Ngày 28-3, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Quy định rõ các trường hợp bị tước danh hiệu
Tại hội nghị, nhiều ĐBQH đã tập trung bàn về nội dung bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ quyết định khen thưởng.
Trong phần trình bày báo cáo về một số vấn đề về tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay một số ĐBQH đề nghị bổ sung trường hợp đã được khen thưởng nhưng sau đó bị phát hiện vi phạm quy định của Nhà nước và bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong kỳ được xét khen thưởng thì “phải bị hủy bỏ quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật và tiền thưởng”.
Tiếp thu các ý kiến, đề nghị trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý Điều 91 của dự thảo luật theo hướng: Bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ quyết định khen thưởng. Cùng với đó, quy định cụ thể hơn về các trường hợp cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà có hành vi vi phạm pháp luật, bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước. Song song cần chỉnh lý quy định cụ thể về các nội dung trên để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về vấn đề xử lý vi phạm.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh (trái), trình bày báo cáo một số vấn đề về dự thảo Luật và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình, tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị. Ảnh: quochoi.vn
Góp ý cho dự thảo luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy đề nghị nên rà soát kỹ tiêu chí được sử dụng để xem xét tước danh hiệu vinh dự nhà nước.
Cụ thể, đối với danh hiệu cho cá nhân là bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, dự thảo đang sử dụng tiêu chí đánh giá về tội danh và mức hình phạt rất cao. Theo đó, “phạm tội thuộc một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội khác bị hình phạt tù chung thân, tử hình” thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.
Trong khi đó, đối với các danh hiệu khác như nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ ưu tú, thầy thuốc ưu tú…, dự thảo luật đang sử dụng yếu tố “lỗi cố ý” và loại hình phạt là phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu.
Đối với pháp nhân thương mại, pháp nhân chỉ bị tước danh hiệu khi bị đình chỉ vĩnh viễn.
“Đang có sự thiếu công bằng trong việc xử lý giữa cá nhân và tập thể; giữa các tập thể; giữa loại danh hiệu mà chưa có giải trình chặt chẽ” - bà Thủy nhận định.
Bà Thủy cho rằng tiêu chuẩn “phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, phạm tội khác với hình phạt chung thân tử hình” là quá cao, ít xảy ra, mức độ răn đe thấp. Trong khi với các danh hiệu như nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ, nghệ nhân... chỉ từ phạm tội có lỗi cố ý và phạt tù có thời hạn trở lên đã mất danh hiệu là quá nghiêm khắc. Và tiêu chuẩn tước danh hiệu với pháp nhân cũng là chưa phù hợp. “Cần nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, điều chỉnh Điều 91 để bảo đảm tính phù hợp hơn” - bà Thủy đề nghị.
Xử lý nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn trên mạng
Trong khi đó, ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tây Ninh) đề nghị bổ sung quy định thu hồi danh hiệu của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân không còn xứng đáng hoặc vi phạm chuẩn mực đạo đức, tiêu chuẩn xã hội hiện hành.
Theo ĐB Thúy, thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc khiến dư luận rất bức xúc, phản cảm của một số nghệ sĩ nhất là trên môi trường mạng xã hội. “Điều này kéo đến sự lệch chuẩn trong nhận thức về văn hóa” - bà nói và cho rằng đến lúc thu hồi danh hiệu đã phong tặng cho các nghệ sĩ lệch chuẩn, để buộc họ có trách nhiệm gìn giữ các danh hiệu cao quý mà họ nhận được.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng là vấn đề được “thiết kế đi, thiết kế lại” rất nhiều lần. “Hôm nay, các ĐB vẫn chưa hài lòng lắm, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện để làm sao xử lý vấn đề vi phạm trong thi đua, khen thưởng một cách thuận tiện hơn, kịp thời hơn và đúng hơn” - bà Trà nói.•
Công tới đâu khen thưởng tới đó, tránh cộng dồn thành tích Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu một số điểm mới của dự thảo luật. Theo đó, dự thảo luật là bước thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành. Dự thảo luật có tám nhóm, điểm mới chủ yếu là: Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu khen đến đó, đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây. Các nhóm, điểm mới cũng nhằm đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua. |