Tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/3, liên quan những sai phạm trong việc phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà trong thời gian qua, phía Bộ Công Thương khẳng định - do thời gian thực hiện khuyến khích và đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà rất ngắn, nên Bộ chưa có điều kiện để kiểm tra đồng bộ, chấn chỉnh kịp thời.
Cụ thể, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - cho biết thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đã tham mưu khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời. Đồng thời có hướng dẫn trên phạm vi toàn quốc.
"Tuy nhiên, thời gian ban hành quyết định chỉ đến cuối năm 2020 do đó nảy sinh một số bức xúc, vướng mắc. Vì điện mặt trời tập trung phát triển tại một số địa phương có ưu thế về đất cát, ánh sáng như khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ", ông Hùng nói.
Ngày 9/2/2021, Văn phòng Chính phủ có thông báo yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp UBND các tỉnh, EVN kiểm tra, rà soát các dự án điện này. Theo đó, ngày 5/3/2021 Bộ có quyết định thành lập đoàn kiểm tra và 15/3 chính thức có thông báo kiểm tra trên 10 tỉnh.
Theo ông Hùng, Đoàn đã tiến hành kiểm tra đợt 1 từ tháng 3 – tháng 5 để tiến hành báo cáo. Sau đó, thành lập đoàn 2 để có đánh giá tổng thể. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã dừng hoạt động của đoàn 2.
Về quá trình kiểm tra 10 tỉnh, ông Hùng cho biết, do không có nhiều thời gian mỗi tỉnh chỉ có 4 ngày kiểm tra xác suất một số dự án và chỉ tập trung kiểm tra điện mặt trời trên mái nhà.
“Kết quả có hiện tượng quá tải, thậm chí tại thời điểm có nhiều dự án chỉ lắp được 1/3 hoặc một nửa do thiếu nhiều tấm pin", ông Hùng nói và cho biết một số nguyên nhân khác EVN đã tổ chức kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Về trách nhiệm của các đơn vị, ông Hùng cho biết trong Quyết định 13 và Thông tư 18 của Bộ Công Thương, điện mặt trời mái nhà chỉ có công suất dưới 1 MW đấu nối vào lưới điện phân phối dưới 35 kV và phải lắp trên mái các công trình xây dựng. EVN sẽ căn cứ các quy định để thỏa thuận đấu nối vào lưới điện.
"Theo quy định Luật Xây dựng, Bộ Công Thương không có thỏa thuận về quy hoạch. Bộ chỉ tổ chức, phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn để triển khai và thực hiện kiểm tra, giám sát... Tuy nhiên vì thời gian thực hiện quy định rất ngắn, từ 17/7 đến 31/12/2021 chúng tôi chưa kịp kiểm tra, chấn chỉnh trong quá trình thực hiện", ông Hùng cho hay.
Nói thêm về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vấn đề sai phạm điện mặt trời mái nhà, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh trong thực hiện quy hoạch cũng như lĩnh vực năng lượng tái tạo thời gian qua vẫn còn tồn tại bất cập, chính vì vậy nhiều cơ quan có thẩm quyền đã kiểm tra và có kết luận.
Bộ Công Thương đã thực hiện nghiêm túc theo các kết luận những sai sót cần sửa trong lĩnh vực này, bất kể tập thể cá nhân nào vi phạm Bộ sẽ thực hiện đúng theo kết luận đó.
Liên quan việc rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương chỉ rõ một loạt các sai phạm trong việc thực hiện các dự án điện mặt trời mái nhà.
Trong đó, hàng loạt các công ty điện lực có các sai phạm như ký hợp đồng mua bán điện có công suất vượt quá công suất trong thỏa thuận đấu nối, trái với quy định của Bộ Công Thương; thỏa thuận, chấp thuận đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà gây quá tải hệ thống điện là trái quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Thỏa thuận đấu nối điện mặt trời mái nhà vượt quá thời hạn quy định; chấp thuận đấu nối, đưa vào vận hành, ký hợp đồng mua bán điện trong khi đã xác định tình trạng quá tải lưới điện và yêu cầu khách hàng cam kết cắt giảm công suất khi lưới điện quá tải - trái quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ các biên bản làm việc của đoàn kiểm tra tại những dự án điện mặt trời mái nhà, Bộ Công Thương cho rằng, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk và Tp. Hồ Chí Minh chưa quản lý, theo dõi, kiểm tra kịp thời hoạt động liên quan đến điện mặt trời tại địa phương theo thẩm quyền.
Cụ thể, một số hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của công trình, dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế, đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021, nhưng tại thời điểm kiểm tra chưa có giấy phép xây dựng, văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp trên mái của trang trại nông nghiệp (chăn nuôi hoặc trồng trọt...), đã đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021, nhưng hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai của các trang trại nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định.