Sau cú sốc COVID-19, sinh viên đang dần ổn định trở lại. Ảnh chụp tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng - Ảnh: B.D
"Tôi là một sinh viên khoa Âm nhạc của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Hát, chơi đàn là nghề tôi đã theo đuổi và gắn bó với cuộc đời sau này. Nhưng sau khi nhiễm COVID-19 tôi phát hiện ra mình không hát được nữa, giọng khàn đặc", nữ sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cầm micro, giọng như bật khóc khi chia sẻ với các chuyên gia, bạn học tại một chương trình tư vấn chăm sóc sức khỏe, tinh thần sinh viên do Đoàn thanh niên ĐH Sư phạm Đà Nẵng tổ chức.
Những "căn bệnh" hậu COVID-19
Nhiều giảng viên tại trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho biết, từ khi tổ chức học trực tiếp trở lại, có những thời điểm trường này ghi nhận rất nhiều ca F0. Bởi vậy, các chương trình tư vấn, chăm sóc sức khỏe và tinh thần liên quan đến COVID-19 được các giảng viên tại ĐH Sư phạm tổ chức, thu hút nhiều sinh viên tìm tới chia sẻ.
Tại một chương trình tham vấn do Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm Đà Nẵng tổ chức, một sinh viên tại khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm kể rằng bạn phát hiện mình bị nhiễm COVID-19 cuối năm 2021. "Lúc đó mình thấy mình như tội đồ, đi đâu cũng bị kì thị. Sau khi khỏi bệnh, sức khỏe mình yếu hẳn, hay cáu gắt, tóc rụng ào ạt…", nữ sinh viên này chia sẻ.
Sinh viên ĐH Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ kỹ năng ứng phó với đại dịch tại một chương trình tham vấn tâm lý học đường - Ảnh: B.D
Trong khi một "cựu F0" nói rằng mình sụt mất 4kg thì một sinh viên khác lại kể rằng bạn đã "không nhận ra mình" sau khi dương tính. "Mình tăng tới 5kg, béo trùng trục. Mình ngại tiếp xúc với bạn bè", nữ sinh viên nói.
Hoàng Phúc - sinh viên khoa Hóa, ĐH Sư phạm Đà Nẵng - bày tỏ nỗi lo âu về tương lai khi một số hoạt động học tập phải thay đổi do dịch. Phúc cảm thấy khó đạt được mục tiêu học tập đã đề ra ban đầu khi trước những thay đổi từ học trực tiếp với trực tuyến.
"Việc học của mình đã ảnh hưởng rất nhiều, mình đã thấy mình như bị hụt chân, không biết rồi sau này khi tốt nghiệp ra trường sẽ thế nào. Tình hình khó khăn như vậy thì có xin được việc làm không", Phúc trăn trở.
Nhìn tích cực, nghĩ tích cực thì kết quả sẽ tích cực
Trực tiếp lắng nghe những tâm tư của sinh viên, nhiều chuyên gia đến từ Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho rằng thường ngày sinh viên đã mệt mỏi với nhiều áp lực, từ học tập tới chi tiêu hàng tháng. Đại dịch như cú giáng mạnh làm sinh viên lao đao.
TS Lê Thị Lâm - Khoa Tâm lý giáo dục, ĐH Sư phạm Đà Nẵng - cho biết khi nhận thấy một lượng lớn sinh viên gặp ảnh hưởng vì dịch, đặc biệt là sinh viên khó khăn, các trường đại học đã tìm cách hỗ trợ.
Sinh viên Đà Nẵng trình bày các vấn đề gặp phải khi bị dương tính với COVID-19 - Ảnh: B.D
Nhiều trường ĐH tại Đà Nẵng như ĐH Kinh tế, ĐH Bách khoa đã huy động Đoàn thanh niên, Công đoàn, Phòng Công tác sinh viên và các giảng viên vào cuộc để hỗ trợ sinh viên bằng vật chất, tinh thần.
Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng chỉ đạo trực tiếp các khoa, phòng phát huy vai trò để trợ giúp sinh viên diện nhiễm COVID-19 và cả chưa nhiễm, trong khi đó từ khi dịch bùng lên, phòng tham vấn tâm lý tại trường này luôn mở cửa, sáng đèn để đón sinh viên vào chia sẻ.
TS Lê Thị Lâm - giảng viên Khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm Đà Nẵng - chia sẻ kỹ năng ứng phó với đại dịch cho sinh viên - Ảnh: B.D
"Chúng tôi tạo môi trường chia sẻ để các em được lắng nghe, qua đó cung cấp các kỹ năng, kỹ thuật để cân bằng tâm lý như hít thở đúng cách, kỹ thuật giảm căng thẳng, tư duy tích cực, tự tin để chia sẻ nỗi lo âu. Từ những tham vấn của các thầy cô sẽ phần nào giúp các em thấy thoải mái và tìm được sự cân bằng cho chính mình", TS Lâm nói.
Lạc quan và nghĩ về phía trước
"Một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ. Trong bất cứ liệu trình can thiệp nào, giữ cho tinh thần lạc quan vẫn là phương thuốc hiệu quả nhất để đưa cơ thể cân bằng trở lại. Chúng ta có thể nghĩ rằng đại dịch là vấn đề của cả nhân loại, không riêng sinh viên mà loài người đang phải đối diện những thứ chưa từng có tiền lệ.
Do đó, chính sinh viên phải là những người tiên phong nghĩ tích cực, làm tích cực, học tập với tinh thần tích cực, tập trung vào những điểm mạnh để tìm giải pháp thay vì chỉ nghĩ đến những khó khăn.
Ảnh hưởng của dịch bệnh chỉ là vấn đề trong ngắn hạn, hãy giữ ổn định cho chính mình bằng cách lắng nghe cơ thể, chăm sóc bản thân nhiều hơn, mạnh dạn chia sẻ với mọi người, tương tác nhiều hơn với các hoạt động cộng đồng để được trao và đón nhận những yêu thương nhiều hơn", TS Lê Thị Lâm chia sẻ.
TTO - Từ ngày 19-5-2022, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên sẽ tăng từ 2,5 triệu đồng/tháng lên 4 triệu đồng/tháng.
Xem thêm: mth.60805625192302202-91-divoc-meihn-ihk-uas-hnim-hnihc-ial-nahn-neiv-hnis-puig/nv.ertiout