Khi châu Á trở lại cuộc sống bình thường
Trong thời gian gần đây, nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã phá bỏ các quy tắc COVID-19. Những động thái này được thúc đẩy một phần bởi áp lực kinh tế và tâm lý mệt mỏi vì đại dịch đã đến đỉnh điểm. Ở Ấn Độ - nơi từng là tâm dịch hồi tháng 5/2021 - COVID-19 đã giết chết hàng trăm ngàn người nhưng nay thì có đến hàng triệu người tham dự lễ Holi. Ông S. Sivaraman - 68 tuổi, giám đốc điều hành một công ty quảng cáo ở thủ đô New Delhi - đã đến bữa tiệc Holi cùng gia đình và khoảng 100 người hàng xóm. Ông nói: “Chúng tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi được ra khỏi chiếc lồng khóa cứng, được gặp gỡ mọi người một cách thoải mái và ôm nhau”.
Việt Nam - một quốc gia thuộc ASEAN - là điểm đến yêu thích của nhiều du khách quốc tế. (Trong ảnh: Du khách nước ngoài vui chơi ở Phú Quốc) - Ảnh: Q.Thái |
Thái Lan đã dần nới lỏng các yêu cầu nhập cảnh đối với khách du lịch nước ngoài. Bali - một trọng điểm của ngành du lịch Indonesia - đã mở cửa trở lại với tốc độ nhanh hơn các khu vực khác. Đây là một trong những địa phương đầu tiên bỏ kiểm dịch đối với du khách nước ngoài.
Nhìn rộng ra, có thể thấy sự thận trọng ban đầu của New Zealand cũng đã dần gỡ bỏ. Quốc gia này hiện có kế hoạch đón du khách nước ngoài trở lại vào tháng Tư, trước nhiều tháng so với kế hoạch. Chính phủ Hàn Quốc trong tháng này cho biết sẽ nới lỏng một số biện pháp chống dịch. Tiến sĩ Jacob Lee - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hallym, Hàn Quốc - nói rằng: “Đó là điều đúng đắn và khoa học”. Nhật Bản - quốc gia đã duy trì một số quy tắc nhập cảnh chặt chẽ nhất - cũng đang xem xét loại bỏ các yêu cầu kiểm dịch đối với doanh nhân và sinh viên nước ngoài. Nhiều quốc gia Đông Nam Á đang tiếp nhận khách du lịch, bao gồm Thái Lan, Singapore, Campuchia và Việt Nam.
Tận dụng du khách trong khu vực
Đông Nam Á luôn là khu vực thu hút du khách quốc tế nhờ có những bãi biển tuyệt đẹp, cảnh quan hùng vĩ và nền văn hóa phong phú. Chính vì thế, để vực dậy nền kinh tế và du lịch trong khu vực, nhà nghiên cứu Melinda Martinus của Viện ISEAS-Yusof Ishak cho rằng, việc nhắm mục tiêu vào du lịch để thúc đẩy nền kinh tế là rất nên làm, bởi đây là lĩnh vực có tiềm năng kinh tế rất lớn.
Năm 2019, ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trên toàn cầu sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức với tổng sản phẩm quốc nội tổng hợp của mười quốc gia thành viên đạt 3,2 ngàn tỷ USD. Với các dự báo tăng trưởng kinh tế cao và các cam kết vững chắc nhằm thực hiện một thị trường mở và hội nhập, ASEAN đang trên đường trở thành nền kinh tế lớn thứ tư vào năm 2030.
Cũng trong năm 2019, người dân của sáu nước ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Việt Nam đã chi gần 90 tỷ USD cho du lịch quốc tế. Con số này gần bằng 1/3 của Trung Quốc, quốc gia chi tiêu lớn nhất trong lĩnh vực du lịch toàn cầu. Ngoài ra, theo dự đoán của các nhà kinh tế, 65% dân số trong khu vực sẽ thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030, với 60% trong số đó dưới 35 tuổi, khiến họ trở thành người tiêu dùng hoàn hảo cho thị trường du lịch quốc tế.
Trong một cuộc khảo sát gần đây do Viện ISEAS-Yusof Ishak công bố về các điểm đến yêu thích của công dân ASEAN thì Nhật Bản đứng đầu danh sách với 22,8%. Trong số những người chọn ASEAN là điểm đến yêu thích, 27,9% cho biết Singapore là lựa chọn hàng đầu của họ, tiếp theo là Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.
Thu Thanh (theo NY Times, CNA)
Xem thêm: lmth.4610641a-hcahk-ud-tuh-uht-cul-on-naesa/nv.moc.enilnounuhp.www