Nhân dân làng An Hải xưa và người dân huyện Côn Đảo ngày nay tổ chức Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến - Ảnh: TTXVN
Trước đó, ngày 8-4-2007 miếu bà Phi Yến được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Gần đây, huyện Côn Đảo có tên đường "Hoàng Phi Yến". Miếu An Sơn ở huyện Côn Đảo thường được gọi một cách không chính xác là "chùa An Sơn" hay "miếu bà Phi Yến".
Gán ghép lịch sử?
Trước nay, nhiều tài liệu đều cho rằng bà Phi Yến là vợ của chúa Nguyễn Ánh. Vì bà can ngăn Nguyễn Ánh đừng "cõng rắn cắn gà nhà" mà phải chịu số phận bi thảm, về sau chết và trở nên hiển linh, được dân chúng ở Côn Đảo rất tin và xây miếu (tức miếu An Sơn) vào năm 1785 để thờ bà. Nhưng sự thật thì như thế nào?
Truyền thuyết địa phương kể rằng bà Phi Yến là vợ thứ của chúa Nguyễn Ánh, tên tục là Lê Thị Răm. Bà có người con với Nguyễn Ánh là hoàng tử Hội An, thường gọi hoàng tử Cải, lên 4 tuổi. Bị quân Tây Sơn đánh đuổi, Nguyễn Ánh dẫn vợ con bôn tẩu ra Côn Đảo.
Vì thất bại liên tục trong cuộc chiến đấu với nhà Tây Sơn nên Nguyễn Ánh có ý định nhờ giám mục Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện, mang theo hoàng tử Hội An (hoàng tử Cải) làm con tin.
Bà Phi Yến dùng lời lẽ can ngăn. Nguyễn Ánh nổi giận lôi đình, cho bà có ý thông đồng với Tây Sơn nên định chém đầu bà, nhưng các cận thần can ngăn. Bà thoát chết nhưng bị giam cầm trong một hang đá.
Nghe tin quân Tây Sơn sắp tràn lên Côn Đảo, Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng xuống thuyền chạy qua đảo Phú Quốc. Hoàng tử Cải khóc thét khi thấy trong đoàn không có mẹ mình và yêu cầu được ở lại với mẹ.
Chúa liền tự tay ném hoàng tử xuống biển. Xác hoàng tử trôi dạt vào bãi biển Cỏ Ống, được dân làng chôn cất, lập miếu thờ và gọi là miếu Cậu.
Cũng theo truyền thuyết địa phương, bà Phi Yến được vượn bạch và hổ cứu sống, trông nom mộ của hoàng tử. Thông cảm trước nỗi mất mát đứa con trai yêu quý của bà, người dân trên đảo đặt ra câu hát: Gió đưa cây CẢI về trời/ Rau RĂM ở lại chịu đời đắng cay.
Về sau bị kẻ xấu xúc phạm, bà Phi Yến đã tự tử để bảo toàn danh tiết. Người dân địa phương thương tiếc lập ngôi miếu, nay là miếu An Hải, để ngày ngày nhang khói cho bà (truyền thuyết về Bà, cậu Côn Lôn).
Ở Phú Quốc (Kiên Giang) cũng lưu hành truyền thuyết tương tự, tuy có khác về chi tiết.
Năm 1958, ông Nguyễn Kim Sáu xin chính quyền dựng một ngôi chùa mang tên An Sơn Tự khá đẹp trên nền ngôi miếu thờ Bà xưa, nhưng không ai nhớ ngày giỗ của Bà.
Một người trên đảo là Trần Hữu Khỏe đã thành tâm ăn chay và khấn nguyện nên được Bà cho biết là ngày 18-10 âm lịch? Nếu quả thật bà Phi Yến là nhân vật đúng như trong truyền thuyết thì người dân địa phương không thể không nhớ ngày giỗ của Bà và lễ hội này chỉ diễn ra gần đây.
Miếu Bà Phi Yến và miếu Cậu trên Côn Đảo thực chất là tín ngưỡng thờ Bà - Cậu vốn rất phổ biến trong tín ngưỡng sông nước ở Nam Bộ, do những cư dân đầu tiên đến Côn Đảo là người miền Trung mang vào.
Sự gán ghép lịch sử thông qua việc hư cấu ra truyền thuyết, dẫn đến việc công nhận di tích, di sản, đặt tên đường cho nhân vật không rõ lai lịch, theo các nhà nghiên cứu, là điều nguy hiểm trong thực hành văn hóa hiện nay.
Chúa Nguyễn Ánh có đến Côn Đảo không?
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên Huế, bản thân ông rất ngỡ ngàng khi hay thông tin Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo ông Hoa, truyền thuyết về bà Phi Yến ở Côn Đảo bắt nguồn từ một vở cải lương trong dân gian và được người dân thờ phụng. Bản thân câu chuyện này hoàn toàn không có thật và được các sử gia chứng minh, làm rõ từ rất lâu.
Vào năm 1942, trên tạp chí Tri Tân đã đăng bài viết "Sử học luận đàm: Một bức thư Huế" của tác giả Tôn Thất Dương Kỵ, nói về việc "chưa chắc chúa Nguyễn (Ánh) đã chạy thấu đảo Côn Lôn (tức Côn Đảo ngày nay - PV)".
Theo tác giả Dương Kỵ, sau khi mất thành Sài Gòn vào năm 1783, Nguyễn Ánh chạy ra đảo Phú Quốc. Bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh cùng tàn quân đã chạy đến một đảo có tên là Koh Rong chứ không phải là đảo Côn Lôn như nhiều tài liệu lịch sử ghi chép.
Do chữ Hán không có phụ âm R nên phiên âm thành phụ âm L (Koh Rong thành Côn Lôn); sách xưa cũng thường dùng từ "Côn Lôn" để chỉ các hòn đảo nói chung... Theo Dương Kỵ, lúc bấy giờ Côn Lôn thuộc hải phận do Tây Sơn kiểm soát, lại quá xa Phú Quốc.
Do đó chuyện vua Gia Long ném hoàng tử Cải xuống thuyền và thi thể trôi dạt vào bãi biển Cỏ Ống ở Côn Đảo là hoàn toàn không có thật.
Theo ông Hoa, truyền thuyết dân gian khác với sử liệu, sử học. Có thể trên đảo có đền thờ của một bà Phi Yến, nhưng đừng gắn đó là thứ phi của vua Gia Long. Có thể lễ hội giỗ bà Phi Yến đã tồn tại hàng trăm năm, nhưng khi công nhận một lễ hội dân gian thành di sản phi vật thể quốc gia cần phải rất thận trọng.
Đầu tiên phải xét đến nội dung của lễ hội đó có mang tính tiêu biểu và tính quốc gia hay không, thứ hai là tính sử liệu của lễ hội liên quan đến vị vua khởi nghiệp của triều Nguyễn. "Nội dung này nếu được công nhận là một di sản quốc gia thì đây là việc làm vô cùng tắc trách", ông Hoa nói.
Cục di sản văn hóa: Ghi danh lễ hội của cộng đồng
Miếu An Sơn - nơi diễn ra Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến - Ảnh: NGUYỄN HỮU LỘC
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) cho biết căn cứ theo định nghĩa về văn hóa phi vật thể trong Luật di sản văn hóa và Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) 2003 của UNESCO, Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến đáp ứng các tiêu chí để được gọi là DSVHPVT.
Theo đại diện Cục Di sản văn hóa, biểu hiện văn hóa hay thực hành văn hóa được công nhận DSVHPVT có thể dựa trên con người cụ thể hoặc dựa trên truyền thuyết.
Hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh An Sơn Miếu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và hồ sơ khoa học DSVHPVT Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến đều thể hiện bà Hoàng Phi Yến (Lê Thị Răm, thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh) là nhân vật truyền thuyết.
Nhân vật bà Phi Yến có thật hoặc không có thật nhưng được dân tôn thờ, thánh hóa lên, và để bà có chỗ đứng trong lịch sử thì dân gian cũng gán bà vào những giai đoạn lịch sử nhất định.
Việc ghi danh lễ giỗ này vào Danh mục DSVHPVT quốc gia không phải là ghi danh câu chuyện lịch sử hay truyền thuyết, không ghi danh bà Phi Yến mà ghi danh thực hành văn hóa đó, ghi danh lễ hội của cộng đồng. Lễ hội ấy bao gồm nhiều thành tố và câu chuyện về bà, và cá nhân bà chỉ là một thành tố trong đó.
Ngoài ra, việc ghi danh này còn có ý nghĩa là ranh giới, cột mốc về văn hóa, có giá trị bảo vệ chủ quyền biển đảo.
THIÊN ĐIỂU ghi
PGS.TS Nguyễn Phước Bửu Nam - chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc - cho biết đã rà soát Nguyễn Phúc tộc thế phả và Đại Nam liệt truyện thì hoàn toàn không có ai là thứ phi vua Gia Long tên Lê Thị Răm và có tên thụy là Phi Yến cả.
Tương tự trong gia phả hoàng tộc cũng không ghi chép tên của hoàng tử Cải là con của vua Gia Long. "Vua Gia Long chỉ có một hoàng tử được chôn tại đảo Phú Quốc", ông Nam nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo huyện Côn Đảo cho biết "miếu bà Phi Yến" là tín ngưỡng từ lâu của người dân Côn Đảo.
Việc làm du lịch hay đề xuất ngày giỗ bà Phi Yến vào Danh mục DSVHPVT quốc gia thì đầu tiên phải hợp lòng người dân nơi đó. Nếu đủ luận cứ khoa học và cơ quan có thẩm quyền cho phép thì mới định hướng thay đổi nhận thức của người dân.
N.LINH - ĐÔNG HÀ ghi
TTO - Một ngôi mộ trên đảo xa nhiều năm được đồn đại là nơi "linh thiêng lắm", là di tích, để rồi mấy lần xin "trùng tu danh thắng". Nhưng UBND huyện Côn Đảo vẫn kiên quyết từ chối. Vì sao?