Hãng tàu chịu chi phí tiêu hủy
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, đợt 1 có tổng cộng 357 container loại 40 feet của 10 hãng tàu được tiêu hủy từ cuối tháng 3 cho đến khi hoàn thành. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã phân công 4 tổ công tác thực hiện giám sát việc tiêu hủy.
Theo đó, toàn bộ chi phí tiêu hủy do các hãng tàu vận chuyển số phế liệu nêu trên chi trả theo quy định. Các hãng tàu đã ký hợp đồng trực tiếp với các công ty xử lý rác thải. Tổ giám sát có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ từ cảng, nơi hàng hoá đi, lập biên bản bàn giao cho công ty xử lý.
Quy trình trước khi mở container đưa hàng ra tiêu hủy, Tổ sẽ kiểm tra niêm phong (seal), giám sát đưa hàng vào tận nơi tiêu hủy. Trường hợp trong ngày chưa tiêu huỷ hết thì niêm phong lại, qua ngày hôm sau tiêu hủy tiếp. Đặc biệt, Tổ giám sát yêu cầu các công ty này phải cung cấp mật khẩu của hệ thống camera giám sát để các công chức trong Tổ có thể kiểm tra bất cứ lúc nào trong suốt thời gian được giao nhiệm vụ giám sát.
Để việc tiêu huỷ đúng quy định, đúng thời gian các công ty xử lý môi trường sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển nguyên trạng hàng hóa tiêu hủy về địa điểm tiêu hủy theo hợp đồng và biên bản bàn giao. Việc vận chuyển thực hiện trước ít nhất 1 ngày theo lịch trình tiêu hủy để tạo thuận lợi cho việc giám sát.
Theo dự kiến, trong tuần đầu thực hiện, mới có 5 container phế liệu được tiêu hủy, dự kiến đến tháng 11-2022, mới hoàn thành việc tiêu hủy số phế liệu nêu trên.
Cảng vụ Hàng hải TPHCM cũng vừa có văn bản gửi Cục Hải quan TPHCM trả lời về việc phối hợp với cảng vụ Hàng hải TPHCM cưỡng chế 6 hãng tàu không chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính của Cục Hải quan TPHCM là thực hiện tiêu hủy phế liệu nhập khẩu trái quy định.
Khó cưỡng chế các hãng tàu vận chuyển phế liệu
Mới đây, Cục Hải quan TPHCM đã có văn bản đề nghị Cảng vụ Hàng hải TPHCM căn cứ Khoản 1, Khoản 3 Điều 8 Quyết định số 35/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng biện pháp cưỡng chế, xử lý hoặc dừng việc cấp phép ra, vào cảng biển Việt Nam đối với 6 hãng tàu cho đến khi các hãng tàu nêu trên chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Hải quan theo quy định.
Tuy nhiên, Cục Hàng hải TPHCM cho rằng, đơn vị không có thẩm quyền dừng việc cấp phép ra vào cảng biển khu vực TPHCM đối với tàu thuyền thuộc 6 hãng tàu đã vận chuỷen phế liệu không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu. Cục Hàng hải TPHCM đề nghị, Cục Hải quan TPHCM căn cứ các quy định hiện hành báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải để được chỉ đạo giải quyết.
Trước đó, Năm 2018, 6 hãng tàu thực hiện vận chuyển 17 container phế liệu nhựa nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật gây ô nhiễm môi trường. Các container phế liệu này đến nay vẫn còn tồn đọng, đang được lưu giữ tại Tân cảng Hiệp Phước TPHCM.
Được biết, để xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng biển TPHCM, Cục Hải quan TPHCM đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc các hãng tàu tiêu hủy phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường.
Theo đó, các hãng tàu phải thuê đơn vị tiêu huỷ hàng hoá vi phạm đủ năng lực, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật. Mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do các hãng tàu vi phạm chi trả. Tuy nhiên, quá thời gian quy định, các hãng tàu vẫn không thực hiện quyết định của Cục Hải quan TPHCM.