Phái đoàn 20 người của Hiệp hội Tiếp thị hải sản Alaska (ASMI) với 14 doanh nghiệp hải sản lớn nhất của bang này đang có chuỗi hoạt động xuyên suốt tại thị trường Việt Nam, nhằm đẩy mạnh xúc tiến những mặt hàng này vào thị trường hơn 90 triệu dân.
Việt Nam là "trung tâm tiêu thụ hải sản" của khu vực
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lawrence D. Bshnell, chủ tịch Công ty Gratia Dei Seafood, cho biết các doanh nghiệp hải sản trong chuyến đi lần này đều đánh giá cao tiềm năng tiêu thụ các sản phẩm hải sản tươi sống, chế biến ở thị trường Việt Nam, và xem đây là "trung tâm tiêu thụ hải sản" của khu vực.
Trong chiến lược đa dạng hóa thị trường, hải sản của bang Alaska đã từng chinh phục thành công thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... và đây là thời điểm phù hợp nhất để vào thị trường Việt Nam, nơi có nền kinh tế phát triển và ưa thích các món hải sản.
"Phần lớn hải sản của Alaska cho đến nay được lấy từ các ngư trường cách bờ biển từ 3 đến 200 dặm và được kiểm soát nghiêm ngặt. Các loại cá hồi, cá minh thái... đều được cấp đông nhanh chóng ngay khi vừa được đưa lên thuyền nên chất lượng rất tươi ngon. Chúng tôi muốn tiếp cận thị trường và cung cấp thêm nhiều thông tin về quy trình đánh bắt, bảo quản chất lượng các loài hải sản Mỹ đến người dùng Việt Nam nhiều hơn nữa", ông Lawrence D. Bshnell, cho biết.
Hải sản Mỹ muốn chinh phục người dùng Việt Nam
Tối 1-3, tại buổi kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đến từ Alaska ở TP.HCM, bà Susan Burns, tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, cho biết hải sản đóng một vai trò quan trọng trong thương mại hai nước.
Người tiêu dùng Mỹ đã tiếp cận hải sản Việt Nam, như tôm, cá ngừ trong khi tôm hùm, cua hoàng đế, cá hồi, cá tuyết, cá minh thái của Mỹ có mức tăng trưởng khá tốt ở Việt Nam.
Xuất khẩu hải sản Alaska sang Việt Nam tăng trưởng ổn định trong thời gian qua, từ 9 triệu USD năm 2018 lên 27 triệu USD trong năm 2022 nhờ sự đón nhận tích cực của thị trường.
Điều này đóng góp tích cực vào quan hệ thương mại nông nghiệp giữa hai quốc gia không ngừng tăng trưởng. Hiện Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ chín của nông sản Mỹ, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam nói chung và hải sản nói riêng.
"Năm 2023, chào mừng kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện, tôi tự hào chia sẻ rằng thương mại nông nghiệp song phương đã tăng hơn gấp đôi từ hơn 4 tỉ USD năm 2011 lên gần 10 tỉ USD năm 2022", tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM thông tin.
Đà tăng trưởng còn được các doanh nghiệp Mỹ dự báo sẽ diễn ra nhanh hơn sau các chuyến đi kết nối, xúc tiến của doanh nghiệp Mỹ trong nỗ lực tìm kiếm đối tác, nhà phân phối, bán lẻ, đưa các sản phẩm cá hồi, cá tuyết, cá minh thái và đặc biệt là tôm hùm Alaska đến gần người tiêu dùng Việt hơn.
Trong chuyến thăm Việt Nam vừa kết thúc ngày 1-3, hai thứ trưởng nông nghiệp Mỹ thông báo dừa tươi sắp trở thành loại trái cây thứ tám của Việt Nam được Mỹ cấp phép nhập khẩu.
Xem thêm: mth.60410109020303202-man-teiv-oav-cot-gnat-nas-iah-iaol-cac-ym-muh-mot-teyut-ac-ioh-ac/nv.ertiout