Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, hiện nay qua công tác rà soát, trên địa bàn toàn tỉnh có 965.937 nhà ở hộ gia đình riêng lẻ; 34.197 nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Trong đó, loại hình nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chứa nhiều hàng hóa, nhà thường được xây dựng theo dạng nhà ống, chỉ có một lối thoát nạn duy nhất, ban công được cơi nới và quây bằng lồng sắt “chuồng cọp” rất kiên cố. Thậm chí nhiều gia đình còn cho thuê hoặc đóng biển quảng cáo, biển hiệu bên ngoài; nhiều gia đình để hàng hóa ở khu vực cơi nới… tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy, nổ. Có 24.055 tổng số hộ gia đình không đảm bảo tối thiểu 2 lối thoát nạn. Khi xảy ra cháy, nếu không kịp thời xử lý dễ gây cháy lan, cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức tuyên truyền để người dân tự nguyện tháo dỡ chuồng cọp, tạo lối thoát hiểm, phòng cháy chữa cháy |
Trước thực trạng trên, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây cháy, nổ, đồng thời bảo đảm các điều kiện về thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, từ cuối năm 2021 đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, thành phố đã đồng loạt ra quân, vừa phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tự giác dỡ bỏ phần lồng sắt bịt kín lối thoát nạn phía sau, phía trên nhà ở, mở lối thoát nạn thứ 2 và tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để nâng cao khả năng sinh tồn khi xảy ra cháy, nổ.
Đến nay, sau khoảng 3 tháng triển khai thực hiện đã có 22.699 hộ gia đình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chủ động tháo dỡ chuồng cọp, tạo lối thoát nạn thứ 2, đạt tỷ lệ 94.26%; 72.015 hộ trang bị phương tiện PCCC và CNCH. Tổ chức kiểm tra và cho 100% nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC; tổ chức kiểm tra và cho 93.4% các hộ nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC.
Thượng tá Đào Đức Quý – Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết thêm: Điều quan trọng là qua công tác tuyên truyền, vận động của lực lượng Công an và cấp ủy, chính quyền địa phương, nhận thức và trách nhiệm của người dân trong công tác bảo đảm an toàn PCCC đã được nâng lên rõ rệt. Các hộ gia đình, nhất là các hộ nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đều thấy được sự cần thiết trong việc tự trang bị các phương tiện PCCC và mở lối thoát nạn thứ 2. Vì vậy rất nhiều gia đình đã rất đồng tình và tự giác thực hiện.
* Cũng trong Tháng 3, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công an huyện Cẩm Thủy và Công an huyện Thạch Thành tổ chức tuyên truyền lưu động công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thị trấn Kim Tân huyện Thạch Thành và thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy…
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức tuyên truyền lưu động công tác Phòng cháy, chữa cháy tại Huyện Cẩm Thủy và Thạch Thành |
Với khẩu hiệu tuyên truyền “Mỗi người dân hãy chủ động học tập, tìm hiểu để có kiến thức về phòng cháy chữa cháy” và “Không để xảy ra cháy, nổ là hạnh phúc của mỗi người”, các cán bộ, chiến sỹ đội đã sử dụng hệ thống loa truyền thanh trên xe chữa cháy tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng chống cháy nổ trên các tuyến đường chính, khu dân cư, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn 2 huyện.
Bằng việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH giúp người dân, cơ sở, doanh nghiệp có nhiều hướng tiếp cận với những kiến thức về công tác phòng cháy chữa cháy. Từ đó nâng cao trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng của người đứng đầu cơ sở, quần chúng nhân dân trong công tác bảo đảm an toàn PCCC, bảo đảm tài sản, tính mạng của người dân, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC ngày càng vững mạnh.