngỏ cho ai muốn chửi ai thì chửi, muốn lên mạng nói xấu ai thì nói hay sao?”.
Không có câu trả lời thỏa đáng nào để đánh tan sự hoài nghi của cả người trẻ lẫn người già. Những bài báo ít ỏi lên tiếng minh định về sự kiện này chẳng những không xua tan được sự hoài nghi của dư luận mà còn trở thành những miếng mồi ngon cho “fan cuồng Phương Hằng” lấy đó làm đích tấn công.
Lẽ dĩ nhiên, vẫn còn rất, rất nhiều người có niềm tin rằng không sớm thì muộn bà Hằng sẽ bị xử lý. Họ chỉ tin vậy thôi chứ chẳng ai dám nói gì. Và họ cứ mong chờ, cứ đặt niềm tin...
Cuối cùng thì bà Hằng cũng bị bắt. Nhưng những hệ lụy từ sự kéo dài của “drama Phương Hằng” thì vẫn ít nhiều còn di hại trong một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ.
Khi những hành vi lệch lạc xã hội được nhiều người ủng hộ, tán thưởng, sự tán thưởng ấy chỉ là “chất xúc tác” giúp chủ thể lệch lạc củng cố niềm tin về quyền lực ảo tưởng của mình. Nhưng nếu hành vi lệch lạc đến mức vi phạm pháp luật ấy không bị ngăn chặn, xử lý kịp thời thì sự chậm trễ xử lý đó có thể sẽ trở thành “dung môi” để hành vi lệch lạc xã hội loang ra, tấn công vào sự đúng đắn của chuẩn mực xã hội hiện hành.
Vì vậy, để không còn một “drama Phương Hằng” tương tự thì cơ quan chức năng cần sớm phát hiện, xử lý nghiêm khi nó vừa chớm xuất hiện trong thời đại 4.0 này.