Thuyền trưởng Thạnh (thứ 2 từ phải qua) luôn vượt sóng dữ đi cứu ngư dân bị đắm tàu - Ảnh: TRẦN MAI
Vẫn bám biển Hoàng Sa, vẫn bất chấp hiểm nguy để tương trợ anh em lúc "ngàn cân" nơi sóng dữ, thuyền trưởng tàu QNg 96093 Nguyễn Chí Thạnh sau bao năm vẫn đầy khí chất.
Mới đây, anh lại lao tàu ra biển lúc sóng hiểm để giành lại sự sống cho 9 thuyền viên trên chiếc tàu cá bị chìm.
Phải quyết tâm cứu anh em. Cha ông khi xưa đi tàu nhỏ xíu, nhờ đoàn kết mà ngang dọc Hoàng Sa.
Nguyễn Chí Thạnh
"Tôi vẫn ở Hoàng Sa"
Tuổi đời còn trẻ nhưng câu chuyện biển khơi của anh Nguyễn Chí Thạnh (38 tuổi, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã ngót nghét 23 năm lênh đênh ở Hoàng Sa. Cho đến giờ, anh vẫn viết tiếp câu chuyện ngư dân đời mình ở nơi hải đầu Tổ quốc.
"Tôi vẫn đi lặn ở Hoàng Sa, vẫn quần ở Phú Lâm, Đá Lồi, Bạch Quy, Tri Tôn... mưu sinh", thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh cười khà khà. Anh vẫn vậy, đầy nhiệt huyết khi nói về quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc.
Anh Thạnh nhắc lại quá khứ không thể nào quên ngày 9-6-2014, chuyến biển của anh có hai phóng viên báo Tuổi Trẻ đi cùng thẳng tiến Hoàng Sa bất ngờ tàu bốc cháy dữ dội, 14 ngư dân và 2 phóng viên trôi dạt trên biển.
"Chuyến đó mà không may mắn gặp tàu hải quân HP17 cứu chắc giờ anh em ta nằm chung nhau ngoài biển rồi", anh Thạnh tâm tình.
Những câu chuyện nối tiếp nhau, con tàu cháy mang số hiệu QNg 96084 gợi nhớ lại hình ảnh năm nào, 16 con người bám lấy mũi tàu và động viên nhau trong tình thế cực kỳ hiểm nguy.
Sau lần đó, từ tiền bảo hiểm và các cấp hỗ trợ, đầu năm 2015 anh Thạnh mua tàu QNg 96093 và nhanh chóng trở lại Hoàng Sa đánh bắt và gắn bó với con tàu này cho đến bây giờ.
Kể chuyện biển khơi, anh Thạnh bảo rằng biển mẹ thương, đi chuyến nào cũng có lời, anh em trên tàu sống ổn và càng thêm gắn bó với Hoàng Sa.
Những lời tâm tình của anh Thạnh khiến chúng tôi nhớ lại con tàu cháy giữa biển năm 2014. Lúc đó, thuyền trưởng Thạnh là người rời khỏi con tàu sau cùng khi đám cháy biến con tàu thành ngọn lửa hung tợn.
Anh yêu cầu anh em nhảy xuống biển, còn riêng anh cố bám tàu lấy dây neo, phao, nước... và trước khi nhảy xuống biển không quên rút lá cờ Tổ quốc theo cùng.
Với những người đi biển lần đầu như chúng tôi thời điểm đó, hình ảnh anh Thạnh cầm lá cờ đỏ thắm lao thẳng xuống biển thật sự là một biểu tượng khắc ghi trong trái tim.
Thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh (ngồi) và các bạn nhìn lại xác tàu bị cháy năm 2014 được kéo về Lý Sơn - Ảnh: TRẦN MAI
Ngược sóng dữ cứu người
Anh Hữu Danh, phóng viên Đài phát thanh huyện Lý Sơn, nhiều năm gắn bó với ngư dân, bảo rằng anh Thạnh là một người gan dạ luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Anh Danh nhớ buổi sáng 23-2, cả đảo hay tin tàu QNg 96237 do ngư dân Mai Văn Lý (45 tuổi, huyện Lý Sơn) làm thuyền trưởng từ Hoàng Sa về đất liền, khi cách đảo chừng 5 hải lý bị sóng lớn đánh chìm, 9 ngư dân trôi dạt trên biển.
Tín hiệu cấp cứu ngư dân Lý kịp phát về đã đánh thức người dân cả đảo dậy từ tờ mờ sáng, chong mắt đau đáu nhìn ra những con sóng bạc đầu.
"Lúc đó chỉ mới 4h15, anh Thạnh đang neo tàu trong vũng đậu tàu thuyền Lý Sơn, đã gọi 4 ngư dân khác ngược sóng dữ ra biển cứu người. Sóng to lắm, chúng tôi đứng trong bờ nhìn ra mà thấy sóng ngọn phủ từng cơn trắng xóa. Phải bản lĩnh lắm anh Thạnh mới dám đi trong thời tiết đó", anh Danh nói.
Nhắc lại chuyện này, anh Thạnh cười khà khà, bảo bây giờ nhớ lại mới sợ, lúc đó anh hoàn toàn không sợ hãi gì. Chỉ lo lắng cho tính mạng của 9 ngư dân chìm tàu. Anh bảo đã nắm được tọa độ tàu chìm nhưng ra đến nơi phải vật lộn với sóng. Rất nhiều lần chiếc tàu bị sóng úp trắng xóa cả boong.
"Trời lạnh lắm, ba anh em tôi chỉ mặc độc chiếc áo mỏng, gặp sóng gió người ướt càng lạnh hơn. Ớn nhất là sợ tàu không chịu nổi sóng", anh Thạnh tâm sự.
Đi biển từ năm 15 tuổi, gặp quá nhiều chuyện trên biển, anh Thạnh hiểu nguy hiểm trong khi đi biển lúc gió cấp 7, giật cấp 8. Nhưng cả hành trình ngược sóng, anh Thạnh chỉ nghĩ làm thế nào nhanh tiếp cận và cứu được anh em.
5h30 sáng, anh đến vị trí tàu chìm, chỉ thấy mũi tàu nhô lên, 9 ngư dân biệt tích. Anh và 2 ngư dân đi cùng thay nhau gọi khản cổ nhưng chẳng át lại tiếng sóng. Anh cho tàu quần thảo quanh khu vực nhưng tầm nhìn bị hạn chế không thấy được. Thế là anh Thạnh quyết định mở rộng phạm vi tìm kiếm lên 1 hải lý.
"Chạy qua chạy lại như đi bừa vậy. Đến 6h30 thì phát hiện 5 ngư dân trên chiếc thúng. Tôi lo nhất là thấy anh em rồi nhưng sóng to quá đánh úp chiếc thúng là coi như xong, nên cứ cho thuyền lội dần qua sóng để tiếp cận. Mấy lần anh em đi cùng suýt rơi xuống biển vì mất thăng bằng", anh Thạnh nói.
Anh Thạnh từng bị cháy tàu, suýt chết trên biển Hoàng Sa - Ảnh CHU VĂN TÚC
Sau những cố gắng, 5 ngư dân đã được đưa lên tàu, chưa kịp mừng thì tiếp nỗi lo 4 ngư dân còn lại đang ôm can nhựa chẳng biết trôi dạt hướng nào. Tiếp tục tìm kiếm, đến 7h anh Thạnh bàn giao 5 ngư dân cho tàu cảnh sát biển 4032 rồi rồ ga theo hướng đông đông nam mà anh nghĩ sẽ tìm được 4 ngư dân còn lại.
"Tôi nói với anh em tàu cảnh sát biển với dòng hải lưu này thì anh em đang trôi dạt về hướng đó", anh Thạnh kể. Đúng như tính toán, 4 ngư dân đã được tàu cảnh sát biển tìm thấy sau đó.
Ngư dân Bùi Văn Trà (45 tuổi), đi cùng anh Thạnh cứu người, tâm sự: "Nó cũng mới từ Hoàng Sa về, cá còn chưa kịp bán, hay tin tàu chìm từ trạm kiểm soát biên phòng An Hải là hối anh em đi cứu. Tính nó vậy rồi, nguy hiểm mấy cũng không bỏ mặc anh em".
Những cái ôm và lời cảm ơn của 9 ngư dân đã dành cho anh Thạnh, ai cũng hiểu lúc ấy sinh tử như lằn ranh mỏng. Nếu không có sự tương trợ kịp thời của anh Thạnh thì chẳng thể nói trước được điều gì.
Thuyền trưởng Lý kể về phút giây kinh hoàng, ngọn sóng nuốt con tàu, anh chỉ kịp phát tín hiệu cầu cứu rồi lập tức yêu cầu anh em rời khỏi tàu. Lúc này chỉ có 1 chiếc thúng, 5 anh em bám vào, còn 4 người phải ôm can nhựa. Sóng dần tách hai nhóm ra xa hơn rồi mất hút.
"Chúng tôi đã phó mặc sự sống cho biển. Chỉ tới khi tàu anh Thạnh đến mới có niềm tin được sống", thuyền trưởng Lý cho hay.
Còn ngư dân Thạnh vẫn nói ngắn gọn rằng: "Phải quyết tâm cứu anh em. Cha ông khi xưa đi tàu nhỏ xíu, nhờ đoàn kết mà ngang dọc Hoàng Sa. Mình giờ tàu to máy lớn không lẽ bỏ mặc nhau. Tôi không làm vậy được".
Khi bài viết này đăng, anh Thạnh và con tàu cá của mình vẫn đang mạnh mẽ cỡi trên sóng gió Hoàng Sa của Tổ quốc...
Tinh thần quả cảm
Với hành động vượt sóng dữ cứu người, thuyền trưởng Thạnh và tập thể tàu cá QNg 96093 đã được UBND huyện Lý Sơn khen thưởng, động viên đội tàu bám biển Hoàng Sa.
Bà Phạm Thị Hương, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, nói: "Hành động của anh Thạnh rất đáng trân trọng và biểu dương. Trong điều kiện thời tiết xấu vẫn không quản ngại nguy hiểm tiếp cứu thành công 9 ngư dân. Đó là tinh thần đoàn kết của người dân Lý Sơn hun đúc qua nhiều thế hệ".
TTO - Người thầy ấy có những bài giảng đầy ắp chi tiết, câu chuyện, hình ảnh thực tiễn sinh động, thu hút nhiều thế hệ sinh viên. Ông còn được ngư dân gọi là 'tiến sĩ của ngư dân'.