Hôm nay (31/3) là hạn cuối cùng để các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì phải tự kê khai và gửi bản kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải về Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 về thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
Sau đó, các nhà nhập khẩu, nhà sản xuất phải có trách nhiệm nộp tiền một lần vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trước ngày 20/4.
Mặc dù quy định mới được áp dụng từ năm nay, nhưng được nhiều doanh nghiệp và chuyên gia môi trường đón nhận hết sức tích cực.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo quy định, ngay trong năm nay, các nhà sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm như: pin, thuốc lá, bỉm, tã giấy, kẹo cao su, thuốc bảo vệ thực vật…. sẽ phải có trách nhiệm xử lý chất thải.
Quy định trên sẽ áp dụng với tất cả các doanh nghiệp có doanh thu năm trước trên 30 tỷ đồng, nhà nhập khẩu là trên 20 tỷ đồng.
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm ngân sách phải chi trả trên 20.000 tỷ đồng cho xử lý môi trường và chất thải rác sinh hoạt, nên việc các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam sẽ là một nguồn kinh phí đáng kể để hỗ trợ xử lý chất thải hiện nay.
"Chi phí thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt là chi phí rất lớn, hàng năm tăng vì khối lượng tăng và người dân cũng chi trả một phần. Chính vì vậy, nhà sản xuất có trách nhiệm hỗ trợ một phần, bổ sung kinh phí để giúp giải quyết vấn đề thu gom và xử lý rác thải đang quá tải", ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết.
"Với khoản đóng góp tài chính trực tiếp vào Quỹ Bảo vệ môi trường sẽ là một nguồn tài chính bổ sung tương đối lớn trong tương lai để bù đắp những chi phí, đặc biệt ở địa phương khó khăn về chi phí trong việc quản lý chất thải rắn", chị Nguyễn Hoàng Phượng, Trưởng nhóm Tư vấn Chính sách và Phát luật, Công ty TNHH Tư vấn e-Policy, nhận định.
Hiện trên thế giới có trên 400 mô hình EPR, nhiều mô hình đã vận hành từ những năm 90 của thế kỷ trước ở các nước châu Âu hay Bắc Á…
VTV.vn - Việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!