Ngày 28-2, tọa đàm “Đánh giá năng lực chuyên biệt đáp ứng đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức thu hút sự đóng góp của nhiều cơ sở đào tạo khối ngành đặc thù như sư phạm, khối trường công an, y dược…
Sẽ dần thay thế phương thức xét học bạ
Mở đầu buổi tọa đàm, GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng theo khảo sát, đến nay có khoảng chín đơn vị tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng và nhiều trường sử dụng kết quả này, thu hút sự quan tâm lớn.
Ông đánh giá vai trò cần thiết của các kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), phục vụ nhu cầu tuyển sinh cụ thể của các trường trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Sơn, kỳ thi ĐGNL chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM được chuẩn bị trong năm năm. Năm đầu tiên tổ chức (2022), kỳ thi có hơn 2.000 thí sinh tham gia. Các bài thi được thiết kế gọn nhẹ, hiệu quả, có tính phân loại cao và đánh giá được năng lực, phẩm chất của học sinh trong các lĩnh vực chuyên môn cụ thể.
Việc xây dựng bài thi này cũng nhằm đáp ứng với chương trình giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo đến năm 2025 sẽ có công cụ đánh giá phù hợp với chương trình này.
Đánh giá kết quả năm đầu tổ chức kỳ thi, ThS Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết bài thi ĐGNL chuyên biệt phân hóa tốt hơn bài thi tốt nghiệp THPT vì thực tế không phải thí sinh nào có điểm thi tốt nghiệp cao cũng có điểm ĐGNL chuyên biệt cao.
Các chuyên gia góp ý tại tọa đàm “Đánh giá năng lực chuyên biệt đáp ứng đổi mới tuyển sinh ĐH-CĐ”. Ảnh: PHẠM ANH |
Do đó theo ông Trung, năm 2023 trường sẽ tiếp tục tổ chức kỳ thi và tăng số lượng đợt thi, điểm thi tại các tỉnh. Trường cũng dự kiến tăng 30%-40% chỉ tiêu xét tuyển các ngành bằng kết quả kỳ thi này.
Cụ thể hơn, ông Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo của trường, cho biết kết quả các phương thức xét tuyển vào trường cho thấy phương thức xét điểm học bạ kết hợp với điểm thi ĐGNL chuyên biệt không khác biệt nhiều so với phương thức xét học bạ, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thí sinh lớp chuyên. Tuy nhiên, kết quả này lại có sự khác biệt với phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT.
Vì vậy, trường dự kiến sẽ giảm tỉ lệ chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thí sinh lớp chuyên, có thể thay thế phương thức xét học bạ bằng phương thức sử dụng điểm kỳ thi ĐGNL chuyên biệt.
Nên dùng kết quả chung để giảm áp lực thi cử
Trao đổi tại buổi tọa đàm, nhiều đại diện của các cơ sở đào tạo bày tỏ ủng hộ kỳ thi ĐGNL chuyên biệt như của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và góp ý cần tăng cường hợp tác sử dụng kết quả chung, kể cả thi năng khiếu để không gây áp lực, tốn kém cho thí sinh.
PGS-TS Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), góp ý nên sử dụng nguồn lực chung bằng việc hình thành trung tâm tổ chức thi theo từng khu vực để thuận tiện cho thí sinh. Thí sinh có thể dự thi ở một nơi nhưng xét tuyển để học ở bất kỳ trường nào.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Long An, mong muốn trường mở rộng thêm địa điểm thi ở khu vực ĐBSCL để thuận tiện cho học sinh vì các em ở xa, di chuyển sẽ khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nên liên thông sử dụng kết quả thi năng khiếu của nhau để giảm tải việc thi cử cho học sinh. Đồng thời tăng cường tuyên truyền các kỳ thi đến các địa phương vùng sâu, vùng xa để các em nắm rõ và lựa chọn phù hợp.
Đồng quan điểm, đại diện Trường ĐH Sài Gòn cho biết năm nào trường cũng phải giải quyết vấn đề lịch thi năng khiếu do các em phải chạy thi nhiều nơi rất vất vả. Do đó, có thể thực hiện theo hình thức hợp tác từng cụm ba trường sử dụng kỳ thi chung vì hiện tại trường mới công nhận kết quả năng khiếu của đơn vị khác để xét tuyển ngành mỹ thuật, còn khối ngành sư phạm chưa thực hiện.
Ở khối ngành sức khỏe, PGS-TS Ngô Quốc Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nêu thực tế ở trường mình, so sánh giữa các nhóm tuyển đầu vào cho thấy có những em đạt điểm đầu vào cao ở tổ hợp toán - hóa - sinh nhưng học chương trình dựa trên năng lực lại không tốt, thậm chí có những em không theo được.
Do đó, trường cũng đang tính toán phương án đổi mới tuyển sinh đầu vào để làm sao tăng cơ hội vào học cho thí sinh nhưng phải đáp ứng được chương trình đào tạo của trường.
Ông Đạt ủng hộ kỳ thi tuyển sinh riêng nên tận dụng nguồn lực chung vì việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, tổ chức thi rất khó.
Hai đợt thi đánh giá năng lực chuyên biệt
Năm 2023, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến dành 30%-40% chỉ tiêu để xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi ĐGNL chuyên biệt được tổ chức hai đợt. Đợt 1 sẽ thi tại TP.HCM trong hai ngày 13 và 14-5, đợt 2 sẽ thi tại TP.HCM và Long An/Bình Dương từ ngày 10 đến 15-7.
Kỳ thi này sẽ diễn ra hoàn toàn trên máy tính, gồm sáu bài thi: Toán học, vật lý, hóa học, sinh học (trắc nghiệm), ngữ văn (trắc nghiệm và viết bài nghị luận xã hội) và tiếng Anh (kiểm tra bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết).
Điểm xét tuyển gồm tổng điểm bài thi ĐGNL (nhân hệ số 2) và điểm hai môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển được tính dựa vào điểm học bạ THPT x 0,75 + điểm ưu tiên.
Giáo viên hiện nay rất lúng túng trong việc đổi mới kiểm tra, đánh giá khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kỳ thi ĐGNL chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện tốt có thể đáp ứng nhu cầu cho các sở GD&ĐT để đánh giá học sinh chứ không chỉ phục vụ tuyển sinh cho các trường ĐH-CĐ.
PGS-TS NGUYỄN THÀNH NHÂN, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế)