Ngày 29-3, Tổng cục Thống kê, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I-2022.
Theo cơ quan này, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I-2021 và 3,66% của quý I-2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I-2019).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I-2022 cũng có nhiều khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I-2022 tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đăng ký vào nền kinh tế tăng 21%, trong đó vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng 34,5%.
Bên cạnh đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý II-2022 với 82,3% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I năm nay.
Trong tháng 3-2022, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa hồi phục mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,73 tỉ USD, tăng 36,8% so với tháng trước và tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỉ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12-2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý I-2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%). "Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng" - Tổng cục Thống kê nhận định.