Các em học sinh ở tỉnh Trà Vinh vui chơi, đọc sách, học tập tại thư viện cộng đồng
Việc làm hai thư viện cộng đồng ở tỉnh Lâm Đồng, Trà Vinh; mang sách miễn phí đến học sinh và người dân; đưa các chương trình giáo dục chất lượng tiến bộ về vùng quê của anh Phạm Văn Anh (36 tuổi) đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch cấp bằng khen vì sự nghiệp phát triển văn hóa đọc năm 2021.
Tuổi Trẻ trò chuyện với kỹ sư điện tử 36 tuổi này về hành trình gắn với các hoạt động phát triển xã hội mà anh cho rằng đó không phải là đam mê, mà là sống thực sự.
Lời hứa trong tim
* Duyên cơ nào khiến anh rời mức lương cao ở Singapore để về VN làm thư viện cộng đồng?
- Có hai câu chuyện để dẫn đến ý nghĩ này khi tôi 18 tuổi và 22 tuổi. Năm 18 tuổi, lần đầu tiên xuất ngoại, tôi căng thẳng khi nghĩ về thách thức trong 4 năm học.
Vô tình xem một phóng sự có một cô gái người nước ngoài xây một trại trẻ mồ côi cho các em tại VN, lúc đó tôi lấy điện thoại quay phim lại. Trong video tôi nói rằng sẽ nỗ lực để tốt nghiệp rồi quay về thành lập ngôi nhà mở cho các em. Lời hứa tự trong tim đó bây giờ là mô hình thư viện cộng đồng.
Năm 22 tuổi, khi đang là kỹ sư điện tử, tôi đọc tin một sinh viên khóa sau tôi ở cùng trường đại học, người Singapore, dẫn một đoàn học sinh Singapore qua Thái Lan để thực hiện các chương trình cộng đồng.
Tôi chợt nghĩ tại sao mình không về nước vì VN có nhiều vùng nghèo hơn ở Thái Lan? Tôi lên mạng tìm kiếm cô bạn đó, gửi lời mời kết nối đưa học sinh sinh viên về VN. Chuyến đầu tiên tôi đưa các bạn về làng Hữu Nghị ở Hà Nội, nơi nuôi dưỡng các trẻ em nhiễm chất độc màu da cam.
Tôi nhận ra đây là mô hình giáo dục hay. Càng tìm hiểu tôi lại càng say mê nó và quyết định nghỉ việc để về VN.
* Hoạt động phát triển cộng đồng, xã hội rất muôn màu, tại sao anh chọn giáo dục? Giáo dục gắn thư viện cộng đồng cụ thể là gì?
- Nhiều năm hoạt động phát triển cộng đồng tại các vùng quê, tôi thấy trẻ em nông thôn rất thông minh, sáng dạ, nhanh nhạy. Thế nhưng con đường học tập với nhiều em đáng tiếc là không đi được đến cùng. Tôi nhận ra rằng con đường phát triển, hỗ trợ bền vững chỉ thông qua giáo dục mà thôi.
Từ trải nghiệm ở vùng nông thôn Thái Lan, Bangladesh, Bhutan và những quốc gia khác mà tôi đến tham gia học tập, tôi phát triển nên mô hình thư viện cộng đồng. Thư viện cung cấp các chương trình tiếng Anh; chương trình giáo dục công nghệ như STEM, kiến thức IT nền tảng; các chương trình trải nghiệm, hướng nghiệp, kỹ năng... với WiFi, laptop, máy tính bảng...
Ở thư viện cộng đồng phát triển hai chương trình đọc sách: đọc offline tại thư viện và đọc online với sự hướng dẫn của cán bộ thư viện, tình nguyện viên chuyên môn. Ngoài ra, thư viện cung cấp thêm các khóa học dành riêng cho học sinh có thế mạnh.
Thư viện cộng đồng có sách vở, một phòng học đa chức năng với máy chiếu, tivi, máy tính, một sân chơi ngoài trời cho trẻ, một vườn rau và cây xanh để kết nối với thiên nhiên, một nhà sinh hoạt cộng đồng để bà con tổ chức các hoạt động tinh thần làng xã.
* Trên hành trình dài cam go như vậy anh hẳn gặp phải muôn vàn khó khăn. Anh đã vượt qua như thế nào?
- Thách thức thì nhiều vô cùng. Tài chính luôn là câu chuyện ban đầu của tất cả chương trình phát triển cộng đồng. Nhưng với tôi đó không phải là khó khăn nhất, thách thức lớn nhất là tạo được niềm tin.
Tôi đã dành gần hai năm trời để trình bày và thuyết phục các cấp chính quyền địa phương về mô hình thư viện cộng đồng và cũng từng ấy năm để đi chia sẻ và thuyết phục bà con, các em, các cơ sở giáo dục tại địa phương về mô hình cũng như tác động của thư viện cộng đồng.
Có những lúc thách thức khó khăn dồn dập liên tục đến mức tôi suy nghĩ nên dừng lại, bởi vì không ai ép mình phải làm điều này và mình không có trách nhiệm. Nhưng lại nghĩ nếu dừng lại thì thiệt thòi lớn nhất là các em và bà con vùng nông thôn. Thế là tôi lại tiếp tục.
Các em học sinh ở tỉnh Trà Vinh vui chơi, đọc sách, học tập tại thư viện cộng đồng
Giá trị sống
* Vậy mà đã qua sáu năm. Từ những dấn thân, có những câu chuyện thực tế nào anh luôn nhớ đến?
- Sáu năm hoạt động thư viện, chỉ có một thứ duy nhất mà tôi cảm nhận và thấy được là sự thay đổi của cộng đồng là niềm tin, tình cảm của cộng đồng dành cho thư viện.
Ví dụ như đã có phụ huynh từng đem con mình đến để nhờ thư viện hỗ trợ, giúp con thích học trở lại, đặc biệt là môn tiếng Anh. Hay nhà trường liên hệ để nhờ thư viện hỗ trợ dạy cho các em bị mất căn bản các môn học. UBND địa phương nhờ thư viện cộng đồng mở lớp học tin học cơ bản cho các cán bộ ấp...
* Vậy còn phát triển văn hóa đọc thì sao? Có những câu chuyện nào thôi thúc anh gắn bó với công việc?
- Văn hóa đọc là một hành trình lâu dài và cần kiên nhẫn. Không phải có sách là tự nhiên có sự đọc. Cho nên khi xây dựng thư viện cộng đồng, tôi đã luôn quan điểm nó cần thời gian và sự kiên nhẫn.
Ngay cả trong thiết kế của thư viện, tôi cho xây dựng một sân chơi ngoài trời từ vật liệu tái chế, rồi các hoạt động vui chơi khác để ban đầu kéo các em vào thư viện sinh hoạt trước, rồi sau đó mới hướng các em đến câu chuyện đọc sách.
Tôi triển khai rất nhiều chương trình khác nhau để thúc đẩy văn hóa đọc, như kết hợp với các bạn chăm chỉ để tạo ra một cộng đồng hỗ trợ; xây dựng các trò chơi đố vui; mang sách từ thư viện đến trường học (thư viện di động) và tổ chức tại các buổi sinh hoạt đầu giờ; khuyến khích đọc sách và trao thưởng hằng tháng; các chương trình đọc sách từ các bạn tình nguyện viên...
Các em học sinh đã bắt đầu đến thư viện để mượn sách đọc và số lượng mượn sách ngày càng tăng. Có những hôm sau 7h tối, các em nhỏ vẫn vào thư viện để sử dụng laptop, WiFi học bài và tham gia các lớp học online khác. Những hình ảnh ấy luôn hiện lên trong đầu, đó là năng lượng cho tôi.
* Nếu không vì đam mê chắc chắn không ai theo con đường như thế, với anh có phải vậy không?
- Đến nay tôi đã trực tiếp xây dựng và quản lý hai thư viện cộng đồng ở Trà Vinh phục vụ cho một xã với dân số 15.000 người và ở xã miền núi tại Lâm Đồng phục vụ cho một xã 3.000 người. Toàn bộ kinh phí vận hành và xây dựng đều do tôi thực hiện. Kinh phí đến từ nguồn đóng góp của bạn bè, cộng đồng và gia đình đóng góp, ở đâu có nguồn tài trợ là mình đến xin.
Ban đầu tôi nghĩ đó là đam mê của mình. Nhưng giờ tôi lại không nghĩ vậy, mà nó giống như giá trị sống của mình. Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc khi mang lại những điều tốt đẹp, những hỗ trợ thiết thực, mang lại nụ cười cho người khác.
Năm 2004, Phạm Văn Anh tốt nghiệp Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) và nhận học bổng ASEAN cho 4 năm ngành kỹ sư điện tử. Năm 2008 anh tốt nghiệp Trường ĐH Kỹ thuật Nanyang Singapore và làm kỹ sư tại Singapore, một năm sau
bắt đầu thực hiện các chương trình học tập thông qua phục vụ cộng đồng. Tháng 8-2011 anh đại diện thanh niên VN tham dự Hội nghị thanh niên thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuối năm 2011, Phạm Văn Anh nghỉ việc tại công ty chuyên sản xuất chip cho các hãng điện tử lớn để tìm hiểu công tác cộng đồng. Đến năm 2016, anh nhận học bổng học thạc sĩ chính sách công của Trường Lý Quang Diệu, ĐH Quốc gia Singapore.
Một năm sau anh tốt nghiệp thạc sĩ và trở về nước tạo mô hình thư viện cộng đồng, mô hình giáo dục Service-Learning (Học tập thông qua phục vụ cộng đồng).
Hiện nay Phạm Văn Anh quản lý doanh nghiệp xã hội ECO Vietnam Group chuyên về các dự án cộng đồng và giáo dục học sinh, sinh viên.
* Bà Bùi Trân Phượng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, TP.HCM - người từng mời Phạm Văn Anh về để phát triển mô hình học tập qua phục vụ cộng đồng) nhận xét:
"Việc vận động, tổ chức đọc sách ở thành thị đã khó, anh Phạm Văn Anh tổ chức được ở nông thôn xa xôi thì chứng tỏ anh làm việc hiệu quả, kiên trì.
Khi tôi còn ở Trường ĐH Hoa Sen, tôi sẵn lòng ủng hộ hợp tác với anh, bởi anh có quan tâm sâu sắc lâu dài với giáo dục. Anh không chỉ làm cho cộng đồng mà giáo dục cho thanh niên biết vì cộng đồng".
* Ông Lâm Thanh Tuấn (chủ tịch UBND xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh - người chứng kiến anh Phạm Văn Anh đã 7 năm xây dựng thư viện cộng đồng ở địa phương) cho biết:
"Từ khi có hoạt động cộng đồng của anh Anh về xã đã làm thay đổi, cải thiện rõ văn hóa đọc sách của học sinh ở đây. Từ thư viện mà các em được vui chơi giao lưu các văn hóa vùng miền.
Ở nông thôn như xã Phong Thạnh, khi chưa có thư viện cộng đồng, các em ít tiếp xúc sách, học tiếng Anh, văn hóa... nên công việc của anh Anh được đánh giá cao.
Anh như mang làn gió mới về địa phương trong việc phát triển văn hóa đọc, giáo dục mang tính cộng đồng".
TTO - Thầy Đặng Văn Mười (32 tuổi, giáo viên môn vật lý Trường THPT Sơn Trà, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã bỏ hơn 400 triệu đồng tiền túi mở thư viện mini để truyền cảm hứng đọc sách trong cộng đồng.
Xem thêm: mth.53373030282302202-uas-gnuv-ev-neiv-uht-gnam-ut-neid-us-yk-hna/nv.ertiout