Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc. |
Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020, kể từ ngày luật này có hiệu lực (ngày 01/7/2021), sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của luật này cho đến hết 31/12/2022.
Trong khoảng thời gian từ 01/7/2021 đến 31/12/2022, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp; đồng thời, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Cư trú năm 2020 và không cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Từ 01/01/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. |
Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, trong đó quy định cụ thể việc cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thông qua ứng dụng VNeID để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Trường hợp không thực hiện được theo phương thức nêu trên mới yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin về nơi cư trú. Như vậy, Bộ Công an, Chính phủ đã đảm bảo đầy đủ các điều kiện về cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quy định về bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.
Căn cứ theo Nghị định 104/NĐ-CP ngày 21/12/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có 39 thủ tục có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại buổi làm việc. |
Tuy nhiên hiện nay mới có 2 thủ tục hành chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Bộ Công thương) đã công bố, công khai các thủ tục hành chính để triển khai thực hiện theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP theo quy định, còn 37 thủ tục hành chính chưa công bố, công khai các thủ tục hành chính để triển khai thực hiện theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP theo quy định, do đó dẫn đến việc Công an địa phương khó khăn trong giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành khẩn trương rà soát sửa đổi các thông tư có liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính, niêm yết công khai trên cổng dịch vụ công; các bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; chỉnh sửa eform, xây dựng tài liệu hướng dẫn chi tiết liên quan đến việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (hoàn thành trước 15/3/2023).
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi làm việc. |
Về phần mềm thuộc hệ thống thông tin của các bộ, ngành, qua công tác kiểm tra thực tế tại một số địa phương đã phản ánh, Bộ Công an nhận thấy phần mềm giải quyết thủ tục hành chính chưa hoàn thiện, cán bộ công chức gặp khó khăn trong tra cứu, khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, địa phương đánh giá tổng thể lại hệ thống, phần mềm và báo cáo về Văn phòng Chính phủ để xem xét xử lý.
Bộ Công an cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải sử dụng thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công. Cụ thể, sử dụng thông tin công dân từ dịch vụ công, dữ liệu trên ứng dụng VNeID, đầu tư đầu đọc chip trên thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử.
Các đại biểu tham luận tại buổi làm việc. |
Phải sử dụng, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã kết nối với nhau; phải sửa đổi quy định liên quan đến lưu trữ dữ liệu điện tử, hồ sơ lưu trữ không được lưu các giấy tờ, tài liệu chứng minh về cư trú; không được yêu cầu công dân cung cấp giấy tờ, tài liệu ngoài 18 trường thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Cư trú năm 2020. Đối với những thông tin cần thiết khác cho công tác nghiệp vụ thì bộ, ngành phải trực tiếp xác minh hoặc khai thác thông qua các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ: Các bộ, ngành, địa phương không được yêu cầu người dân mang sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, buộc người dân phải đi xin giấy xác nhận cư trú khi có đủ điều kiện xác thực, kết nối trong quá trình làm các thủ tục hành chính khi Luật Cư trú năm 2020, Nghị định 104 của Chính phủ đã có hiệu lực. Các nội dung Văn phòng Chính phủ, cơ quan thường trực đã trình Phó Thủ tướng chỉ đạo căn cứ vào Luật Cư trú năm 2020, Nghị định 104 là đúng pháp luật.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an báo cáo việc thực hiện Luật Cư trú năm 2020 tại buổi làm việc. |
Về đầu tư cơ sở hạ tầng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề xuất, xin ý kiến Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ phối hợp nghiên cứu nâng cấp cổng dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ. Việc nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách, đúng luật, các bộ, ngành cần phối hợp làm nhanh. Đồng chí Thứ trưởng cũng đánh giá, hiện nhiều dịch vụ thông qua Bộ Y tế, giữa hai Bộ Y tế và Bộ Tài chính, căn cứ vào những quy định đã được Thủ tướng và Tổ công tác kết luận, cho triển khai, nâng cấp nhanh hạ tầng kết nối của Bộ Y tế để làm mẫu. Cùng với đó, sẽ chọn thêm những địa phương làm mẫu, điểm với Bộ Y tế thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng nêu và đề nghị Ngân hàng Nhà nước đánh giá 8 nhóm phần việc để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, Đề án 06, Luật Cư trú năm 2020…
Dưới sự điều hành của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đại diện các bộ, ngành gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước… đã báo cáo những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Luật Cư trú năm 2020 của bộ, ngành đang quản lý.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành, địa phương từ nay đến 15/03/2023, phải đưa ra kế hoạch cụ thể đánh giá kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, phần mềm quản trị của các bộ, ngành, địa phương để kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thay đổi ngay, nhanh những thông tư, quy định cũng như những vấn đề pháp lý liên quan đến vấn đề này.
Đồng chí Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải duy trì, đáp ứng thật tốt các dịch vụ cho người dân, không được để đình trệ những dịch vụ mà Nhà nước đã cung cấp cho người dân. “Hiện nay, khi đã có máy móc, công nghệ hiện đại rồi thì các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp phải làm tốt hơn trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân. Trong trường hợp máy móc, công nghệ chưa hoạt động được thì phải duy trì bộ máy, tổ chức phục vụ người dân tốt hơn hoặc bằng trước đây. Bộ, ngành, địa phương nào để xảy ra những vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thì Chính phủ sẽ có chỉ đạo và kiên quyết xử lý”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Liên quan đến việc đầu tư công nghệ, đường truyền, cơ sở hạ tầng, quản trị, quản lý, nguồn nhân lực, đảm bảo an toàn công nghệ, thông tin, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung sớm thực hiện, đẩy mạnh số hóa, mở rộng biên độ kết nối, liên thông dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tiếp tục bồi đắp, làm giàu thêm dữ liệu trong quá trình phục vụ nhân dân giải quyết các thủ tục hành chính…