"Bên kia báo con ông bà có nợ vay quá hạn". Người gọi điện đòi nợ thuê dọa sẽ thông báo đến cơ quan hai người và bà con hàng xóm nếu không lo trả nợ cho con.
Hai em tôi giải thích là con đã lớn, đi làm ăn xa, cha mẹ không biết gì về số nợ của con và cũng không từng bảo lãnh trả nợ. Sau đó, rất nhiều người trong dòng họ và bạn bè của em tôi liên tục bị gọi điện thúc hối trả nợ. Bên đòi nợ còn giả danh ngân hàng gọi điện đến cơ quan hai em tôi tìm hiểu thông tin về việc làm, chức vụ, tiền lương, địa chỉ.
Bộ phận văn phòng nhầm tưởng đó là nghiệp vụ của ngân hàng trước khi cho vay hoặc mua bán thế chấp gì đó nên làm theo lời họ. Mấy hôm sau, em tôi vào cơ quan đã thấy có người lạ chờ mình ở văn phòng. Người này lớn tiếng thông báo cho cả cơ quan hai em tôi biết việc hai người có con đang nợ họ, yêu cầu cơ quan chỉ đạo cha mẹ lo trả nợ hoặc cắt lương. Anh này còn dọa sẽ đến cơ quan mỗi ngày nếu chưa đòi được nợ...
Tất nhiên cơ quan không thể đáp ứng yêu cầu đó và hướng dẫn họ đến cơ quan chức năng để làm việc. Lãnh đạo cơ quan nói rõ nếu bên đòi nợ tiếp tục hành vi gây ảnh hưởng công việc, cơ quan sẽ nhờ can thiệp.
Bên đòi nợ thuê lại cử người sáng chiều đứng trước cơ quan và theo về đến nhà để đòi nợ. Em tôi cho biết sẽ báo với công an địa phương nếu người đòi nợ tiếp tục gây áp lực lên cuộc sống riêng tư của công dân.
Họ chuyển sang hình thức khác. Em tôi nhận được thông báo từ một văn phòng luật sư, có dấu đỏ hẳn hoi, nội dung cho biết sẽ kiện ra tòa về việc lừa đảo chiếm dụng tiền. Nhưng thay vì gửi cho người thiếu nợ, các thông báo này lại gửi cho cha mẹ với yêu cầu trả nợ cho con. Nội dung viện dẫn rất nhiều điều luật và chỉ ra mức án phải chịu cùng nhiều chi tiết khác. Đọc xong phụ huynh tụt huyết áp, cứ như là tù tội đến nơi.
Cuối cùng em tôi chấp nhận trả nợ thay con, cả vốn cả lãi mẹ, lãi con, lãi gốc... đủ thứ làm số tiền nợ tăng lên rất nhiều. Qua điện thoại là giọng nữ, còn trẻ nhưng vô cùng lỗ mãng chửi tục, đe dọa đủ kiểu. Họ yêu cầu thanh toán một lần. Họ còn hướng dẫn cách thế chấp, mua bán tài sản để có tiền nộp ngay.
Trừng phạt nạn nhân vì... phản kháng bên đòi nợ thuê
Và điều tàn nhẫn nhất đã đến sau khi em tôi thanh toán xong số nợ với ngân hàng và có thông báo với bên đòi nợ. Công ty đòi nợ lại đăng trên Facebook thông tin việc gia đình thiếu nợ chây ỳ không trả. Quá ngạc nhiên và bức bối, em tôi đề nghị ngân hàng tác động. Giấy xác nhận (chúng tôi đã trả xong nợ) của ngân hàng đã gửi đến công ty đòi nợ rồi, nhưng họ vẫn giữ nguyên thông tin đó trên mạng xã hội nhiều ngày sau.
Họ trả lời với em tôi rằng đó là cách trừng phạt vì việc gia đình trốn tránh việc trả nợ thay con cũng như dám phản kháng với công ty đòi nợ.
Sau mấy lượt yêu cầu ngân hàng can thiệp, ngân hàng gửi văn bản cho công ty đòi nợ thuộc văn phòng luật sư kia xác nhận trả nợ xong cũng như thanh toán phần lợi nhuận của công ty đòi nợ thuê. Ngân hàng không nhận trách nhiệm gì trong việc thông tin lên mạng xã hội của họ.
Em tôi phải chịu đựng rắc rối như vậy một thời gian sau mới yên thân.
Văn phòng luật sư cũng dọa
Chúng tôi rất ngạc nhiên vì một văn phòng luật sư làm tư vấn pháp lý cho công ty tài chính (thực chất là công ty đòi nợ thuê) đã hợp tác trấn áp, đe dọa người dân như thế. Không chỉ người đứng đầu các công ty này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khủng bố đe dọa người dân mà những nhân viên tham gia đòi nợ cũng phải bị xử lý thích đáng.
Các văn phòng luật sư nhận làm tư vấn pháp lý cho các công ty tài chính, công ty thu hồi nợ, mua bán nợ cần có sự kiểm tra của cơ quan chức năng tránh bị lợi dụng hay tiếp tay cho kẻ xấu.
Trung bình mỗi tháng, tổ chức tội phạm này nhận từ các ngân hàng, công ty tài chính 141.000 - 241.000 hợp đồng vay tiền của các khách hàng, đòi nợ bằng hình thức đe dọa, khủng bố... Tổng số tiền đã đòi được hơn 988 tỉ đồng.
Xem thêm: mth.3970532220303202-euht-on-iod-yt-gnoc-ut-tahp-gnurt-nod-ueik-gnuhn-gnuh-iah/nv.ertiout