Tại Hội nghị Đối thoại ngân hàng (NH) - doanh nghiệp (DN) với chủ đề "Ngành NH đồng hành cùng DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển", do UBND TP HCM tổ chức ngày 28-2, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đề nghị NH Nhà nước, các NH thương mại quan tâm việc cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, tín dụng ưu đãi tùy theo chính sách của từng NH để đồng hành, hỗ trợ DN tạo hiệu quả nhất cho dòng vốn tín dụng.
Phát khóc vì lãi suất cao!
Phản ánh tại hội nghị, nhiều DN cho biết vẫn đang phải vay vốn với lãi suất khá cao và khả năng tiếp cận vốn còn hạn chế. Đại diện Công ty Nệm Vạn Thành cho rằng với mức lãi suất cho vay trên 10% thì không thể nào hoạt động sản xuất - kinh doanh được ở thời điểm hiện tại.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP HCM, cho biết nhiều DN trong hội đang phải vay vốn với lãi suất mười mấy phần trăm và trong hội đã có không ít DN "đang phải khóc vì lãi suất cao". Có DN khi NH điều chỉnh lãi suất thì biên độ cộng thêm tới 4,8 điểm phần trăm khiến lãi suất cho vay sau điều chỉnh tăng cao. "Một vài DN khác đã được NH cam kết giải ngân nhưng khi DN đã mở thư tín dụng, nhập hàng về cảng nhưng vốn chưa giải ngân kịp khiến họ phải tốn thêm chi phí kho bãi… Vậy là chi phí đầu vào càng đội lên, càng thêm khó" - ông Tống kể. Do đó, các DN kiến nghị nhà nước có chính sách để sớm hạ nhiệt lãi suất.
Không chỉ gặp khó về vốn, một số DN phản ánh khó tiếp cận vốn tín dụng do nhà nước hiện chưa có chính sách nhận tài sản thế chấp là đất thuê lâu dài, trả tiền thuê đất hằng năm. Bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch HĐTV Công ty Sản xuất - Thương mại Mebipha, cho hay trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, DN đã phải dùng hết số tiền tích trữ để duy trì hoạt động. Đến nay, khi muốn tìm cơ hội để phát triển và thế chấp tài sản là đất thuê dài hạn thì NH từ chối cho vay vì chưa có quy định của pháp luật.
Ông Văn Công Thạch, Chủ tịch Hội DN Cần Giờ, kiến nghị có thể nghiên cứu trần lãi suất huy động và cho vay, vì với mức lãi suất hiện tại, DN "làm lợi nhuận bao nhiêu cũng chỉ đủ trả chi phí lãi vay". Do đó, nhiều DN kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh.
Sau những phản ánh của DN, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc NH TMCP Phương Đông (OCB), cho biết lãi suất đang có dấu hiệu hạ nhiệt, khoảng 3 tuần trước, OCB đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực để hỗ trợ DN. Dự kiến thời gian tới, lãi suất còn giảm thêm. Theo ông, lãi suất cho vay cao thực chất là rủi ro cho NH bởi nguy cơ nợ xấu rất lớn. Do đó, các NH đều muốn giảm lãi suất.
Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cũng cho biết cơ quan quản lý đã chỉ đạo kéo giảm lãi suất bằng nhiều giải pháp và kỳ vọng những tín hiệu tích cực của thị trường gần đây sẽ góp phần đưa lãi suất đi xuống.
Các ngân hàng cam kết cho vay với lãi suất từ 7%/năm. Ảnh: BÌNH AN
Vướng về tài sản thế chấp
Riêng với phản ánh không thể thế chấp đất thuê trả tiền hằng năm, đại diện NH TMCP Á Châu (ACB) cho hay NH vẫn có thể xem xét cho vay khi tài sản thế chấp là đất thuê trả tiền hằng năm và đã trả tiền hạ tầng. Riêng với đất nông nghiệp, có một số khu vực bị thổi giá, do đó khi NH định giá phải dựa trên giá ổn định trong một thời gian dài, chứ không thể định giá đất nông nghiệp dựa vào giá thị trường trong thời gian ngắn. Bởi sẽ ảnh hưởng chất lượng tín dụng.
Ông Lâm Việt Anh, đại diện NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cũng giải thích do đất nông nghiệp tính thanh khoản không cao nên khi thẩm định đất để cho vay, NH phải xem xét nhiều yếu tố khác, như cầm cố khoản phải thu, công nợ, cầm cố tài sản của bên thứ ba (thành viên trong công ty…). Từ đó, NH sẽ lên phương án để hỗ trợ DN vay vốn.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhận định cần nhiều cuộc đối thoại giữa NH và DN không phải để chỉ trích mà để hiểu nhau, để cùng hợp tác, đồng hành. Các cơ quan, ban ngành của thành phố cũng cần tập trung hỗ trợ DN nhiều hơn, chứ không chỉ có các NH. "Chính quyền thành phố và các cơ quan rất mong muốn cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN thuận lợi hơn. Việc gặp gỡ, đối thoại là cần thiết, có tác dụng kịp thời để cùng tháo gỡ, với trách nhiệm mang lại hiệu quả kinh doanh cho cả NH và DN. Đối thoại cũng nhằm ghi lại những kiến nghị, để vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền TP HCM sẽ giải quyết, xử lý hoặc nếu vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị lên trung ương" - ông Phan Văn Mãi khẳng định và đề nghị NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, Sở Công Thương và các đơn vị liên quan nghiên cứu thiết lập một kênh kết nối để DN có thể phản ánh ngay những vấn đề phát sinh, không chỉ tại hội nghị kết nối mới phản ánh.
Nhận định những khó khăn đối với cộng đồng DN và kinh tế thành phố phát sinh từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, ông Phan Văn Mãi đề nghị NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM và các NH thương mại quan tâm đề xuất chính sách cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, có gói tín dụng ưu đãi cho DN và nền kinh tế tùy theo chính sách của từng đơn vị.
Liên quan quy định dùng quyền thuê đất trả tiền hằng năm để thế chấp vay vốn tại NH hay định giá đất tiệm cận thị trường để làm tài sản bảo đảm vay được vốn nhiều hơn, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang nỗ lực tháo gỡ bằng cơ chế đột phá. Theo đó, tại dự thảo Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách tạo đột phá cho TP HCM đã đề cập những nội dung trên. Dự kiến, trong tháng 5 tới, Quốc hội sẽ bàn, nếu được thông qua sẽ mở ra cơ chế thông thoáng cho thành phố, trong đó có cộng đồng DN. Đồng thời, thành phố cũng kiến nghị cho phép được xác định hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để làm sao tiệm cận giá thị trường trong từng loại đất, phù hợp với các giao dịch bao gồm cả giao dịch NH.
Cam kết cho vay 11.000 tỉ đồng
Để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN, ngay tại hội nghị, 16 NH thương mại tại TP HCM đã ký cam kết cho 64 DN vay 11.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn 7%/năm và trung - dài hạn 10%/năm. Trước đó, năm 2022, chương trình kết nối NH và DN đã giải ngân 568.340 tỉ đồng cho 32.500 khách hàng, tăng 16,65% so với năm 2021.
Xem thêm: mth.18182011282203202-peihgn-hnaod-ohc-nov-ev-ohk-og-mch-pt/et-hnik/nv.moc.dln