Rất nhiều vấn đề cấp bách để xây dựng một nền công nghiệp tự chủ đã được đặt ra tại hội thảo "Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu" do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương TP.HCM tổ chức ngày 28-2 ở khách sạn Rex.
"Ông lớn" đặt hàng, nhưng nhận đơn là... lỗ
Trải qua các giai đoạn chật vật trong việc tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI trên sân nhà, một doanh nghiệp Việt chia sẻ đã từng nhận được đơn hàng từ "ông lớn" ngành điện tử là Samsung. Theo doanh nghiệp, dù với giá đơn hàng phía Samsung đưa ra, doanh nghiệp làm không có lãi nhưng sau đó Samsung tiếp tục đặt vấn đề giảm tiếp 30% chi phí cho đơn hàng. Do đó, với một doanh nghiệp có quy mô nhỏ trong ngành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp này đành chào thua, tuột khỏi tầm tay cơ hội tham gia chuỗi cung ứng lớn.
Là doanh nghiệp sản xuất các thiết bị cho các tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó có Hãng xe điện Tesla, Tổng giám đốc Công ty cơ khí Lập Phúc Nguyễn Văn Trí cũng cho biết không dễ dàng để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Trí, yêu cầu rất khắt khe mà các doanh nghiệp Mỹ yêu cầu đối với doanh nghiệp này đó là phải có nhà máy, thiết bị đạt chuẩn và giá phải cạnh tranh nên doanh nghiệp này đặt ra tôn chỉ là "giá phải rẻ hơn Trung Quốc nhưng chất lượng Nhật". Do đó, ông Trí cho hay doanh nghiệp phải nỗ lực chòi đạp để có những giải pháp tối ưu từ việc đầu tư máy móc của Nhật, Mỹ, nhà máy đạt chuẩn cho đến đào tạo nhân sự... Trong đó, đau đầu nhất của doanh nghiệp này liên quan đến nhân sự là việc "chảy máu chất xám" khi nhân sự trong ngành cơ khí rất dễ nhảy việc, chuyển dịch sang khối FDI trong khi các doanh nghiệp nội ngành cơ khí mất rất nhiều thời gian để đào tạo.
Là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cơ khí Việt Nam, ông Phạm Văn Tài - tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) - đặt vấn đề có những khách hàng đặt hàng với mức giá thấp, song năm sau lại yêu cầu phải giảm giá thêm 2% khiến các doanh nghiệp quy mô nhỏ chỉ ở mức huề vốn, thậm chí lỗ. Nếu doanh nghiệp làm đơn lẻ sẽ khó đảm bảo được mức lợi nhuận. Tuy nhiên, ông Tài cho hay khi các doanh nghiệp kết nối, tận dụng những lợi thế sẵn có của nhau thì lại có thể thỏa mãn các yêu cầu của những đơn hàng này và có lợi nhuận. Nếu có sự liên kết, các doanh nghiệp Việt sẽ không sợ bị "ép" và có thể vượt qua những thách thức để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Doanh nghiệp tính "ngủ đông", cần những bệ đỡ chính sách
Trực tiếp khảo sát các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, bà Bùi Thị Hồng Hạnh - giám đốc điều hành NC Network VN - cho biết thông tin tích cực là số lượng doanh nghiệp trong ngành chế biến chế tạo đang gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua.
Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, bà Hạnh cho hay các doanh nghiệp đang gặp khó về đơn hàng, có những doanh nghiệp lo lắng phải "ngủ đông" đến quý 3. Bà Hạnh cho hay các doanh nghiệp mong muốn có những "bệ đỡ" chính sách hợp lý như vay vốn với lãi suất hợp lý, dùng tài sản thế chấp là máy móc thay vì bất động sản...
Hiện sở hữu nhà máy sản xuất hiện đại tại Khu công nghệ cao TP.HCM, ông Hồ Quỳnh Hưng - chủ tịch HĐQT Công ty CP Điện Quang - chia sẻ những khó khăn của một doanh nghiệp Việt khi muốn phát triển sản xuất nội địa liên quan đến các chính sách thuế. Theo ông Hưng, có những rào cản ngáng chân các doanh nghiệp Việt khi chính sách thiếu ưu đãi. Cụ thể như Điện Quang đang sản xuất bo mạch cho máy tính nhưng gặp nghịch lý là nếu nhập nguyên cả bộ bo mạch thì thuế suất bằng 0. Trong khi sản xuất bo mạch trong nước lại có những linh kiện chịu thuế, cộng lại thuế suất lên đến 3%.
Hay như với mạch điều khiển đèn led dù nhập khẩu được hưởng thuế suất bằng 0 nhưng cuộn dây lắp trên mạch này lại bị đánh thuế, điều này khiến doanh nghiệp sản xuất gặp khó trong cạnh tranh. "Cần phải có một chính sách thuế làm sao hợp lý, ưu tiên cho sản xuất từ những vật liệu cơ bản, tránh nhập nguyên cả thiết bị về lại rẻ hơn sản xuất trong nước khi được hưởng các ưu đãi về thuế", ông Hưng nói.
Từ góc độ một chuyên gia quốc tế, ông Phil Kyun Choi - chuyên gia từ Hàn Quốc - cho rằng ở Hàn Quốc có cơ quan cấp bộ để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển doanh nghiệp, trong đó có xây dựng một nền tảng xuất khẩu trực tuyến cho các doanh nghiệp. Các công ty xuất khẩu có thể đưa các mặt hàng lên nền tảng này, người mua hàng chỉ cần tìm đến nền tảng duy nhất này nên rất dễ dàng để kết nối bên mua lẫn bên bán.
Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết TP đang xây dựng quy hoạch, định vị công nghiệp của TP.HCM, trong đó có phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ông Vũ cho hay TP.HCM sẽ tập trung các nguồn lực về đất đai, tương lai sẽ hình thành các khu công nghiệp chuyên đề, trong đó có khu công nghiệp hỗ trợ kỹ thuật cao, khu công nghiệp cơ khí để khai thác các lợi thế của các doanh nghiệp.
Ông Trương Thanh Hoài (cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương):
Lãi suất mười mấy phần trăm không ai đi làm công nghiệp
Luật công nghiệp trọng điểm sẽ có quy định về ban chỉ đạo về công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Điều này để khắc phục vai trò còn mờ nhạt của các sở công thương, địa phương. Việc có ban chỉ đạo còn để thống nhất trên toàn quốc từ trung ương đến địa phương, giám sát kết quả thực hiện nguồn lực bố trí cho ngành.
Các chính sách hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Vì vậy, trong xây dựng luật sẽ chú trọng vấn đề chính sách thuế như kích cầu cấp bù lãi suất, vì lãi suất mười mấy phần trăm không ai đi làm công nghiệp. Phải anh hùng lắm, tâm huyết lắm mới đi làm công nghiệp.
Công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu đánh giá cao việc Bộ Công Thương phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ và Sở Công Thương TP.HCM tổ chức hội thảo "Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu". Theo ông Châu, đây là một sự kiện tích cực đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của TP, nhằm lắng nghe ý kiến đóng góp để tháo gỡ khó khăn, đề xuất giải pháp, chính sách phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, thúc đẩy công nghiệp TP.HCM nói riêng và công nghiệp cả nước nói chung phát triển mạnh mẽ hơn.
Ông Châu cho biết trong giai đoạn từ 2016 đến nay, cơ cấu ngành công nghiệp TP đã chuyển dịch đúng định hướng, cơ cấu bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng từ 52,8% năm 2016 lên 55,82% năm 2020. Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh...
Hàng loạt hoạt động giúp doanh nghiệp tham gia sâu chuỗi cung ứng
Ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết với định hướng báo chí giải pháp, báo Tuổi Trẻ đã mở diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ 2022". Diễn đàn chính thức phát động từ giữa tháng 7-2022, với đa dạng các hoạt động truyền thông và sự kiện sau mặt báo nhằm thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, cơ quan hữu quan... Các chương trình của Tuổi Trẻ nhằm đưa ra những giải pháp, kiến nghị các chính sách, tăng năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Chữ, hội thảo này cũng là dịp để sơ kết lại chuỗi sự kiện, truyền thông mà báo Tuổi Trẻ cùng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức kéo dài hơn sáu tháng qua.
Dù xác định là ngành "hạt giống tiềm năng" nhưng đến nay, ngành công nghiệp chưa được luật hóa, công tác quản lý quy hoạch, chiến lược phát triển, đặc biệt trong quản lý và liên kết vùng còn hạn chế.
Xem thêm: mth.52725519010303202-gnod-ugn-iahp-peihgn-hnaod-ed-gnud/nv.ertiout