Nguyễn Trường Duy và gia đình nhỏ hạnh phúc tại Nhật Bản - Ảnh: TL
Không bằng cấp, nhờ nghị lực vượt khó và tự học mà Nguyễn Trường Duy đã mang về cho đất nước những hợp đồng công nghệ chục triệu USD.
Dự án tham vọng: Vẽ bản đồ nước Nhật
Tác phong lịch thiệp, nói năng lưu loát và đĩnh đạc, Nguyễn Trường Duy tạo cho người đối diện cảm giác của một trí thức được đào tạo bài bản ở trường đại học hàng đầu hơn là chàng trai trưởng thành nhờ tự học. Anh nói về số hóa dữ liệu, thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo với niềm say mê và am hiểu sâu sắc.
Nhật Bản nơi Duy làm việc đang đổi thay từng ngày với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Là cường quốc điện tử hàng đầu thế giới, nước Nhật đã bước những bước tiên phong vào hành trình chuyển đổi số, nơi công nghệ và máy móc thay thế con người. Một đối tác lớn ra đề bài cho các công ty công nghệ nhiệm vụ lập bản đồ chi tiết toàn bộ Nhật Bản tới từng kiệt hẻm với độ chính xác tuyệt đối. Mục đích nhằm phục vụ xe tự hành và dịch vụ giao hàng tự động bằng thiết bị bay không người lái. Vượt qua nhiều ông lớn công nghệ trong ngoài nước Nhật, bản hợp đồng "khủng" trị giá 47,5 triệu USD đã về tay FPT Software và nhóm Duy được tin tưởng giao phụ trách thực hiện.
Nhắc tới thành tích này, Duy khiêm tốn bảo đó là công sức tập thể. Nhưng các đồng nghiệp đều biết nếu không có những dự án chỉn chu mà anh đã làm việc với đối tác trước đó thì thật khó để thuyết phục họ giao hợp đồng lớn như vậy. Thông thường, để tránh rủi ro, chủ đầu tư sẽ chia hợp đồng thành các gói nhỏ giao cho nhiều đối tác cùng làm. Để thực hiện công việc này, cần sử dụng máy bay bay ở độ cao thấp và chụp ảnh toàn bộ Nhật Bản. Sau đó, hình ảnh được gửi về cho các kỹ sư tại Đà Nẵng dựng bản đồ chi tiết.
Duy bảo rằng đối tác chỉ cho phép độ lệch bản đồ so với thực tế không quá 0,5m, do đó có thể nói là phải chính xác tuyệt đối. Nếu bản đồ sai lệch, xe tự hành có nguy cơ gây ra nguy hiểm vì đi sai đường. Một thử thách khác cần giải quyết là phải hiển thị đúng cao độ, số tầng của nhà chung cư để thiết bị giao hàng không người lái tìm đến đúng địa chỉ. Để thực hiện dự án này, công ty huy động 600 nhân sự với dự kiến thực hiện trong vòng 7 năm.
Một số dự án khác Duy tham gia đàm phán và lấy được hợp đồng cũng "khủng" không kém như dự án số hóa các bản vẽ thiết kế cho một tập đoàn ôtô hàng đầu Nhật Bản, xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo, nhận biết chướng ngại vật cho camera ôtô tự hành.
Nghèo khó, cơ cực đôi khi là cái tốt bởi nó cho mình động lực để vượt lên thoát nghèo. Ngoài ra nhờ một phần vào may mắn nên mình được gặp và làm việc với những người tốt, trong một môi trường tốt.
NGUYỄN TRƯỜNG DUY
Tuổi thơ bán củi, phụ hồ, nhổ đinh
Ở tuổi 32 Duy có một gia đình nhỏ hạnh phúc tại Nhật Bản và công việc nhiều người trọng vọng. Nhìn lại quãng đường hơn 10 năm qua, anh xúc động bảo ngoài may mắn còn là sự nỗ lực hết mình để vươn lên từng ngày. Sinh ra trong gia đình 4 anh em ở vùng trung du Quế Sơn, Quảng Nam, anh nhớ rất rõ những ngày ba mẹ đi đào củ sắn dù - loại sắn đắng hay dùng nuôi heo, về nấu cơm. Có được ít cơm mỗi bữa để dành cho sắp con, còn ba má Duy ăn củ sắn qua bữa. Những bữa ăn thiếu thốn, đám trẻ anh em Duy suy dinh dưỡng, còi cọc như que củi khô trên rừng.
Mới lớp 4, lớp 5 các anh em Duy đã đi chăn bò, lớn lên chút nữa tới lớp 6, lớp 7 biết đi cày ruộng, bán củi phụ giúp gia đình. Duy nhớ mãi có lần nhà hàng xóm xây chuồng heo, nằm ngủ trưa trên cái nền bằng bêtông mát quá, anh ước nhà mình cũng có cái nền bêtông thay cho đất sét. Đến năm lớp 9, những tháng hè Duy ra Đà Nẵng theo phụ hồ các công trình xây dựng, ngày làm hồ, tối thức nhổ đinh gom bán phế liệu. Nhiều lúc Duy còn khai sai tuổi để được vào công trình thủy điện, một tháng làm 45 công, gấp rưỡi người thường. Tiền kiếm được đem về phụ giúp gia đình, mua xe đạp và quần áo đi học.
Những ngày cơ cực đó làm cho Duy có khao khát vươn lên mãnh liệt. Học hết 12, anh dồn ít tiền tích cóp được và nhờ ba má vay mượn thêm để xuất khẩu lao động sang Nhật Bản theo ngành đóng tàu. Sau 3 năm vừa làm vừa chăm chỉ học ngoại ngữ, Duy trở về với số vốn đủ mua đất dựng nhà tại Đà Nẵng và đầu quân cho một công ty phần mềm Nhật. Dù có hạn chế ban đầu về trình độ tin học nhưng nhờ chăm chỉ và kinh nghiệm làm việc thực tế, anh nhanh chóng vượt qua các đồng nghiệp để giữ vị trí giám đốc sản xuất. Sau 5 năm, cảm thấy đã hết khả năng thăng tiến và chán cảnh làm thuê cho các ông chủ nước ngoài, Duy quyết định ra đi và đầu quân cho FPT Software Đà Nẵng.
Phỏng vấn vào công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam dù không hề có bằng cấp chuyên môn nhưng anh không nao núng nhờ vốn tiếng Nhật và kinh nghiệm làm việc phong phú với người Nhật. May mắn là doanh nghiệp đã nhìn thấy năng lực của Duy và tuyển dụng anh mà không đòi hỏi bằng cấp. Duy bảo rằng tham vọng của mình là kiếm thêm thật nhiều dự án lớn để lấy việc làm, thu nhập về cho người Việt Nam thay vì đi làm thuê cho xứ người như anh đã từng.
Kể lại những ngày gian khó, chàng trai này không hề ngại ngùng mà trái lại rất tự nhiên. Từng kỷ niệm khắc khổ lướt qua đầu anh rõ ràng như có thể sờ thấy. Những ngày đạp xe bán củi, lên đồi đào sắn hay những lúc dắt bò đi cày, ra phố phụ hồ đã trở thành hành trang đưa anh bước tới chân trời mới.
Giải thưởng dành cho nhân viên xuất sắc nhất
Với những thành tích đặc biệt, Nguyễn Trường Duy được ban lãnh đạo và 1.700 cán bộ nhân viên FPT Nhật Bản bình chọn là nhân viên xuất sắc nhất FPT Nhật Bản của năm.
Đồng thời cũng là sự ghi nhận những cố gắng của Nguyễn Trường Duy trong sự phát triển doanh nghiệp.
TTO - Mang cái nhìn đầy lạc quan về môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam, ông Yasuhiko Imai - phó chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC - cho rằng điều quan trọng nhất của một start-up chính là đam mê.
Xem thêm: mth.46474429182302202-dsu-ueirt-574-gnod-poh-nab-av-oh-uhp-iart-gnahc/nv.ertiout