Phiên tòa lưu động đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Quá trình xét xử đảm bảo về trình tự, thủ tục và nội dung theo tinh thần cải cách tư pháp.
Nội dung vụ án thể hiện, từ tháng 10/2021 đến tháng 4/2022, đối tượng Lê Quang Vinh đã thuê người vào các khoảnh 4, 4a, 5, 5a (Tiểu khu 251A, xã Phúc Trạch thuộc BQL rừng phòng hộ Hương Khê quản lý) chặt phá rừng với diện tích lên đến 4,7213 ha.
Trong đó, diện tích rừng phòng hộ là 2,7935ha, diện tích rừng sản xuất 1,9278ha nhằm mục đích để lấy đất trồng keo lá tràm.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Hương Khê sau đó đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Quang Vinh về hành vi “hủy hoại rừng".
Bị cáo Lê Quang Vinh tại phiên xét xử
Tại phiên xử, bị cáo Lê Quang Vinh đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt.
Nhận định hành vi của bị cáo xem thường pháp luật, chính quyền và lực lượng chức năng, cố tình xâm hại rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, tiềm ẩn mất an ninh trật tự nên cần phải nhận mức án tương xứng để răn đe và phòng ngừa chung.
Sau khi cân nhắc các tình tiết, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Quang Vinh 4 năm tù, đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
Trong quá trình xét xử vụ án, TAND huyện Hương Khê đã phối hợp phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại địa phương.
Theo báo cáo của huyện Hương Khê, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn huyện là 100.171,72 ha, gồm: 68.526,27 ha rừng tự nhiên, 23.068,71 ha rừng trồng, 8.576,74 ha đất trống. Hiện có 13.247,2 ha diện tích đã giao cho hộ gia đình, cá nhân (3.760 hộ gia đình, cá nhân). Diện tích đã giao cho các chủ rừng tổ chức (7 đơn vị chủ rừng) là 81.125,5 ha.
Đông đảo người dân đến dự phiên xét xử
Được biết, thời gian qua, tại nhiều địa phương ở huyện Hương Khê, trên phần đất lâm nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình, UBND xã, BQL rừng phòng hộ Hương Khê quản lý xảy ra nhiều vi phạm liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Đáng nói, tình trạng vi phạm có chiều hướng ngày càng phức tạp, tiềm ẩn mất an ninh trật tự; tính chất, mức độ vi phạm ngày càng tăng (tăng cả về số lượng người vi phạm, diện tích vi phạm) và có biểu hiện xem thường pháp luật, chính quyền và lực lượng chức năng; một số đối tượng cố tình xâm hại rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.
Các chủ rừng là hộ gia đình được giao đất, giao rừng chưa phát huy hết được vai trò trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của người được giao đất, giao rừng theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, chính quyền một số xã có biểu hiện buông lỏng, chưa tập trung quyết liệt, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt là tư tưởng xem việc quản lý và bảo vệ rừng là trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm; thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu báo cáo để kịp thời để xử lý khi vụ việc mới phát sinh...
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chánh án TAND huyện Hương Khê cho biết: “Căn cứ vào mục tiêu, kế hoạch của TANDTC, TAND tỉnh Hà Tĩnh, TAND huyện Hương Khê tổ chức phối hợp giữa cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Công an và các cơ quan có liên quan tổ chức xét xử vụ án nhằm tuyên truyền trực tiếp, đầy đủ, qua đó cảnh báo, răn đe phòng ngừa chung trước toàn thể xã hội và giáo dục mọi người phải biết chấp hành pháp luật, cảnh báo những ai có ý định phạm tội, vi phạm pháp luật cần chấm dứt ngay các ý định trên. Các cơ quan thực thi pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh, quyết liệt, không khoan nhượng cho các đối tượng vi phạm pháp luật”.