Sau 80 năm, Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn khẳng định giá trị, tiếp tục dẫn lối cho văn hóa Việt Nam phát triển.
80 năm trước, năm 1943, giữa bộn bề khó khăn của cách mạng, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội) đã thông qua Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo, với ba nguyên tắc cơ bản là: dân tộc, khoa học, đại chúng.
Về bản đề cương văn hóa mà Tổng bí thư Trường Chinh thay mặt Đảng khởi thảo, theo GS Phong Lê, Tổng bí thư Trường Chinh trở thành nhà thiết kế một đường lối văn hóa, văn nghệ cách mạng tương ứng và phục vụ cho công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân từ sau Cách mạng Tháng Tám cho tới cuối năm 1986, năm tiến hành Đại hội lần thứ VI của Đảng.
Ông Phong Lê phân tích về ba nguyên tắc của Đề cương về văn hóa Việt Nam đặt trong bối cảnh ra đời.
Với nguyên tắc đúng đắn Dân tộc hóa, và với sự ra đời của Hội Văn hóa cứu quốc, kể từ khi ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, gần như tuyệt đại bộ phận đội ngũ trí thức khoa học và nghệ thuật của dân tộc đều hướng về cách mạng.
Và nhờ tính Đại chúng hóa mà ngay sau 1945, nền văn học - nghệ thuật dân tộc sau những đỉnh cao đã đạt được trong văn chương, nghệ thuật, học thuật trước 1945 đã tạo được một chuyển đổi nhanh chóng để sớm có một gương mặt mới, một giọng điệu mới, thậm chí đến cả một thi pháp mới, trong sáng tác và tiếp nhận thơ, văn, nhạc, họa…
Nguyên tắc Khoa học hóa giúp nền văn hóa của một đất nước còn nô lệ lúc bấy giờ dứt khoát với quá khứ, để loại trừ các di hại của chế độ phong kiến, thuộc địa...
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: "Nói đến đồng chí Trường Chinh không thể không nhấn mạnh vai trò của đồng chí trên lĩnh vực lý luận, văn hóa tư tưởng.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã không ngừng học tập, nghiên cứu, nâng cao vốn văn hóa của mình, luyện thành một nhân cách văn hóa lớn, với nhiều đóng góp quan trọng, hình thành đường lối lãnh đạo của Đảng về văn hóa, đặt cơ sở lý luận cho việc xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng".
Thực tế, những nguyên tắc của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã trở thành đường lối phát triển văn hóa Việt Nam suốt 80 năm qua và sẽ tiếp tục còn chỉ lối cho văn hóa văn nghệ nước nhà.
Những người tham dự hội nghị ở Võng La 80 năm trước và có lẽ cả chính tác giả cũng không ngờ bản đề cương văn hóa ngắn gọn, súc tích, với ba nguyên tắc căn bản là dân tộc, khoa học, đại chúng được viết trong hoàn cảnh đất nước còn chưa giành được độc lập lại có sức sống bền lâu, có giá trị dẫn lối bền vững đến vậy.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời trong bối cảnh đất nước chưa giành được độc lập, nên một trong những mục tiêu căn bản của đề cương là dùng văn hóa để trở thành sức mạnh cho dân tộc.
Ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng tiếp tục dẫn đường đúng đắn cho văn hóa phát triển trong giai đoạn xây dựng đất nước giàu mạnh sau chiến tranh.
Tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam tiếp tục đi vào Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII và Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
Đây được xem là những văn kiện quan trọng của Đảng về phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, kế tục những nguyên tắc căn bản của Đề cương về văn hóa Việt Nam, cụ thể hóa chúng.
Trong đó nguyên tắc dân tộc được bổ sung những giá trị của thế giới để trở thành nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ông Sơn cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khi đạo đức xã hội gặp nhiều vấn đề, nhiều hiện tượng văn hóa tiêu cực, mê tín dị đoan phát triển trở lại, những tư tưởng sáng suốt của Đề cương về văn hóa Việt Nam một lần nữa cho thấy tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng mà Tổng bí thư Trường Chinh đại diện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhận định Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đến nay vẫn còn nguyên giá trị vì đã khẳng định đúng đắn vị trí, vai trò của văn hóa với mối quan hệ biện chứng giữa chính trị, kinh tế.
Văn hóa có tính dân tộc, có tính kế thừa, nhất là đối với đất nước có nền văn hóa lâu đời với những giá trị độc đáo, đặc sắc, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
Đảng ta đã khẳng định sự nghiệp văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Mục tiêu của văn hóa là cho tất cả mọi người. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã phát huy giá trị trong suốt 80 năm qua.
Ông Trường Chinh dự Hội nghị khoa học kỷ niệm 40 năm Đảng ta công bố Đề cương về văn hóa Việt Nam ngày 27-12-1983
Theo ông Chức, Đảng luôn đặt vị trí vai trò của văn hóa lên hàng đầu. Khi khó khăn chưa có chính quyền, đang phải tập trung cho cách mạng giải phóng dân tộc nhưng Đảng đã mở hội nghị trung ương để bàn thảo và ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.
Việc Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời chính là ngọn đuốc soi đường, định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân.
Văn hóa có một vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Trong tiến trình cách mạng ấy có thể thấy khi nào văn hóa được đề cao, được chú ý đúng mức thì cũng có thành công lớn.
Ngay trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giải phóng dân tộc, văn hóa là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của nhân dân.
"Khi nói đến văn hóa là nói đến những tinh hoa, tinh túy nhất được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, đặc sắc nhất, nhân văn, nhân ái. Ngay từ năm 1946 chúng ta đã có hội nghị toàn quốc về văn hóa.
Trong những hệ lụy hiện nay phải kể đến là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng, làm mất lòng tin của nhân dân. Đó chính là "thiếu văn hóa".
Bởi có văn hóa và đang là "tấm gương" thì "không bao giờ" lại đi tham nhũng. Rồi các vấn đề như bạo lực gia đình, bạo lực học đường, tệ nạn xã hội vẫn đang có chiều hướng gia tăng, chính là "cái yếu" khi văn hóa không được quan tâm đúng mức", ông Chức nhấn mạnh.
Tổng bí thư Trường Chinh dẫn đầu đoàn đại biểu nhân dân miền Bắc vào TP.HCM dự Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc
Từ sau Đại hội XIII của Đảng và nhất là sau Hội nghị toàn quốc về văn hóa năm 2021 với những định hướng được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra thì rõ ràng những hạn chế, sự lệch lạc đã được chấn chỉnh.
Các cấp ủy đã quan tâm nhiều đến văn hóa. Triển khai văn hóa dân tộc chính là dân tộc hóa. Bản sắc văn hóa dân tộc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, khoa học và xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội.
Đặc biệt, theo ông Chức, vấn đề đại chúng rất quan trọng, nền văn hóa cho mọi người, cho tất cả nhân dân chứ không phải nền văn hóa riêng cho một ai đó. Điều đó thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc. Đồng thời chính nó tạo ra một "sợi dây", "chất keo" kết dính sự đoàn kết toàn Đảng, toàn dân ta.
Ông Trường Chinh thăm gia đình bà Trần Thị Hồng và bà Lê Thị Cúc, cơ sở cách mạng ở Đông Xuân, Kim Anh, Vĩnh Phú, nay thuộc Sóc Sơn, Hà Nội
TS Đặng Xuân Thanh - cháu nội của Tổng bí thư Trường Chinh - cho biết, từ "anh Năm Thận" - bí danh do tính cẩn thận nổi tiếng của Trường Chinh, trở thành "anh Năm Mới" - tên gọi mà đồng bào, cán bộ miền Nam trìu mến đặt cho ông, là một hành trình gian khổ.
Theo ông Thanh, tất cả các con trai của ông nội mình đều trải qua quân ngũ. Có lần có người hỏi Trường Chinh tại sao không nâng đỡ cho con trai ông là Đặng Xuân Kỳ, câu trả lời khiến người nghe bất ngờ và thấm thía: "Rất tiếc, anh ấy lại là con trai tôi".
Thứ "nhân cách văn hóa" này hơn bao giờ hết rất cần được phát huy trong thời đại ngày nay, cũng giống như Đề cương về văn hóa Việt Nam của ông.
Những năm 1982-1983, Trường Chinh từng bị các đồng chí của mình phê phán "chạy theo chủ nghĩa thị trường kiểu Nam Tư". Với một người cộng sản trong sáng, kiên trung như ông thì chắc chắn đã rất buồn khổ về phê phán này.
Nhưng cũng chính ông đã rất quyết tâm, mạnh mẽ đấu tranh cho điều ông tin là đúng đắn, như cách của ông bấy lâu.
Sau khi nhận lãnh vai trò Tổng bí thư thay cho người đồng chí vừa qua đời - Tổng bí thư Lê Duẩn, ông đã xem bản dự thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội VI và không tán thành, đề nghị dự thảo lại lần thứ hai.
Là người tham gia ở mức nhất định vào quá trình chuẩn bị văn kiện Đại hội VI, ông Võ Văn Kiệt đã chứng chiến Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo soạn thảo và đích thân sửa chữa từng câu, chữ trong dự thảo văn kiện.
"Đồng chí chẳng những là người có công lớn trong việc khởi xướng Đổi mới mà còn đóng góp lớn cho việc gìn giữ kỷ cương trong Đảng", Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận định.
Cuối năm 1986 lịch sử ấy, Tổng bí thư Trường Chinh đã chỉ đạo thành công Đại hội VI - Đại hội của đổi mới, đại hội không chỉ giúp giải phóng về kinh tế mà còn đưa văn hóa văn nghệ sang một trang mới. Nhiều người còn nhớ không khí đổi mới đã rộn ràng thế nào trong giới văn nghệ sĩ lúc đó.
Kể từ đây, một loạt tên tuổi văn nghệ sĩ tài năng có cơ hội lộ diện, làm nên một diện mạo văn nghệ mới cho nước nhà như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh… trong lĩnh vực văn học, Trần Văn Thủy trong lĩnh vực phim tài liệu…
Những ngày cuối tháng 2 lịch sử, Tuổi Trẻ Online tìm về xã Võng La (huyện Đông Anh, Hà Nội) - nơi cách đây 80 năm, Tổng bí thư Trường Chinh đã soạn thảo và thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Tới cổng Làng Chài, nằm ngay sát đường đê tả sông Hồng, thuộc thôn Võng La (xã Võng La), một tấm biển chỉ dẫn lớn đề dòng chữ "Di tích truyền thống an toàn khu Trung ương Đảng thời kỳ 1941 - 1945".
Trong khuôn viên khu di tích, tấm bia đá lớn dựng lên ghi rõ: làng chài Võng La là nơi Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn việc mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất và xúc tiến khởi nghĩa vũ trang, thông qua đề cương văn hóa cứu quốc.
Là người được nghe kể lại tường tận về thời điểm bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, ông Phan Thế Kiên (82 tuổi) - chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn Võng La - kể lại:
Ông Phan Thế Kiên (82 tuổi) - chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi thôn Võng La - lý giải về tấm bia đá dựng tại khu di tích thôn - Ảnh: PHẠM TUẤN
"Khi các vị các bộ trung ương họp tại thôn Võng La, lúc đó tôi còn nhỏ quá, nhưng sau này được các vị tiền bối kể lại, đó chính là thời điểm ông Trường Chinh soạn thảo bản Đề cương về văn hóa và chủ trì hội nghị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua bản Đề cương về văn hóa Việt Nam".
Nói về lý do thôn Võng La được chọn là nơi "an toàn khu" để tổ chức hội nghị, ông Kiên cho biết quan điểm tìm địa điểm hoạt động cách mạng của Đảng trước đây là thứ nhất phải cận lộ (gần đường), thứ hai phải cận giang (gần sông) và con người phải đảm bảo an toàn cho cán bộ trong lúc hoạt động.
Nền đất tại căn nhà cụ Hỏi đang ở, chính là nơi cố Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo bản đề cương văn hóa Việt Nam - Ảnh: PHẠM TUẤN
Võng La đáp ứng đủ ba yếu tố kể trên: gần sông Hồng, gần đường quốc lộ nối với "thủ đô kháng chiến Thái Nguyên và Tân Trào (Tuyên Quang)". Đồng thời, người dân ở đây được đánh giá "luôn luôn có truyền thống yêu nước".
"Võng La cũng là địa điểm tiện nhận các chỉ thị của trung ương từ Hà Nội chuyển qua. Nếu có biến cố gì thì tiến về Hà Nội cũng tiện và rút đi cũng tốt. Đặc biệt, trong thời gian các đồng chí Trung ương Đảng về hoạt động, người dân chúng tôi đã nuôi giấu và đảm bảo an toàn tuyệt đối" - ông Kiên nói.
Ông Kiên cho biết thêm, trong thời gian Tổng bí thư Trường Chinh, các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng… hoạt động tại thôn Võng La, đã có 12 gia đình tại thôn trực tiếp nuôi giấu, bảo vệ các cán bộ cao cấp của Đảng hoạt động.
Trong đó, nhà cụ Nguyễn Thị Hỏi là nơi Tổng bí thư Trường Chinh chọn làm nơi soạn bản thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam. Sau đó, đề cương trên được thông qua tại gian sau của Đình làng thôn Võng La.
Cụ Hỏi (một trong 12 gia đình từng nuôi giấu cán bộ cách mạng tại thôn Võng La) và con trai ngồi kể về những ngày tháng nuôi giấu cán bộ và quá trình đề cương văn hóa Việt Nam được soạn thảo - Ảnh: PHẠM TUẤN
Tìm đến nhà cụ Hỏi, khi được nghe giới thiệu nhà báo đến tìm hiểu quá trình nuôi giấu cán bộ của gia đình, cụ kể: "Ngày xưa nhà tôi có cái hòm gỗ chuyên để đựng thóc, nếu có người lạ vào thì các cụ Trường Chinh, cụ Hoàng Quốc Việt... lại vào hòm đựng thóc để trốn. Bố chồng tôi đã bị chích điện ngay giữa sân này khi địch ập vào giữa lúc đang mải đi giấu tài liệu cho các vị cán bộ".
Bà Hỏi cũng khẳng định, nền đất hiện tại của căn nhà bà đang ở cũng chính là nơi Tổng bí thư Trường Chinh viết ra bản Đề cương về văn hóa Việt Nam.
* Bài viết tham khảo tư liệu từ cuốn sách Trường Chinh - Một trí tuệ lớn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, 2020.
Xem thêm: mth.24705110303202-man-teiv-aoh-nav-ev-gnouc-ed-man-08/nv.ertiout