Trung Quốc (TQ) đã duy trì một trong những hệ thống kiểm soát dịch nghiêm ngặt nhất thế giới và kiểm soát hiệu quả sự lây lan dịch bệnh này đến tháng 2. Sang tháng 3, nước này ghi nhận ít nhất 56.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây dịch COVID-19, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Dù đây là con số nhỏ so với phần còn lại của thế giới, nhưng đây lại là đợt bùng phát lớn nhất tại TQ kể từ lần đầu tiên mầm bệnh được phát hiện ở TP Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, cách đây hơn hai năm.
Nhân viên chuyển thực phẩm vào một khu vực bị phong tỏa ở Thượng Hải. Ảnh: AP
“Bãi thử nghiệm” mới cho chiến lược zero-COVID
Hiện biến thể phụ BA.2 của Omicron có khả năng lây lan cao đang là tác nhân thúc đẩy làn sóng nhiễm COVID-19 mới nhất ở TQ, trong đó TP Thượng Hải và tỉnh Cát Lâm ở khu vực đông bắc nước này là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thượng Hải, thành phố đông dân nhất đồng thời là trung tâm tài chính của TQ, đã trở thành “bãi thử nghiệm” mới cho chiến lược zero-COVID của nước này. Trước khi xảy ra làn sóng dịch mới, Thượng Hải chưa từng ra lệnh phong tỏa hoặc hạn chế giao thông công cộng. Ủy ban Y tế Quốc gia TQ (NHC) đã đánh giá cao công tác chống dịch ở Thượng Hải.
Tuy nhiên, chính quyền thành phố này mới đây quyết định tiến hành phong tỏa theo 2 giai đoạn, trong đó chia thành 2 khu vực, lấy sông Hoàng Phố làm mốc để tiến hành xét nghiệm toàn dân. Cụ thể, một nửa Thượng Hải, bao gồm các quận phía đông và một số quận phía tây sông Hoàng Phố với khoảng 11 triệu dân, bị phong tỏa từ ngày 28-3 đến 1-4. Nửa còn lại, với khoảng 14 triệu dân, sẽ bị đặt trong tình trạng tương tự từ ngày 1-4 đến 5-4, theo SCMP.
Trong đợt phong tỏa và xét nghiệm dự kiến kéo dài 9 ngày, giao thông công cộng, bao gồm cả các dịch vụ gọi xe công nghệ, tại những khu vực này sẽ bị ngừng trong quá trình phong tỏa và các phương tiện không được lưu thông trên đường nếu không được cho phép. Ngoài ra, tất cả các công ty và nhà máy cũng phải dừng sản xuất hoặc làm việc từ xa, trừ các công ty cung cấp dịch vụ công hoặc thực phẩm, hãng Reuters đưa tin.
Thượng Hải đã quyết định chi 140 tỉ nhân dân tệ (tương đương 22 tỉ USD) miễn giảm thuế phí giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong thời gian phong tỏa. Khoản chi này nằm trong 21 biện pháp hỗ trợ được chính quyền thành phố này đưa ra hôm 29-3.
Tờ The Times of India dẫn ước tính của một chuyên gia kinh tế tại Đại học Trung văn Hong Kong ước tính các cuộc phong tỏa ở TQ có thể khiến nước này chịu thiệt hại ít nhất 46 tỉ USD sản lượng kinh tế mỗi tháng, tức khoảng 3,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của TQ. Tác động có thể tăng gấp đôi nếu có thêm thành phố ở nước này siết chặt các hạn chế. Ước tính này dựa trên giả định rằng các thành phố tạo ra khoảng 20% GDP của TQ hiện đang áp đặt các đợt phong tỏa có mục tiêu để phòng chống COVID-19.
TQ cần chiến lược bền vững hơn
Ngày 30-3, SCMP đăng tải một bài xã luận của hãng thông tấn nhà nước TQ Tân Hoa Xã, trong đó tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh với một “chiến lược zero COVID năng động”. Theo SCMP, bài xã luận có vẻ như “đặt dấu chấm hết” cho các đề xuất rằng nước này nên cố gắng sống chung với COVID-19 sau khi một đợt lan rộng biến thể Omicron trên toàn TQ gây nghi ngờ về chiến lược chống dịch lâu dài của Bắc Kinh, bao gồm phong tỏa hàng loạt, xét nghiệm và truy vết tiếp xúc.
Bài xã luận nói rằng chính ông Tập là người đã vạch ra chính sách và lãnh đạo việc thực hiện chiến lược “zero COVID”, kiểm soát và ngăn chặn tối đa dịch bệnh COVID-19. “Kể từ khi công tác phòng chống dịch trở thành thông lệ, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đích thân chỉ đạo triển khai công tác phòng chống dịch và thiết lập chiến lược chung để ngăn chặn các ca bệnh nhập khẩu và bùng phát nội bộ cũng như chính sách tổng thể zero-COVID năng động” - xã luận viết.
Nỗ lực đó đã dẫn đến việc các dịch vụ vận tải bị ngừng trệ cùng hàng chục triệu người phải ở nhà khiến các hoạt động kinh tế bị gián đoạn. Hầu hết người nước ngoài vẫn bị cấm nhập cảnh TQ, và những người TQ trở về có thể phải đối mặt với 28 ngày cách ly trong khách sạn.
Mặc dù vậy, theo bài xã luận của Tân Hoa Xã, chiến lược tổng thể zero-COVID vẫn tiếp tục được duy trì. “Từ đầu đến cuối, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc đặt con người lên trên hết và đặt tính mạng lên trên hết. Chúng ta phải tuân thủ chiến lược zero-COVID chính xác về mặt khoa học và năng động nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh càng sớm càng tốt” – Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập nói.
Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng TQ cuối cùng sẽ cần một chiến lược từ bỏ zero-COVID và sống chung với virus. Nói như ông Vương Hạ Thắng, Phó chủ nhiệm NHC, dịch COVID-19 ở Hong Kong đã dạy cho TQ “một bài học đặc biệt sâu sắc”. Sau hai năm kềm dịch ở mức gần bằng 0 thông qua các biện pháp kiểm soát biên giới hà khắc, làn sóng dịch mới nhất đã đẩy tỉ lệ tử vong ở Hong Kong lên mức cao nhất trên thế giới. Nguyên nhân chính là do tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi thấp.
Theo thống kê của Financial Times, hơn 130 triệu người từ 60 tuổi trở lên ở TQ không được tiêm chủng đầy đủ. Giải quyết điều này là quan trọng nếu TQ muốn sống chung với virus. Theo các chuyên gia, bước cần thiết đầu tiên đối với TQ là nước này phải tuyên bố sẽ chấm dứt chính sách zero-COVID vào ngày nào đó trong tương lai, qua đó tạo động lực cho việc thúc đẩy công tác tiêm chủng.