Tại buổi họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế Tp.HCM chiều 28/3, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM cho hay: “Đến hết tháng 3, chương trình bình ổn giá năm 2021 sẽ kết thúc. Do đó, các mặt hàng sẽ được điều chỉnh giá từ đầu tháng 4 sắp tới”.
Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, Tp.HCM sẽ triển khai chương trình bình ổn giá năm 2022 kể từ đầu tháng 4. Việc điều chỉnh giá do Sở Tài Chính chịu trách nhiệm tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp và thực hiện.
“Qua thông tin nắm bắt được, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022 chủ yếu đăng ký tăng giá các mặt hàng lương thực. Trong đó, các mặt hàng tăng giá cao chủ yếu là thịt và trứng gia cầm”, ông Phương nói.
Theo đó, mức tăng tùy thuộc vào từng doanh nghiệp. Cụ thể, mặt hàng thịt gia súc, gia cầm được các doanh nghiệp đăng ký tăng 3-3,5%, thịt gia cầm tăng 6-12%, trứng gia cầm tăng 6-8%.
Sau khi các doanh nghiệp đăng ký giá cả, hồ sơ liên quan về chi phí đầu vào, Sở Tài chính sẽ xem xét, thống nhất khung giá chung đối với từng mặt hàng cụ thể.
Về cơ chế điều chỉnh giá, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, khi giá cả đầu vào, chi phí nguyên vật liệu tăng 5%, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá được đăng ký điều chỉnh giá đối với Sở Tài chính và sẽ được chấp thuận điều chỉnh giá nếu doanh nghiệp chứng minh được chi phí đầu vào tăng.
“Khi tham gia chương trình bình ổn giá hàng hóa, các doanh nghiệp được sử dụng logo, thương hiệu của chương trình này để khai thác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là thương hiệu có uy tín để người tiêu dùng tin tưởng”, ông Phương phân tích.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bình ổn giá sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi tham gia các gói hỗ trợ chính thức từ Tp.HCM như kích cầu tiêu dùng, kết nối tháo gỡ vướng mắc, khó khăn. Doanh nghiệp cũng được ưu tiên tham gia các mức tín dụng, lãi suất ưu đãi tốt hơn so với các doanh nghiệp khác trên thị trường.
Một lợi ích nữa cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá là được tạo điều kiện tiếp cận các mặt bằng trống tại địa bàn, xe vận chuyển hàng hóa bình ổn cũng được tạo điều kiện lưu thông giờ cao điểm. Mức chiết khấu cho các doanh nghiệp từ hệ thống phân phối cũng tốt hơn các đơn vị không tham gia chương trình.
Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện các Công ty Vĩnh Thành Đạt, Công ty Ba Huân chuyên cung ứng thịt, trứng gia cầm cho biết, lâu nay, các doanh nghiệp đã rất cố gắng kìm giữ giá đối với nhóm sản phẩm tham gia chương trình bình ổn thị trường. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào tăng từ 20 - 30% như hiện nay, nếu tiếp tục giữ nguyên giá, sẽ không có đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường do giá hàng trong chương trình bình ổn thị trường thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho hay, từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 15 - 20%. Các chi phí vận chuyển, logistics cũng tăng cao theo giá xăng dầu.
“Công ty chưa tăng được doanh thu, lại phải gánh thêm mức tăng của các chi phí đầu vào nên áp lực rất lớn. Bình quân mỗi ngày, San Hà cung ứng cho thị trường 100 tấn thịt gia cầm. Công ty vẫn giữ giá, nhưng với tình hình như hiện nay, công ty buộc phải tăng giá bán sản phẩm khoảng 10%”, bà Ngọc Hà nói.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cũng cho biết, công ty đề xuất tăng giá hàng bình ổn dưới 10% và chờ cuộc họp với các sở, ban, ngành để chốt mức giá tăng cụ thể.
Theo ông Thiện, do các hộ chăn nuôi giảm đàn nên nguồn cung trứng gia cầm đang thiếu hụt khoảng 10 - 20%. Nguồn cung thức ăn chăn nuôi cũng bị thiếu do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, dẫn tới giá thức ăn chăn nuôi tăng, khiến hộ chăn nuôi giảm số lượng gà và trứng.
Hiện, Công ty Vĩnh Thành Đạt cung ứng khoảng 700.000 đến 1 triệu quả trứng gia cầm/ngày. Ngoài đề xuất tăng nhẹ giá hàng hóa, ông Thiện cũng mong muốn các nhà phân phối giảm mức chiết khấu để giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng tốt hơn, vì mức chiết khấu hiện nay khá cao.
Còn bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Ba Huân cho biết, chi phí đầu vào tăng từ 20 - 30% nhưng công ty cố gắng giữ giá bán đến hết quý I/2022 và đang chờ Sở Tài chính duyệt giá mới. Công ty đề xuất tăng giá khoảng 5%, thấp hơn so với mức tăng giá nguyên liệu đầu vào.