Vắc xin mRNA đã giúp cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 218 ngày hồi phục
Đây là trường hợp đầu tiên hồi phục sau thời gian nhiễm virus SARS-CoV-2 dai dẳng được công bố trên Tạp chí Miễn dịch học Lâm sàng.
Tình trạng nhiễm virus thường có đặc trưng là cấp tính hoặc mãn tính. Các bệnh nhiễm virus mãn tính, thường không thể phát hiện được trong thời gian dài, theo trang New Atlas.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có thể bị một dạng nhiễm virus mãn tính được gọi là nhiễm trùng dai dẳng.
Trường hợp này, virus trong cơ thể bệnh nhân vẫn hoạt động mạnh suốt nhiều tháng và phát tán lây nhiễm.
Một nghiên cứu mới từ các nhà nghiên cứu ở Anh, báo cáo về trường hợp của một người đàn ông 37 tuổi tên Ian Lester, người đã bị nhiễm SARS-CoV-2 dai dẳng, liên tục cho kết quả xét nghiệm PCR dương tính trong 218 ngày. Anh Lester mắc căn bệnh hội chứng suy giảm miễn dịch di truyền hiếm gặp (Wiskott-Aldrich). Ban đầu anh biểu hiện các triệu chứng COVID-19 rất nhẹ.
Anh Lester nói: "Mặc dù hầu hết mọi người có thể âm tính với virus SARS-CoV-2 sau 10 ngày nhiễm, nhưng tôi là một ngoại lệ. Nhiều tháng trôi qua không thể có kết quả âm tính , tôi cảm giác như cả đời không thể đi đâu gặp bạn bè hoặc gia đình".
Theo thời gian, các triệu chứng bệnh của anh Lester trở nên tồi tệ hơn.
Tiến sĩ Stephen Jolles, trưởng nhóm lâm sàng tại Đại học Cardiff (Anh) cho rằng đã đến lúc thử một phương pháp điều trị khác hơn.
Nhóm nghiên cứu đã tiêm cho anh Lester 2 liều vắc xin mRNA COVID-19 của Pfizer, cách nhau khoảng 4 tuần.
Trong vòng 14 ngày sau tiêm liều vắc xin thứ nhất, lượng virus trong cơ thể anh Lester giảm rõ rệt. Khoảng 6 tuần sau liều thứ hai, anh Lester đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần đầu tiên sau 218 ngày nhiễm virus này.
TTO - Dữ liệu nghiên cứu mới nhất cho thấy liều tăng cường của vắc xin COVID-19 do hãng dược SK Bioscience (Hàn Quốc) phát triển 'có khả năng bảo vệ lâu dài' trước biến thể Omicron.