Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là sự kiện quan trọng để tỉnh Thanh Hóa hoạch định các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, các nhà đầu tư thì minh bạch lựa chọn các điểm đến. Không ít các dự án quy mô lớn, siêu lớn đang đổ bộ vào mảnh đất xứ Thanh.
Mới đây, Công ty Cổ phần gang thép DST Nghi Sơn được chấp thuận thực hiện dự án Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn tại khu công nghiệp số 4, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn. Dự án được chia làm hai gian đoạn, giai đoạn 1 sẽ đầu tư nhà máy luyện cán thép cuộn cán nóng từ nguyên liệu là thép phế liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu công suất 980.000 tấn/năm. Giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu tư nhà máy kết cấu thép, sản xuất các sản phẩm kết cấu thép dùng trong xây dựng và sản xuất công nghiệp, công suất dự kiến 30.000 tấn sản phẩm/năm, nhà máy cán nguội và sản xuất ống thép định hình dùng trong xây dựng, công suất 300.000 tấn sản phẩm thép ống, hộp, tôn mạ/năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn trao đổi với PV
Được biết, trong năm 2022, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 271 nghìn tỷ đồng, tăng 54,5% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt hơn 292 nghìn tỷ đồng, tăng 60,9% so với cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước gần 26 nghìn tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 101.600 lao động với thu nhập bình quân 6,7 triệu/người/tháng. Cũng trong năm 2022, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã thu hút thêm được 20 dự án mới, nâng tổng số dự án đã đăng ký đầu tư lên 705 dự án; có 54 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư.
Năm 2023, Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa hướng tới mục tiêu tổng giá trị sản xuất của các DN đạt 265 nghìn tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 5.700 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt 26 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm thêm cho khoảng 10 nghìn lao động.
Trao đổi với PV, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho biết: Thanh Hóa luôn nhận thức sâu sắc rằng công tác quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Một bản quy hoạch có chất lượng tốt sẽ khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thể hiện được khát vọng vươn lên sẽ giúp cho tỉnh có được đường đi nhanh nhất, hiệu quả nhất để đạt mục tiêu đề ra.
Trong quá trình phát triển của mỗi địa phương, vùng kinh tế và của cả quốc gia, quy hoạch là công cụ quan trọng để hoạch định các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển. Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh.
Một góc khu Kinh tế Nghi Sơn
Đây là quy hoạch tích hợp đầu tiên được ban hành theo phương pháp tiếp cận mới, với những nội dung hết sức quan trọng, bao gồm quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu, định hướng phát triển các ngành kinh tế quan trọng, định hướng phát triển không gian lãnh thổ, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến định hướng sử dụng đất, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Như vậy, có thể khẳng định, tầm quan trọng nhất của Quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt chính là đã tạo ra khung pháp lý cao nhất, khái quát nhất, là “xương sống” để các ngành, các lĩnh vực của tỉnh phát triển. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh được phê duyệt, các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, các quy hoạch có tính chất chuyên ngành sẽ tiếp tục được rà soát, điều chỉnh hoặc lập mới để bảo đảm tính thống nhất, khoa học, bền vững, làm căn cứ để huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của quy hoạch.
Để quy hoạch tỉnh thực sự trở thành một động lực phát triển, tỉnh sẽ sớm cụ thể hóa các quy hoạch có tính chất chuyên ngành tập trung đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư các nguồn lực để thực hiện quy hoạch, ưu tiên các nguồn lực sẵn có để đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến với tỉnh; nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với từng giai đoạn, thời kỳ phát triển để huy động hiệu quả các nguồn lực.
Đồng thời, một vấn đề quan trọng nữa là việc quản lý thực hiện theo quy hoạch. Cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, việc này vừa để bảo đảm quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa tránh lãng phí nguồn lực vì không thực hiện theo quy hoạch.
Xem thêm: lmth.405505-nol-ut-uad-ahn-cac-nod-oahc-ed-hcaoh-yuq-iahk-neirt-aoh-hnaht/ut-uad/nv.ylgnoc