Như Thanh Niên thông tin, Bộ GTVT vừa có công văn gửi các bộ: Công an, TN-MT, Công thương, KH-CN cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định xe cơ giới.
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất ô tô mới sản xuất, lắp ráp chưa qua sử dụng có năm sản xuất không vượt quá 1 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm định, được miễn kiểm định và được cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định để lưu hành.
Các loại xe này gồm xe cơ giới sản xuất, lắp ráp hoàn chỉnh mới đã được các cơ sở sản xuất, lắp ráp thực hiện kiểm tra chất lượng xuất xưởng, cấp phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng theo quy định; xe cơ giới nhập khẩu mới chưa qua sử dụng đã được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.
Dự thảo cũng quy định chủ xe nộp bản cà số khung, số động cơ của phương tiện xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu để lập hồ sơ phương tiện. Đơn vị đăng kiểm sẽ không thực hiện việc kiểm tra xe trên dây chuyền kiểm định như hiện nay. Chủ xe không cần đưa phương tiện đến trung tâm đăng kiểm mà chỉ cần đưa bản cà số khung, số động cơ của xe để đơn vị đăng kiểm lập hồ sơ phương tiện và cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định theo quy định.
Sớm áp dụng mang lại nhiều lợi ích
Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ sự đồng tình ủng hộ việc miễn đăng kiểm lần đầu với ô tô mới. "Hoàn toàn đồng tình, lẽ ra việc này nên làm từ lâu mới phải. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới từ lâu đã không đăng kiểm ô tô mới xuất xưởng. Việc này sẽ tiết kiệm được cho người dân biết bao công sức, tiền bạc", BĐ Rêu Phong viết.
Nên quy định xe mới miễn đăng kiểm lần đầu 2 năm rưỡi đối với ô tô con không kinh doanh dịch vụ, taxi.
Hiep Ngo
Ủng hộ miễn đăng kiểm lần đầu với ô tô mới. Và nên chăng giấy cấp lần đầu giao cho đơn vị nhập khẩu hoặc nhà sản xuất và họ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này, thay vì yêu cầu chủ xe đến cơ quan đăng kiểm lấy tem.
Huy Trần
Cùng quan điểm, BĐ Nguyễn Lợi cho rằng: "Đáng lẽ phải thực hiện việc này từ lâu rồi. Ô tô phải trải qua biết bao nhiêu khâu kiểm định khắt khe từ các nhà sản xuất với các chứng nhận toàn cầu thì mới được xuất xưởng; chưa kể nhà sản xuất liên tục nâng cấp các tiêu chuẩn theo quy định quốc tế thì cớ gì mình lại đi làm cái việc đem chiếc xe mới cứng đi đăng kiểm".
Bày tỏ "hoàn toàn đồng ý" việc miễn đăng kiểm với ô tô mới xuất xưởng, nhưng BĐ H.Thắng cho rằng: "Chỉ miễn với ô tô sản xuất trong nước đã được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và những xe mới nhập khẩu từ các thương hiệu có uy tín, còn lại nên đăng kiểm tất cả vì một số xe mới đến từ các thương hiệu lạ chưa rõ độ tin cậy an toàn kỹ thuật ra sao".
"Bỏ đăng kiểm tô tô mới là hiển nhiên. Cái cần là quy định trách nhiệm cho nhà sản xuất và cung cấp ô tô trong nước, nếu lỗi về kỹ thuật an toàn thì nhà cung cấp và nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", BĐ Van Chu lưu ý.
Nên nâng thời hạn đăng kiểm xe gia đình
Không chỉ đồng tình ủng hộ việc miễn đăng kiểm lần đầu với ô tô mới, nhiều BĐ còn kiến nghị tăng thêm thời gian đăng kiểm xe tư nhân, gia đình không kinh doanh. "Hoan nghênh việc làm này. Tuy nhiên đã làm thì làm cho tới, Bộ GTVT cũng nên tính toán đối với ô tô con dưới 9 chỗ, không kinh doanh dịch vụ, nếu trên 10 năm thì nên cho đăng kiểm 2 năm 1 lần. Việc này sẽ đỡ gây thất thoát, lãng phí tiền bạc, công sức", BĐ Hữu Hiền góp ý.
Tương tự, BĐ Yen Ly đề xuất: "Với xe cá nhân, gia đình dưới 9 chỗ có năm sản xuất trên 12 năm không tham gia kinh doanh, bộ cũng nên xem xét nâng thời hạn đăng kiểm lên từ 12 - 18 tháng, thay vì 6 tháng như hiện nay. Vì xe gia đình nên thường họ chăm sóc và bảo dưỡng rất kỹ, đảm bảo an toàn hơn xe kinh doanh", BĐ này đề xuất thêm.
"Miễn đăng ký xe mới xuất xưởng là hợp lý rồi, nhưng bộ cần nghiên cứu phương án thực hiện để thuận lợi, tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp cũng như có cơ chế giám sát, kiểm tra thật chặt chẽ để việc này được vận hành một cách tốt nhất khi đi vào thực tế", BĐ Đặng Lâm góp ý.