Niềm tin ấy đã được hun đúc từ 48 năm trước, khi một đại thắng mùa Xuân năm 1975 long trời, lở đất. Mà không, phải kể từ Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu vào ngày 7/5/1954; và trước đó, Cách mạng tháng Tám năm 1945 và ngày Độc lập 2/9/1945.
Trải qua cuộc trường chinh “khoét núi, ngủ hầm” để chống giặc, với biết bao máu đã đổ, nhân dân Việt Nam đã có được ngày thắng lợi vẹn toàn, non sông liền một dải, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Chiến thắng đó không phải chỉ của riêng Việt Nam, mà còn là huyền thoại lịch sử, là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Bản hùng ca trác tuyệt đó chỉ có thể có được nhờ vào cội nguồn sức mạnh Việt Nam, được hun đúc từ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết và bản lĩnh, trí tuệ Việt.
Cội nguồn sức mạnh đó, hơn bao giờ hết, lại được kết tinh và tỏa sáng trong hành trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong 37 năm Đổi mới. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu sau chiến tranh, giờ đây, Việt Nam có thể làm bạn, là đối tác tin cậy và sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Quy mô nền kinh tế Việt Nam cho đến nay đạt hơn 403 tỷ USD. Thương mại hàng hóa năm 2022 cũng vượt mốc 732 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 35 năm qua đạt trên 438 tỷ USD vốn FDI. Hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, song phương và đa phương đã được ký. Hệ thống doanh nghiệp đạt trên 800.000 doanh nghiệp…
Việt Nam chính là “ngôi sao đang lên”, là hình mẫu “để chia sẻ cho các nước mới nổi” trong hội nhập quốc tế - như nhiều đối tác quốc tế đã nhận định.
Làm được điều đó, là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, nhưng hơn hết, là từ cội nguồn sức mạnh Việt.
Không có cội nguồn sức mạnh Việt, không có hàng triệu triệu trái tim Việt sát cánh đoàn kết một lòng, Việt Nam không thể chiến thắng Covid-19 và nỗ lực từng bước phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế sau đại dịch.
Có mất mát, có những nỗi đau còn âm ỉ để lại, trong đó các vụ án liên quan đến kit test Việt Á, hay những chuyến bay giải cứu, là những ví dụ. Nhưng vượt lên tất cả, là niềm tự hào về một Việt Nam tiến bộ nhanh về kinh tế, tiến bộ vượt bậc về xã hội, đã xử lý hữu hiệu khủng hoảng Covid-19, duy trì được tăng trưởng kinh tế dù đối mặt với các điều kiện bất lợi.
Năm 2022, khi kinh tế toàn cầu chìm sâu trong lạm phát và suy giảm, thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 8,02%, lạm phát được kiểm soát tốt. Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là “điểm sáng trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Không chỉ Chỉ số Tín nhiệm quốc gia vẫn được đánh giá cao, mà Chỉ số Hạnh phúc cũng thăng hạng, tăng 12 bậc, đứng thứ 65/137 quốc gia trong năm qua.
Những thành tựu đó thật đáng tự vào và có được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, nhưng hơn hết là nhờ sự nỗ lực, đoàn kết một lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và của toàn hệ thống chính trị.
Càng trong khó khăn, càng phải dựa vào sức dân. Ông cha ta xưa từng nói: “Dân là gốc của nước, gốc có vững thì nước mới yên”. Và đoàn kết chính là một sức mạnh vô địch.
Đất nước đang đứng trước không ít thách thức, nhưng khát vọng đến năm 2025, năm 2030 và năm 2045 là vô cùng lớn. Không còn con đường nào khác là phải trông vào sức dân, vào cội nguồn sức mạnh Việt.
Dân tộc Việt Nam có trở nên cường thịnh hay không, ấy là nhờ vào sức dân. Lòng dân là lũy thép!