Liên quan đến vụ Hiệp hội Sắn Việt Nam cùng 42 doanh nghiệp xuất khẩu sắn ký đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính sau khi Tổng cục Thuế đưa ra quy định hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng tinh bột sắn (tức Công văn 632), phía Tổng cục Thuế đã có nội dung phản hồi về sự việc này.
Theo đó, Tổng cục Thuế khẳng định, chính sách thuế hiện hành đã có những quy định ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, quy định đối tượng không chịu thuế GTGT đối với sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
Để khuyến khích các thương nhân, cư dân biên giới đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, giao thương, giảm thiểu thủ tục hành chính, Chính phủ đã có Nghị định số 14/2018 của Chính phủ.
Theo đó các đơn vị có thể xác lập hợp đồng bằng văn bản, trường hợp không xác lập hợp đồng bằng văn bản thì lập bảng kê hàng hóa nhằm tạo điều kiện thúc đẩy giao thương biên giới. Tuy nhiên, để được hoàn thuế GTGT, Nghị định 14 cũng quy định phải thực hiện theo pháp luật thuế GTGT.
Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định để được hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu thì doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện hoàn thuế gồm: hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan, hóa đơn, chứng từ thanh toán qua ngân hàng…
Thực hiện quy định của Nhà nước, đa số các doanh nghiệp đã thực hiện tốt nghĩa vụ với NSNN và thực hiện hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách khuyến khích của nhà nước để làm giả hồ sơ giấy tờ, kê khai khống hóa đơn,… nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.
Phía Tổng cục Thuế cho biết, vừa qua, cơ quan thuế nhận thấy một số dấu hiệu nghi vấn trong hồ sơ hoàn thuế GTGT của một số một số doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn sang nước ngoài không đáp ứng điều kiện về hoàn thuế GTGT.
Theo đó, một bên chủ thể của hợp đồng nhập khẩu không tồn tại, đã bỏ trốn mất tích từ lâu, chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng tên người mua hàng, chuyển khoản thông qua ngân hàng biên giới không đúng quy định về điều kiện thanh toán để được hoàn thuế,…
Thông tin trả lời xác minh từ các cơ quan thuế nước ngoài qua cơ chế phối hợp giữa các cơ quan thuế đã phát hiện có một số doanh nghiệp nhập khẩu tinh bột sắn tại nước ngoài không còn tồn tại hoặc đã bỏ trốn mất tích từ lâu.
“Để công tác quản lý hoàn thuế GTGT đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 632 chỉ đạo nội bộ Cơ quan Thuế thực hiện các công việc liên quan đến công tác quản lý hoàn thuế”, Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Nội dung công văn ban hành yêu cầu các cục thuế kiểm tra, rà soát và đối chiếu các doanh nghiệp trên địa bàn có kê khai phát sinh giao dịch mua bán với các doanh nghiệp, tổ chức có tên trong tài liệu xác minh từ cơ quan thuế nước ngoài để thực hiện ngay các biện pháp nghiệp vụ.
Trong đó xác định rõ số kỳ hoàn, số tiền thuế đã hoàn, số thuế đang đề nghị hoàn. Trường hợp xác định có hành vi vi phạm, không đủ điều kiện về hoàn thuế GTGT thì kịp thời xử lý thu hồi tiền hoàn thuế về ngân sách nhà nước, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì củng cố hồ sơ hành vi vi phạm chuyển qua công an điều tra, khởi tố.
“Đối với các hồ sơ hoàn thuế đã có kết quả trả lời xác minh của cơ quan thuế nước ngoài (đơn vị nhập khẩu không tồn tại hoặc có tồn tại nhưng không thừa nhận nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam...) thì cục thuế xác định dấu hiệu gian lận hoàn thuế, thu thập hồ sơ liên quan chuyển cơ quan công an đề nghị điều tra xử lý. Khi có kết luận của công an và các cơ quan có liên quan thì cục thuế xử lý hồ sơ hoàn thuế theo quy định”, Tổng cục Thuế cho hay.
Qua xác minh thông tin các trường hợp vi phạm, cơ quan thuế đã chuyển thông tin, hồ sơ sang cơ quan công an đề nghị điều tra, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Về nội dung phản ánh của Hiệp hội Sắn Việt Nam về việc Tổng cục Thuế không nhất quán trong việc ban hành Công văn 632 giống như tại cuộc họp ngày 10/12/2021, phía Tổng cục Thuế khẳng định, tại cuộc họp này, đơn vị đã giải đáp các vướng mắc với Hiệp hội Sắn Việt Nam, theo đó, các doanh nghiệp nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện, thủ tục về hoàn thuế thì được hoàn thuế từ Ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
“Như vậy có thể khẳng định nội dung chỉ đạo tại Công văn 632 của Tổng cục Thuế là nhất quán với nội dung trao đổi, chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại cuộc họp với Hiệp hội Sắn Việt Nam về điều kiện, thủ tục để được hoàn thuế từ ngân sách Nhà nước”, Tổng cục Thuế nêu rõ.
Trước đó, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nghiêm Minh Tiến - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, việc Tổng cục Thuế ra ban hành Công văn 632 hoàn thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng tinh bột sắn là rất đột ngột, đã khiến cho loạt doanh nghiệp trong ngành điêu đứng.
Ông Tiến nói rằng, nếu công văn này được thực thi thì các doanh nghiệp ngành sắn sẽ đứng trước bờ vực phá sản mặc dù thực tế các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đúng pháp luật.
Việc này còn ảnh hưởng đến hơn 1,2 triệu người lao động ngành sắn và hàng trăm đơn vị sản xuất sẽ phải dừng thu mua cho bà con trồng sắn, gây mất ổn định kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương.