Trước đó, phóng viên ghi nhận trên diện tích khoảng hơn 1ha rừng thuộc lâm phận của Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ (RPH) H.Vĩnh Thạnh, hàng trăm cây xanh bị cưa hạ sát đất, nằm la liệt. Nhiều cây có đường kính từ 20 đến gần 30cm. Đến được vị trí này phải đi từ đường bê-tông ven hồ nước Bình Định rồi theo đường mòn đi sâu vào rừng theo những đồi dốc. Cách đó khoảng hơn 1km là trạm trực bảo vệ rừng của BQL RPH H.Vĩnh Thạnh.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm H.Vĩnh Thạnh, vào ngày 24/01/2024, BQL RPH H.Vĩnh Thạnh kiểm tra rừng tại lô 12 và 14 thuộc khoảnh 4, tiểu khu 169, xã Vĩnh Hảo, đã phát hiện cây sao đen và cây keo bị phá trái pháp luật. Diện tích thiệt hại là 11.826m2 (gần 1,2ha) rừng trồng, có 165 cây sao đen và 62 cây keo bị cưa hạ. Cây có đường kính từ 16cm đến 30cm. BQL RPH H.Vĩnh Thạnh tạm giữ 1 máy cưa xích. Số cây gỗ bị chặt phá còn ở hiện trường, chưa bị đưa đi nơi khác. Thời gian cây bị cưa hạ vào khoảng đầu tháng 01/2024. Ngành chức năng xác định, số diện tích rừng, cây bị phá là do ông Đinh Ươn (Bá Ru, ngụ thôn 6, xã Vĩnh Thuận, H.Vĩnh Thạnh) thực hiện. Việc phá rừng diễn ra trong vòng 2 ngày.
Cuối tháng 01/2024, ông Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND H.Vĩnh Thạnh dẫn đầu đoàn công tác liên ngành trực tiếp đến hiện trường kiểm tra và yêu cầu xử lý. Khi ngành chức năng phát hiện vụ việc và ngăn chặn nên đối tượng vi phạm đã dừng lại. Mục đích của việc phá rừng là để lấy đất trồng cây keo.
Ông Đặng Bá Quang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Vĩnh Thạnh nhận định, gần 1,2ha rừng trồng phòng hộ bị phá trái pháp luật là vượt khung xử phạt vi phạm hành chính, đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên phải chuyển sang Cơ quan công an để điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện cơ quan chức năng đang chờ việc giám định thiệt hại rừng để tiếp tục xử lý.
Để xảy ra vụ phá rừng, thuộc trách nhiệm của BQL RPH huyện và kiểm lâm địa bàn thuộc Hạt Kiểm lâm H.Vĩnh Thạnh. UBND H.Vĩnh Thạnh đã yêu cầu các cá nhân, đơn vị có liên quan báo cáo, kiểm điểm vì để mất rừng.
H.Vĩnh Thạnh là một trong địa phương xảy ra các điểm "nóng" về phá, xâm phạm, lấn chiếm rừng. Ngoài "lâm tặc" tàn phá rừng thì còn có nhiều lãnh đạo, cán bộ, đơn vị, tổ chức vi phạm về rừng. Tháng 12/2022, UBND H.Vĩnh Thạnh chuyển hồ sơ đến công an để điều tra, xử lý vụ 138ha đất RPH của gia đình nguyên Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thạnh Nguyễn Đình Kim. Ông Kim viết đơn, giả chữ ký, làm giúp hồ sơ xin giao đất rừng cho 5 trường hợp có quan hệ họ hàng với mình, trong đó, gia đình ông Kim có hơn 138ha đất được cấp trái luật.
Tháng 10/2023, UBND H.Vĩnh Thạnh kỷ luật khiển trách ông Trần Phước Phi - Giám đốc BQL RPH H.Vĩnh Thạnh do có sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về phát triển và sử dụng rừng. Tháng 7/2023, Công ty CP SX-TM Vĩnh Thạnh trúng đấu giá khai thác hơn 25,62ha rừng tự nhiên để xây dựng thủy điện Vĩnh Sơn 4 (H.Vĩnh Thạnh) với 3,89 tỷ đồng. Quy trình khai thác rừng là theo hình thức "chặt hạ, cắt khúc". Công ty Vĩnh Thạnh khai thác cây bằng lăng còn nguyên gốc, vận chuyển ra ngoài và bán giá cao ngất ngưởng (để làm cảnh), có những cây cổ thụ giá đến 200 triệu đồng.
Xem thêm: lmth.572951_ah-teirt-ib-oh-gnohp-gnur-gnort-yac-mart-gnah-uv-art-ueid/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc