Theo thống kê của Bộ Công an, có tổng số 68 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam, trong đó có: Hiến pháp; 04 Bộ luật; 39 Luật, 01 Pháp lệnh; 18 Nghị định; 04 Thông tư/Thông tư liên tịch; 01 Quyết định của Bộ trưởng. Tuy nhiên, dù có tới 68 văn bản nhưng tất cả đều không thống nhất về khái niệm và nội hàm dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trình bày tờ trình việc ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại diện Bộ Công an cho biết, dữ liệu cá nhân là vấn đề liên quan tới chặt chẽ tới quyền con người, quyền công dân, an toàn, an ninh mạng, an ninh thông tin, an ninh dữ liệu, công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số, công nghệ thông tin.
Theo đại diện Bộ Công an, hiện tình trạng lộ, mua bán dữ liệu cá nhân hiện đang diễn ra công khai, phổ biến trên không gian mạng. Chỉ trong 2 năm từ 2019-2020, Bộ Công an đã phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan bán dữ liệu cá nhân, trong đó có một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300 GB, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm.
Pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân nước ta đã có một số quy định về chế tài xử phạt với những hành vi vi phạm bảo vệ thông tin cá nhân, nhưng chưa có quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh trình bày Báo cáo Thẩm tra dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân
Từ thực trạng này, Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ, xây dựng hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đại diện Bộ Công an, việc ban hành Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, mà trước hết là của Bên xử lý dữ liệu đối với việc xử lý dữ liệu cá nhân.
Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị định, Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, trong giai đoạn phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin thì dữ liệu cá nhân, nhất là dữ liệu cá nhân trên không gian mạng trở thành nguồn tài nguyên giá trị mà các loại tội phạm, đối tượng xấu có thể thu thập, mua bán, sử dụng để thực hiện các hành vi xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, vi phạm pháp luật... cần phải có biện pháp bảo vệ tương xứng.
Pháp luật hiện hành đã có quy định về thông tin cá nhân, bảo vệ thông tin cá nhân trong một số văn bản luật nhưng mới chỉ dừng lại ở quy định chung chung về quyền, chế tài, chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ các loại thông tin này và chưa có quy định về khái niệm dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Do đó, việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh, thống nhất về bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cần thiết, phù hợp với chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm cho rằng đây là vấn đề mới, trong khi nhu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân là cấp thiết, trong điều kiện chưa thể xây dựng thành Luật, việc ban hành Nghị định là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng cho rằng pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở quy định chung chung về quyền, chế tài, chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ các loại thông tin cá nhân và chưa có quy định riêng về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Theo Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, trước mắt để tạo hành lang pháp lý điều chỉnh về vấn đề này thì cần thiết xây dựng Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng đề nghị Chính phủ làm rõ thêm lý do chưa đủ điều kiện xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời điểm hiện nay; đồng thời khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để sớm đề xuất xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân vào thời điểm thích hợp.