Theo phân tích toàn diện của nhóm nghiên cứu InfluenceMap có trụ sở tại London (Anh), nhiều ngân hàng trên toàn cầu đã tài trợ 742 tỷ USD cho các công ty than, dầu và khí đốt vào năm ngoái. Điều này đã đi ngược lại với các cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon gây biến đổi khí hậu của họ.
Việc tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch vẫn được dẫn đầu bởi bốn ngân hàng của Mỹ, nhiều nhất là JPMorgan Chase, tiếp theo là Wells Fargo, Citi và Bank of America, theo báo cáo hàng năm của Tổ chức môi trường Rainforest Action Network (RAN). Tất cả bốn ngân hàng này đều là thành viên của Liên minh ngân hàng Net-Zero, một phần của Liên minh tài chính Glasgow. Nhóm đã đưa ra cam kết trị giá 130 tỷ USD tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Glasgow vào tháng 11 về việc "cai nghiện" nhiên liệu hóa thạch.
Nhìn chung, 60 ngân hàng lớn nhất thế giới trong năm 2021 đã đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch ít hơn một chút so với mức 750 tỷ USD được ghi nhận vào năm 2020, báo cáo của RAN cho thấy. Họ đã cung cấp tổng cộng 4,6 nghìn tỷ USD kể từ khi Thỏa thuận Paris được ký kết vào năm 2016, đạt đỉnh vào năm 2019 là 830 tỷ USD.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã làm gia tăng nhu cầu sản xuất than, dầu và khí đốt trong ngắn hạn. Tổng số tiền mà các ngân hàng đầu tư vào năm 2021 để sản xuất nhiên liệu hóa thạch đã giảm xuống còn 185,5 tỷ USD (năm 2020 là 319,7 tỷ USD). Tuy nhiên, sự sụt giảm này "có thể biến mất trong năm tới do áp lực của thị trường năng lượng", James Vaccaro, giám đốc điều hành của Climate Safe Lending Network, cho biết.
JPMorgan là nhà tài trợ phương Tây lớn nhất của công ty năng lượng Gazprom thuộc Nga trong sáu năm qua, theo phân tích của RAN. Vào năm 2021, JPMorgan tài trợ cho các công ty nhiên liệu hóa thạch ở mức 61,7 tỷ USD, tăng khoảng 10 tỷ USD sau khi giảm một khoản tương tự vào năm trước đó. Ngân hàng này cho biết họ đang "thực hiện các bước thực tế" để đạt được các mục tiêu giảm phát thải "đồng thời giúp thế giới đáp ứng nhu cầu năng lượng một cách an toàn và hợp lý".
Wells Fargo cũng đầu tư thêm khoảng 20 tỷ USD vào năm 2021, lên 46,2 tỷ USD. Citi đứng sau Wells Fargo, cung cấp 41 tỷ USD, giảm từ mức 49 tỷ USD vào năm trước. Ngân hàng này cho biết chiến lược của họ dựa trên việc "thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải một cách có trách nhiệm, đồng thời, tập trung vào sử dụng nhiên liệu hóa thạch của chúng tôi có thể giúp các khách hàng giảm khí carbon trong hoạt động kinh doanh của họ".
Tương tự, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã giảm các hoạt động tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch xuống khoảng 32 tỷ USD vào năm 2021, từ mức 42 tỷ USD của năm trước đó. Các ngân hàng Pháp cũng đã giảm bớt mức vốn của họ vào năm 2021, sau khi tăng mạnh vào năm trước.
Báo cáo của RAN cho biết mặc dù nhiều ngân hàng đã có các chính sách về khí hậu, nhưng thường bị nói là không hiệu quả. Trong số 44 ngân hàng cam kết đạt mục tiêu không phát thải vào năm 2050, thì 27 ngân hàng không có "chính sách hiệu quả để giảm phát thải trong bất kỳ lĩnh vực nào của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch".
Ngay sau khi Liên minh Ngân hàng Net-Zero được thành lập, các công ty ký kết bao gồm Citi, BNP Paribas và Barclays đã tham gia vào các giao dịch tài trợ hàng tỷ USD với các tập đoàn dầu khí quốc doanh bao gồm Saudi Aramco và Công ty Dầu mỏ Quốc gia Abu Dhabi, cũng như tập đoàn dầu khí lớn của Mỹ ExxonMobil.
Các ngân hàng thường giảm đầu tư vào than đá, loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất. Chỉ khoảng 4% trong số 4,6 nghìn tỷ USD được ghi nhận kể từ năm 2016 là dành cho các công ty khai thác than và phần lớn nguồn tài trợ đến từ các ngân hàng được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn. Khoảng một phần tư nguồn vốn dành cho các công ty tiện ích, bao gồm cả các nhà máy phát điện chạy bằng than, và khoảng hai phần ba dành cho dầu và khí đốt.
http://tintuc.vdong.vn/03/1294288.htm