Đề xuất tăng lương hưu, mức cao nhất 20,8% từ 1-7
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có văn bản gửi các bộ, ngành lấy ý kiến xây dựng nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng áp dụng từ 1-7.
Bộ đề xuất tăng thêm 12,5% trên lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6-2023 đối với người đã được điều chỉnh theo nghị định số 108/2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
Bên cạnh đó, Bộ đề xuất tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6-2023.
Đề xuất hỗ trợ thêm đối với những người hưởng từ trước 1995 có mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng dưới 3 triệu đồng. Cụ thể, theo dự thảo, người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định trên thấp hơn 3 triệu đồng/tháng.
Mức điều chỉnh đề xuất cụ thể: Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có lương hưu, trợ cấp từ 2,7 triệu đồng/người/tháng trở xuống. Tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng đối với những người có lương hưu, trợ cấp từ 2,7 triệu đồng/người/tháng đến dưới 3 triệu đồng/người/tháng.
Với việc điều chỉnh nêu trên, dự kiến có khoảng 230.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ trước ngày 1-1-1995 sẽ được điều chỉnh lương hưu.
Vận tải hàng hóa tháng 2-2023 đạt gần 191 triệu tấn
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong tháng 2-2023, vận tải hàng hóa ước đạt gần 191 triệu tấn, tăng 27,8%.
Trong đó, hàng không dẫn đầu về tỉ lệ tăng trưởng với mức tăng 50%, đường bộ tăng 24,6%, đường thủy tăng hơn 43%, đường biển tăng 17,6%. Riêng vận tải hàng hóa đường sắt giảm 7,5%.
Về vận chuyển hành khách, trong tháng 2-2023 sản lượng vận tải ước đạt 363,6 triệu lượt, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, vận chuyển hành khách lĩnh vực đường biển đứng đầu với tỷ lệ tăng trưởng 61%, tiếp đến là hàng không tăng gần 60,7%, đường sắt tăng gần 59%, đường thủy tăng 57,5% và đường bộ tăng 20,6%.
Hà Nội chỉ còn 11 trung tâm đăng kiểm hoạt động
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm, tính đến ngày 2-3, trên địa bàn Hà Nội chỉ còn 11/31 đơn vị đăng kiểm mở cửa phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó 20 đơn vị đăng kiểm khác đã tạm dừng hoạt động.
Hai đơn vị đăng kiểm mới nhất phải đóng cửa để phục vụ công tác điều tra là 2912D (Mai Đình, Sóc Sơn) và 2916D (Sài Đồng, Long Biên).
Danh sách 11 trung tâm đăng kiểm còn hoạt động tại Hà Nội (tính đến sáng 2-3) gồm: 2901V (Liên Ninh, Thanh Trì); 2903V (Láng Thượng, Đống Đa); 2904V (Quang Minh, Mê Linh); 2906V (Tam Hiệp, Thanh Trì); 2908D (Kim Chung, Hoài Đức); 2911D (Đông Sơn, Chương Mỹ); 2913D (Nguyên Khê, Đông Anh); 2917D (Thạch Bàn, Long Biên); 2922D (Thị trấn Phùng, Đan Phượng); 2930D (Yên Nghĩa, Hà Đông) và 2932D (Yên Sở, Hoàng Mai).
Nhu cầu đăng kiểm xe cơ giới của người dân và doanh nghiệp tăng cao trong khi 11 trung tâm này chỉ có tổng cộng 21 dây chuyền còn hoạt động khiến tình trạng ùn tắc tại các trạm đăng kiểm tái diễn và ngày càng trầm trọng.
Trong khi đó, tại TP.HCM chỉ còn 10 trung tâm đăng kiểm hoạt động.
Sẽ có tổng đài điện thoại quốc gia phòng chống bạo lực gia đình
Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho biết tổng đài là nơi tiếp nhận tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, gia đình, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình (hiện đã có tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em).
Tổng đài cũng là nơi liên hệ với cá nhân, tổ chức có thẩm quyền, khai thác thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội kiểm tra thông tin, tố cáo, tố giác ban đầu về hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Dự thảo cũng đề cập nhiều vấn đề mới, như nguyên tắc thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc giữa người bị bạo lực và người gây ra bạo lực; hệ thống nhà tạm lánh dành cho người bị bạo lực; cơ sở cung cấp dịch vụ phòng chống bạo lực gia đình...
Một số tin tức đáng chú ý: ADB tài trợ Lào xây dựng nhà máy điện gió để bán điện cho Việt Nam; Hà Lan muốn chia sẻ kinh nghiệm về xe đạp công cộng; Thủy hải sản Mỹ vào thị trường Việt Nam...