Kiểu trả thù tàn độc
Cho đến tận bây giờ, những người tuổi trung niên từng sống lâu năm ở thị trấn Thang Sơn, TP.Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vẫn chưa thể quên buổi sáng kinh hoàng 14-9-2002, khi hàng trăm người dân ở quận Giang Ninh, TP.Nam Kinh xuất hiện các triệu chứng ngộ độc nặng: khó thở, nôn ra máu, mũi xuất huyết, hàng chục học sinh ôm bụng lăn lộn trên sàn, co giật, nhiều công nhân xây dựng gần đó cũng lần lượt ngã gục sau khi ăn điểm tâm từ tiệm của người chủ là Trần Tông Võ, nổi tiếng nhất vùng về những món này.
Tiệm của ông chủ Trần mở cửa từ tờ mờ sáng, bán các loại điểm tâm làm bằng bột mì, cung cấp cho các trường học, doanh nghiệp, văn phòng, công ty... trong vùng, gồm cả Cửa hàng sữa đậu nành Thịnh Nguyên. Việc kinh doanh ngày càng phát đạt nhờ cách làm bánh ngon, thái độ phục vụ niềm nở, ân cần, tiếng lành vang xa, hầu hết công sở và người dân trong vùng đều chọn nơi này để ăn điểm tâm lót dạ.
Nhưng vào đúng ngày xảy ra vụ ngộ độc kinh hoàng, ngay từ sáng sớm đã xuất hiện nguồn tin "bánh nướng có độc" lan khắp quận Giang Ninh. Đến khi nữ nhân viên của tiệm sữa Thịnh Nguyên quyết định dùng thử bánh và ngay sau đó gục xuống tại chỗ, tử vong trước khi đưa đến bệnh viện thì dư luận thị trấn thêm bàng hoàng. Hàng trăm trường hợp ngộ độc đã được chuyển đến các bệnh viện ở thị trấn Thang Sơn và cả TP. Nam Kinh, trong khi những người đầu tiên nhập viện đều không qua khỏi.
Lập tức Ban chuyên án được thành lập, phong tỏa tiệm bánh của Trần Tông Võ giữa lúc hiện trường bị xáo trộn càng thêm khó khăn cho công tác điều tra. Qua khó khăn, công an phát hiện độc chất trong số nguyên liệu làm bánh gồm bột mì, đường, muối, dầu ăn của tiệm và cả trong số bánh chưa giao. Xác định đây là vụ đầu độc mang tính chất nghiêm trọng, nhiều khả năng nghi phạm gây án vì cạnh tranh trong kinh doanh hoặc mâu thuẫn dẫn đến oán hận, Ban chuyên án nhận thấy chủ quán họ Trần rất được lòng khách hàng, việc làm ăn phát đạt giữa lúc những tiệm khác lâm cảnh chợ chiều đìu hiu.
Sa lưới
Vào lúc việc điều tra đang chuyển hướng sang những cửa hàng cùng mở điểm tâm bên cạnh thì bất ngờ chủ tiệm gần hiện trường nhất là Trần Chính Bình (tuổi mới ngoài 30), cũng là bạn của Trần Tông Võ, bất ngờ thông báo với chủ nhà xin nghỉ để về quận Phổ Khẩu thăm bố ốm vào đúng hôm xảy ra vụ ngộ độc.
Hồ sơ cho thấy, năm 1992 đối tượng này phải thụ án 2 năm 6 tháng tù về tội trộm cắp. Sau khi rời Thang Sơn đi nơi khác làm ăn, năm 2000 Trần Chính Bình lại quay về mở tiệm bánh mì, sủi cảo chiên, được Trần Tông Võ giúp đỡ hết mình và còn nợ ông này vài ngàn nhân dân tệ.
Tập trung hướng điều tra vào Trần Chính Bình, người thân của đối tượng tiết lộ vào tối 13-9 anh này ra ngoài 2 lần: lúc 20 giờ 30 - 21 giờ và 23 giờ. Khi cảnh sát tìm đến quận Phổ Khẩu như lời Trần Chính Bình thông báo thì phát hiện đối tượng không về đây.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra nhận định Trần Chính Bình đã bỏ trốn về phía bắc theo tuyến đường sắt Thượng Hải đi Lạc Dương và phát thông báo truy tìm nghi phạm. Các nhân viên trên tàu sau khi dò xét từng hành khách dựa theo đặc điểm do cảnh sát cung cấp đã phát hiện Trần Chính Bình và khống chế, giao cơ quan điều tra.
Cảnh sát đã phát hiện hóa chất diệt chuột Tetramine trên quần áo bỏ lại nơi cư trú tạm thời ở Nam Kinh của Trần Chính Bình. Trước bằng chứng xác thực ấy, cuối cùng đối tượng mới chịu thú nhận hành vi phạm tội.
Là bạn và cùng thuê chung mặt tiền mở hai tiệm bán điểm tâm liền kề ở thị trấn Thang Sơn, tuy làm các loại bánh khác nhau nhưng do thấy cửa hàng của Trần Tông Võ ngày càng phát đạt, trong khi bên mình ế ẩm nên Trần Chính Bình nảy sinh lòng đố kỵ, thêm mâu thuẫn phát sinh từ trò đen đỏ tích tụ khiến đối tượng nảy sinh ý định bỏ thuốc độc vào hàng ăn của tiệm Trần Tông Võ để "hạ” đối thủ.
Thực hiện theo kế hoạch, sau khi tìm mua loại thuốc bột Tetramine tại chợ nông sản, chờ đến tối 13-9-2002 Trần Chính Bình lên giường tranh thủ chợp mắt và khoảng 11 giờ đêm thức dậy, lẻn vào sau bếp của tiệm Trần Tông Võ bỏ chất Tetramine vào các nguyên liệu làm bánh, trộn đều.
Sáng hôm sau, khi vụ ngộ độc lan khắp thị trấn, Trần Chính Bình vẫn điềm nhiên quan sát sự tình trước khi đến gặp chủ nhà xin nghỉ để về quê thăm bố ốm.
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ đầu độc khiến 42 người thiệt mạng và hơn 300 người phải đến bệnh viện điều trị, có trường hợp để lại di chứng về sau, ngày 30-9-2002 tại phiên tòa xét xử công khai, Trần Chính Bình bị tuyên mức án cao nhất: tử hình và đã thi hành nửa tháng sau đó.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.060441_hnik-manpt-o-gnaoh-hnik-cod-uad-uv-2-yk/et-couq/nv.moc.nagnoc