So với cùng kỳ năm 2021, hiện nay giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn 35%. Kéo theo đó, giá cám thành phẩm trong nước đã tăng hơn 20% trong năm vừa qua.
Đứng trước hoàn cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và các cơ quan quản lý đã cùng áp dụng hàng loạt giải pháp để hạ giá thành.
Trong 2 năm qua, nhà máy của Công ty EH Hà Tây đã phải giảm công suất xuống hơn 50% do ảnh hưởng của việc tăng giá nguyên liệu đầu vào. Hiện nay mỗi ngày, doanh nghiệp chỉ sản xuất khoảng 100 tấn cám các loại.
Để có thể hoạt động được như hiện nay, doanh nghiệp đã đưa cám mì, bã sắn trong nước vào thay thế cho nguyên liệu nhập khẩu để giảm giá cám thành phẩm nhiều nhất có thể.
So với cùng kỳ năm 2021, hiện nay giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn 35%. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Trong cơ cấu thành phần thức ăn chăn nuôi, các loại nguyên liệu như cám mì hay bã sắn chỉ chiếm khoảng 10%, nên dù đã thay thế bằng nguyên liệu trong nước, giá thành thức ăn chăn nuôi bán ra cũng không giảm được nhiều, chỉ giảm được từ 3 - 5%.
"Nếu tăng theo giá nguyên liệu, giá lên rất cao, nhưng công ty cũng đã hỗ trợ cho người dân rất nhiều, tăng ở mức thấp nhất để người nông dân vẫn có thể chăn nuôi được, không bị chịu lỗ nhiều", bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc kỹ thuật Công ty EH Hà Tây, cho biết.
Công ty FDC Việt Nam là một trong số ít doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ còn hoạt động được vào lúc này, nhờ vào việc doanh nghiệp đã may mắn ký được hợp đồng thu mua dài hạn với các đối tác nước ngoài với mức giá cũ. Hiện nay, doanh nghiệp cũng đang phải chịu lỗ để chia sẻ cho các đối tác là doanh nghiệp chăn nuôi.
Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương có rất nhiều nhóm giải pháp tập trung vào tăng cường diện tích canh tác vùng nguyên liệu, đặc biệt là trồng các giống mới cho năng suất cao, đưa thêm vào công thức thêm các loại dưỡng chất.
"Viện chăn nuôi đã nghiên cứu, xây dựng nhiều mô hình sử dụng phần mềm, tạo công thức thức ăn cho từng đối tượng vật nuôi. Với cách làm này, giá thức ăn chăn nuôi giảm từ 300 - 1.000 đồng/kg, được áp dụng không những ở hộ nông dân mà ở nhiều trang trại", Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết.
Trong giai đoạn khó khăn này, ngoài việc đưa ra các nhóm giải pháp, việc quan trọng hơn cả là các doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất thức ăn chăn nuôi phải cùng nhau liên kết giữ giá bán ở mức hợp lý, nhằm chia sẻ với các doanh nghiệp, hộ nông dân, tăng cường vào đàn để duy trì nguồn cung thực phẩm trong nước.
VTV.vn - Hiện ngành chăn nuôi vẫn đang xoay xở tìm nguồn nguyên liệu trong nước, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi, nhằm đẩy mạnh khôi phục sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.31452750103302202-ioun-nahc-na-cuht-aig-teihn-ah-pahp-iaig/et-hnik/nv.vtv